Vùng đất Nam sông Hồng - trong đó địa bàn chủ yếu là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay, từ nửa cuối thế kỷ XV, được triều đình nhà Lê quan tâm đặc biệt. Nhà nước đã có nhiều chính sách và hoạt động về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá hơn, ở vùng này so với các khu vực khác của châu thổ sông Hồng cùng thời.
Nằm trên trục đường giao thông thuỷ, bộ nối liền Bắc - Nam, Nam Định thế kỷ XV có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền triều Lê. Chiêm Thành, Chân Lạp ở phương Nam luôn là mối lo thường xuyên về an ninh quốc gia nơi miền biên ải, đồng thời lại là vùng đất rộng người thưa kích thích khát vọng mở mang lãnh thổ của chính quyền Đại Việt. Phương nam với nhà Lê còn có Lam Sơn - Lam Kinh - quê cha đất tổ, đất phát tích của vương triều, nơi thờ cúng tổ tiên, thờ vị Thái Tổ sáng nghiệp… Vì thế các vua Lê, nhất là vua Lê Thánh Tông, thường xuyên qua lại vùng Thiên Trường, Trường Yên.
Trong thời Lê Thánh Tông, vị trí vùng đất Thiên Trường càng trở nên đặc biệt quan trọng với các hoạt động quân sự ở vùng đất Chiêm Thành cũng như việc phòng vệ phía nam cho vùng trung châu Bắc Bộ, cho kinh thành Đông Kinh.
Vào nửa cuối những năm 60 của thế kỷ XV, triều đình Lê Thánh Tông đã tăng cường mạnh mẽ lực lượng và huấn luyện quân đội, chuẩn bị tích cực cho các hoạt động quân sự ở phía Nam. Trong 5 lần tập trận lớn được ghi trong chính sử, có đến 4 lần diễn ra trên địa bàn Nam Định - Ninh Bình: tháng 3 năm Bính Tuất (1466), tập trận ở Giao Thuỷ; sang năm sau (1467), dồn dập 3 lần vào tháng giêng ở sông Thiên Phái, tháng hai ở sông Lỗ, sông Vị.
Nếu năm 1438, khi viết Dư địa chí, bằng tri thức lịch sử và kinh nghiệm bản thân, Nguyễn Trãi đã nhận thấy vùng đất Sơn Nam là phên dậu trực tiếp của phía Nam kinh thành, thì sang nửa sau thế kỷ XV, nhận định đó càng được khẳng định là đúng đắn. Khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó phát triển tiềm lực kinh tế, quân sự của quốc gia và sự ưu tiên được hướng về phía Nam, thì Thiên Trường trở thành địa bàn chuẩn bị trực tiếp, nơi đóng góp nhiều nhất về sức người, sức của.
Mặt khác, cũng do yêu cầu của chính quyền trung ương nhà Lê, việc huy động thường xuyên phục vụ cho những chuyến về thăm Lam Kinh, Thanh Hoá, hoặc đột xuất yêu cầu cung cấp lương thực, nhân lực, vật lực đảm bảo hậu cần cho việc Nam chinh đánh Chiêm Thành, Ai Lao đã đưa cư dân vùng này vào những hoạt động phục vụ quân sự, tạp dịch mang tính cưỡng bức khiến cho sự phát triển kinh tế tự nhiên của làng xã vùng Nam Định vốn đã bị chi phối từ thời Lý, Trần lại tiếp tục bị ảnh hưởng, bị bó hẹp lại hơn so với khu vực Bắc sông Hồng.
Dòng sông Hồng hàng năm có thể đưa phù sa đất bồi ra biển Bắc Bộ khoảng 40m. Do hướng chính của các dòng chảy cơ bản là Tây Bắc - Đông Nam, cộng với tác động của hướng sóng biển, gió mùa, hướng khúc xạ của sóng vào bờ…, phần lớn phù sa lắng về phía nam, thuộc khu vực bờ biển của Nam Định. Vì thế nhịp độ tiến ra biển của các bãi bồi khu bờ phía Nam căn bản hơn phía Bắc, có nơi đạt tới 60-80 m/năm. Tặng vật này của thiên nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trồng lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ đất chật người đông mở mang thêm diện tích canh tác.
Thời Lê sơ, nhà nước rất quan tâm đến việc nông tang nói chung, công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác nói riêng bằng hàng loạt chính sách, nhất là dưới thời Hồng Đức.
Theo Nam Định địa dư chí lược tân biên, cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, trên vùng đất cửa sông Hồng có Ngô Miễn người Bắc Hà xuống mở ấp Nhật Hy - Giao Thuỷ. Con ông Ngô Miễn là Ngô Quý Duật mở ấp Tương Loát. Thời Lê sơ có Bùi Ngọc Oánh ở đất Thọ Tung mở thêm đất phía Đông xã, nay thuộc Nam Trực. Lại có Lương Thị Minh Nguyệt mở thêm đất ruộng Tro ở Ngọc Chuế - Ý Yên.
