CCB Nguyễn Văn Khuông năm nay vừa bước sang tuổi 91, vậy mà đầu tháng 6-2012, ông lại lên đường dẫn các con, em CCB Tây Tiến trở lại thăm chiến trường xưa. Trong chuyến đi 10 ngày theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến, các thành viên trong đoàn đã có dịp hiểu thêm về một CCB từng tham gia cách mạng trên vùng đất Sầm Nưa, một người con đất Việt nhưng đã có hơn 30 năm gắn bó với “xứ sở Triệu Voi”…
Năm 1931, cậu bé Nguyễn Văn Khuông chưa đầy 10 tuổi đã theo cha rời vùng quê Ý Yên, Nam Định, sang Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, Lào) sinh sống. Ngày ấy, do gia cảnh nghèo khó mà người cha của Khuông đã phải lặn lội sang Lào làm thuê. Giống như những đứa trẻ người Lào khác, Khuông theo học tiểu học và dùng tiếng nước bạn thay tiếng mẹ đẻ. Đến tuổi trưởng thành, Khuông được “Hội Ái hữu Việt kiều” tại Sầm Nưa vận động tham gia cách mạng, rồi được tổ chức giao nhiệm vụ tập hợp thanh niên Việt kiều tại đây.
Trong ký ức người lính già vẫn còn nhớ lần đầu tiên được tiếp xúc với Việt Minh, đó là tháng 10-1945. “Khi biết tin quân Pháp chuẩn bị rút khỏi Sầm Nưa, tổ chức cử tôi và anh Trần Văn Kính đi xe đạp từ Sầm Nưa về Mộc Châu để liên lạc với Việt Minh. Hôm ấy anh Lê Hiến Mai đã tới ôm chặt chúng tôi rồi bảo: “Tôi thay mặt đơn vị biểu dương hai đồng chí”. Chúng tôi xúc động lắm, vì lần đầu tiên được gọi bằng hai từ “đồng chí”, khi ấy mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến hết”. Sau này, ông Khuông mới hay Đại đội Việt Minh (do Tuấn Sơn chỉ huy và Lê Hiến Mai là cố vấn) chính là đơn vị tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến, Trung đoàn mà sau này tất cả 25 thanh niên Việt kiều ở Sầm Nưa, trong đó có Nguyễn Văn Khuông, đã được gia nhập.
Năm 1957, ông Khuông về nước công tác tại Khu tự trị Thái-Mèo. Chuyến công tác ở Ngân hàng Điện Biên năm ấy đã trở thành “cơ duyên” để ông tiếp tục gắn bó với nước bạn Lào. Hôm đó, ông đang làm công tác thanh tra ở Ngân hàng Điện Biên thì có đoàn cán bộ của tỉnh Luông-pha-băng sang thăm và làm việc. Tìm mãi không có người phiên dịch tiếng Lào, đang lúc “bí” thì người phụ trách Ngân hàng Điện Biên liền giới thiệu với lãnh đạo địa phương: “Chỗ tôi có một cán bộ ở Khu lên công tác, đồng chí ấy nói tiếng Lào rất giỏi!”. Thế là ông Khuông được “trưng dụng” đến làm phiên dịch.
