Lê Hoàn không phải người Nam Định, nhưng lại gắn bó với Nam Định từ rất sớm, lập được nhiều chiến công và được vua Đinh đặc biệt tin dùng thăng lên chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội của quốc gia Đại Cồ Việt. Nhiệm vụ chủ yếu của Lê Hoàn là giúp vua Đinh xây dựng đội quân 10 đạo “mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người”. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn phức tạp của tình hình nội trị và nhất là trước mưu đồ bành trướng của nhà Tống, vua Đinh buộc phải tập trung xây dựng một đạo quân rất đông, chiếm tỷ lệ rất cao so với dân số nước ta lúc đó. Tuyến phòng thủ chủ yếu mà nhà Đinh đã phải xây dựng là cửa ngõ phía đông kinh đô Hoa Lư. Nếu đất nước có hoạ ngoại xâm từ các tập đoàn phong kiến phương Bắc thì con đường chủ yếu để chúng tấn công nước ta là ven theo đường bờ biển tiến vào cửa biển Bạch Đằng, rồi từ Bạch Đằng theo hệ thống đường sông men theo vùng duyên hải mà sang sông Đáy đánh thẳng vào kinh đô Hoa Lư. Cùng với việc xây dựng lực lượng quân đội là việc tăng cường cho tuyến phòng thủ theo hệ thống đường sông vùng duyên hải này.
Đến khi Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, con nhỏ nối ngôi, Lê Hoàn nhiếp chính làm Phó vương thâu tóm quyền hành trong tay. Trước nguy cơ tấn công xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga và các triều thần đã suy tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đảm lãnh sự nghiệp tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Huy động lương thảo phục vụ cho chiến trường là một nhiệm vụ đặc biệt cần kíp. Dương Thái hậu đã nhận với Lê Hoàn đứng ra đảm trách công việc này và địa bàn vận động chính là vùng đất Nam Định. Tương truyền Dương Thái hậu từ Hoa Lư đi thuyền rồng thẳng tới làng Bách Cốc động viên nhân dân ủng hộ lương thực thực phẩm nuôi quân đánh giặc. Nơi Thái hậu ghé thuyền là Bến Ngự, Cầu Ngự. Kết quả thăm dò khảo cổ học những năm gần đây cũng cho hay khu vực này còn dấu tích một bến cảng có niên đại cách đây nghìn năm nằm sâu trong lòng đất. Phải chăng sự trùng hợp của các di tích và truyền thuyết dân gian là bằng chứng thực sự của những hoạt động tích trữ lương thực chuẩn bị đón đánh quân xâm lược Tống của nhà Tiền Lê ở đây. Có thể vì thế mà ở Bách Cốc (Thành Lợi, Vụ Bản) không rõ từ đời nào có tượng thờ Thái hậu Dương Vân Nga. Các làng xã trong vùng như Đại Đê, Đắc Lực, Dương Lai, Bách Cốc, Đô Liệu... cũng đều có các kho lương hoặc thuyền chở lương phục vụ kháng chiến.
Trong khi chuẩn bị kháng chiến, Lê Hoàn coi việc tiêu diệt lực lượng quân thuỷ của nhà Tống ở vùng cửa sông Bạch Đằng và bảo vệ an toàn cho kinh đô Hoa Lư là mục tiêu hàng đầu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông”. Đồng thời với việc bố trí thế trận đón đánh các đạo quân của Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng và Lưu Trừng ở cửa sông Bạch Đằng là việc huy động dân binh vùng duyên hải bằng các điều kiện và phương tiện sẵn có của mình tham gia giết giặc cứu nước. Nhiều di tích và truyền thuyết về hoạt động của Lê Hoàn và sự tham gia của dân chúng vùng Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), cũng như ở khắp khu vực đôi bờ sông Luộc đã xác nhận một thực tế là vùng đất Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng được Lê Hoàn chọn làm hậu cứ trực tiếp cho chiến trường có ý nghĩa quyết định ở cửa sông Bạch Đằng và cũng đồng thời là tuyến phòng thủ chính yếu nhất, vững vàng nhất bảo vệ an toàn cho kinh đô Hoa Lư ở phía sau.
Theo truyền thuyết ở địa phương, nhân dân và làng xã vùng Kiên Lao (Xuân Trường) đã tích cực đóng thuyền bè, chuẩn bị các phương tiện vận tải giúp vua đánh giặc. Ghi nhận công lao của nhân dân trong vùng, Lê Hoàn đã trực tiếp đến Kiên Lao để khen thưởng nhân dân và quân sĩ.
Di tích và truyền thuyết ở làng La Xuyên (Ý Yên) cho biết Lê Hoàn sai sứ thần về La Xuyên chiêu mộ hiệp thợ của làng do lão La làm phó cả lên đường phò vua giúp nước. Nhiều người thợ La Xuyên được điều ra chiến trường đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đến ngày thắng lợi, vua Lê truy tặng lão La tước hiệu Đinh điện quan đại thần và ban cho làng bát nhang để bốn mùa cúng tế ông.
Hoàng Thiện Tâm là Tả tướng quân của Lê Hoàn, người lập được nhiều chiến công được thờ ở đình làng Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng).
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]