Đình Ruối, thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên (thế kỷ XVII), thờ bà Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt. |
Theo bia Thần đạo dựng năm Duy Tân thứ 9 (1915) tại nhà thờ xã Hải Nam (huyện Hải Hậu) thì con cháu của Lê Niệm được nhà nước xét là dòng họ công thần, đặc cách cho tuỳ ý dựng ấp. Khoảng năm Thái Hoà, Diên Ninh (1443-1459) trong dòng họ có người từ Trung Đô vào huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, sau lại di sang huyện Giao Thuỷ dựng ấp tại Xóm Giữa, đặt tên theo quê cũ là Hội Khê. Thời gian đó đất bãi chưa có người, các cụ đã xe đất mở bãi dựng nhà, là một trong năm tổ dựng làng. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây, khen là có công tập hợp cư dân lập ấp, bèn chuẩn cho lập làm xã. Nhiều gia phả ở vùng này như Gia phả họ Lê ở Hội Khê, gia phả họ Lại ở Quần Anh cũng ghi tương tự. Ngày nay dòng họ Lê ở Hội Khê vẫn coi mình là con cháu của Lê Niệm.
Cách Hải Nam không xa về phía Tây Bắc, bên bờ Đông Nam dòng sông Ninh Cơ cũng diễn ra hoạt động khẩn hoang lập làng của cư dân từ Tương Đông, Bách Tính kéo sang. Theo những tài liệu ở vùng Hải Anh như Huân tích ký, bia đình xã Trung, Quần Anh địa chí, gia phả các dòng họ… thì vào nửa sau thế kỷ XV, các ông Trần Vũ, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập là người Tương Đông, Bách Tính – vốn thường hay ra sông đánh cá thấy vùng giữa cửa Đại An, Muộn Hải có nhiều cồn, bãi bồi, lại nhân có chủ trương của triều đình Lê Thánh Tông khuyến khích việc khai hoang, các ông bèn làm đơn xin được khai khẩn vùng đất này. Vào khoảng năm 1485-1486, công việc khai hoang được bắt đầu. Để có chỗ ở họ đã “mượn” của dân Cát Chử, huyện Nam Chân, bên bờ bắc sông Ninh, một khoảnh đất 19 mẫu 9 sào 3 thước để dựng nhà. Trong Địa bạ Gia Long năm 1085, tên khu đất này cũng được ghi như cách gọi dân gian ở Quần Anh là Xối Nước. Hàng ngày, phụ nữ ở lại Xối Nước để chăm lo con cái, bếp núc, còn trai tráng khoẻ mạnh cứ sáng sáng đẩy thuyền sang bãi để quai đất, đắp vùng chiều tối mới trở về. Bốn vị đứng đầu các dòng họ phân công quán xuyến từng việc: Trần Vũ chỉ đạo lực lượng khẩn hoang, Vũ Chi lo việc đắp đê, khơi mương, Phạm Cập chuyên giấy tờ, sổ sách, đo đạc ruộng đất, Hoàng Gia lo việc dạy học...
Dưới thời Hồng Đức những sắc lệnh về tổ chức lập đồn điền thường nhấn mạnh đến việc “đặt các sở đồn điền là để hết sức làm ruộng, rộng nguồn tích trữ cho nhà nước”. Vì thế, đồn điền được đặt ở những vùng đất hoang hoá, đất sa bồi ven sông, ven biển. Nhưng mặt khác, lực lượng làm việc trong đồn điền chủ yếu là binh lính, thậm chí ở một số đồn điền còn có tù binh, tội nhân. Các địa bàn khai hoang, lập đồn điền ven biển, ven sông của châu thổ Bắc Bộ nó chung, của Nam Định thế kỷ XV nói riêng lại là những cửa ngõ, là trục đường giao thông quan trọng đặc biệt, dẫn tới kinh đô Thăng Long và các vùng trung tâm đất nước. Qua đây có thể vào Nam, ra Bắc. Do vậy không thể không tính đến những nhiệm vụ chính trị, quân sự của các đồn điền này. Nói cách khác, các sở đồn điền thời Lê sơ ở Nam Định là những bằng chứng về chủ trương, biện pháp tổng hợp của nhà nước kết hợp chặt chẽ những nhu cầu kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội nhằm vào phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định trật tự, trị an xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia.
Nửa sau thế kỷ XV, trên vùng ven biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân Đại Việt. Đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ.
Trên địa bàn Nam Định, qua những dấu tích còn lại thì thấy đê Hồng Đức kéo dài từ cửa Đại An, qua phần bắc Nghĩa Hưng, rồi Hải Hậu, về đến Hội Khê. Nhiều đoạn gần trùng với con đường 55 hiện nay.
Cùng với sự phát triển Nho học của cả nước, giáo dục Nho học ở Nam Định thế kỷ XV có bước phát triển mới.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, vào năm 1428 Nhà Lê đã cho mở các trường học ở phủ, lộ. Đến năm 1449, nhà nước còn cấp cho các trường ở các lộ này 20 phu quét dọn, 2 phu cho mỗi viên giáo thụ làm bổng. Hẳn sự ưu đãi đó đã tác động tích cực đến việc học tập của các lộ thời đó.
Trong vòng 100 năm của thời Lê sơ, Nam Định có đến 22 Tiến sĩ (chiếm gần 1/4 tổng số đại khoa của Nam Định trong suốt lịch sử thi cử Nho học 1075 -1919). Đại bộ phận số đại khoa này đều đỗ vào nửa sau thế kỷ XV, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau sự kiện Lương Thế Vinh đỗ của trạng nguyên (1463).
Thời Lê sơ, nhất là nửa cuối thế kỷ XV, với những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên địa bàn Nam Định, vai trò và vị trí của vùng đất này đối với quốc gia Đại Việt đã thực sự được tăng cường, tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho lịch sử phát triển của vùng đất xứ Nam trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]