Ông Khuông (thứ ba, hàng đầu từ trái sang) và Bí thư Tỉnh ủy Hủa Phăn Khăm-húng Hương-vông-xi (áo trắng, đứng giữa) cùng con, em CCB Trung đoàn Tây Tiến tại Sầm Nưa (Lào) ngày 15-6-2012. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Cấp trên biết ông giỏi tiếng Lào nên đã phân công ông trực tiếp sang nắm dân, xây dựng và củng cố cơ sở giúp bạn. Trong suốt hơn chục năm sắm vai “cán bộ dân vận” với tên gọi Khăm Húng, ông Khuông đã trực tiếp có mặt ở vùng đất Mường Son, Xiềng Khọ (tỉnh Hủa Phăn) để giúp đỡ các bạn Lào xây dựng, phát triển kinh tế. Trong thời gian ấy, đã có một sự việc liên quan tới người bạn Lào tên là Phìa Thăm (thân phụ của Thủ tướng Lào Thoong-xinh Thăm-ma-vông hiện nay). Lúc bấy giờ, Thoong-xinh Thăm-ma-vông đang công tác ở Bộ Giáo dục Lào nhưng lại bị nghi ngờ lý lịch gia đình “có vấn đề”, bởi có người cho rằng, “Thoong-xinh có ông bố Phìa Thăm là phản động”. Do ông Khuông từng là người giúp Đội vũ trang tuyên truyền huyện Mường Son (do Phìa Thăm là Đội trưởng) trong các năm 1950-1954 nên bạn đã cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức Trung ương tới gặp ông để xác minh. “Thực ra là có sự nhầm lẫn giữa hai tên gọi gần giống nhau giữa anh Phìa Thăm với kẻ phản động tên là Phìa Khăm trên cùng địa bàn huyện Mường Son. Trước đây Phìa Khăm từng là Chủ tịch Ít-xa-la huyện, nhưng sau đó ông ta đã cấu kết với lực lượng phản động ở Mường Hiểm lập âm mưu ám sát phái đoàn Chính phủ kháng chiến Lào (do đồng chí Nu-hắc Phum-xa-vẳn làm trưởng đoàn) khi đoàn đang tới thị sát các tỉnh bắc Lào. Còn đồng chí Phìa Thăm chính là người phụ trách quân sự và dân quân du kích huyện Mường Son, cũng là người đã chỉ huy Đội vũ trang tuyên truyền phối hợp với các đơn vị tiêu diệt lực lượng của tên phản động Phìa Khăm khi số này bỏ chạy về Sầm Nưa năm 1952”, ông Khuông kể lại.
Nhờ sự làm chứng của ông Khuông, mọi việc đã được làm sáng tỏ, hồ sơ lý lịch của đồng chí Thoong-xinh Thăm-ma-vông được xác nhận một cách rõ ràng, chính xác.
Ông Khuông bảo rằng, từ ngày về nghỉ hưu (năm 1981) cho tới nay, ông nhận được khá nhiều thư, điện cảm ơn từ số con em người Lào từng được “bác Khăm Húng” lựa chọn sang Việt Nam học tập. Người cựu binh Tây Tiến đã đưa cho chúng tôi xem lá thư gửi ngày 3-5-2007 của một cựu học sinh có tên E-phăn Sa-may, bức thư có đoạn: “Thưa bác, cháu là E-phăn Sa-may, đứa cháu bướng bỉnh và mất nhiều công dạy bảo trong số những người được bác đưa sang Sơn La học năm 1968. Nhờ sự dạy bảo của bác mà nay cháu đã nên người, trở thành Đại tá, Cục phó Cục quản lý xe cơ giới của Bộ Quốc phòng Lào. Cháu được chú Đại sứ Bun Thong cho biết, vừa qua bác bị mệt nên không đến dự ngày lễ té nước Bun-pi-may được, do ở xa, không thể sang Hà Nội thăm bác nên thông qua Sứ quán Lào, cháu xin được chuyển lời chúc và mong bác mau hồi phục sức khỏe”…
Từng có nhiều dịp trở lại thăm nước bạn Lào, song chuyến đi đáng nhớ nhất đối với ông Khuông là vào tháng 11-2002, khi hai vợ chồng ông đã trở thành “thượng khách” của Ban Tổ chức Trung ương Lào và Thành ủy Viêng Chăn. Năm ấy, Bí thư Thành ủy kiêm Đô trưởng Viêng Chăn Thoong-xinh Thăm-ma-vông (nay là Thủ tướng Lào) đã trực tiếp dẫn vợ chồng ông đi tham quan các danh lam thắng cảnh, thăm căn cứ địa Sầm Nưa - nơi ông từng có hơn 30 năm gắn bó, là nơi ông vẫn coi như quê hương thứ hai của mình…
Theo: qdnd.vn