Nam Định dưới ách đô hộ của nhà Minh

07:08, 23/08/2012

Năm 1407, sau khi đánh bại cuộc kháng chiến của nhà Hồ, giặc Minh bắt đầu thiết lập chính quyền đô hộ trên đất nước ta nhằm phục vụ chương trình “bình định” và thi hành chính sách thống trị, đồng hoá của chúng trên tất cả các mặt hành chính, quân sự và văn hoá.

Tháng 4 năm 1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi nước ta làm quận Giao Chỉ - như một địa phương của quốc gia phong kiến nhà Minh. Bằng hành động này nhà Minh đã bộc lộ rõ ý đồ không chỉ chiếm đóng mà còn muốn vĩnh viễn xoá bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào đế quốc Minh như tên gọi và đơn vị hành chính mà các đế chế đô hộ phương Bắc đã dùng từ nửa thiên niên kỷ trước.

Dưới quận, nhà Minh chia ra làm 15 phủ. Phần đất Nam Định lúc ấy thuộc 2 phủ  Kiến Bình và Phụng Hoá.

Phủ Phụng Hoá tương đương với phủ Thiên Trường cuối thế kỷ XIV, gồm 4 huyện là Mỹ Lộc, Tây Chân, Giao Thuỷ và Thận Uy.

4 trong số 9 huyện thuộc phủ Kiến Bình thuộc về đất Nam Định là Ý Yên, An Bản, Vọng Doanh và Đại Loan.

Về mặt quân sự, nhà Minh chú ý xây dựng hệ thống thành luỹ ở những nơi hiểm yếu và lập các vệ, sở đóng giữ ở nhiều nơi. Theo tổ chức quân đội của nhà Minh, mỗi vệ có 5600 quân, sở thì chia làm hai loại: Thiên hộ sở có 1120 quân, Bách hộ sở có 120 quân.

Tại những địa điểm xung yếu thuộc các phủ, vệ, sở, quân Minh xây dựng thành luỹ kiên cố để trấn giữ. Không kể hàng loạt các đồn canh phòng ở các nơi, chúng đã tu sửa, củng cố, xây dựng mới 39 thành luỹ trên cả nước như Đông Quan, Tây Đô, Xương Giang, Thị Cầu, Điêu Diêu, Cổ Lộng, Nghệ An, Diễn Châu… Giữa các phủ huyện và thành luỹ, quân Minh lập một hệ thống giao thông, liên lạc cả thuỷ lẫn bộ với 374 trạm dịch.

Trong vùng châu thổ Bắc Bộ (bao gồm  các phủ Giao Châu, một phần phủ Bắc Giang, Lạng Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hoá, Trấn Man) nơi tập trung đến gần một nửa binh lực thường trực của quân Minh, chúng đặc biệt chú trọng tới vị trí chiến lược quân sự ở vùng đất Nam Định. Không phải ngẫu nhiên mà vệ quân đóng ở Kiến Bình mang hiệu Giao Châu hậu vệ, có nghĩa đây là cứ điểm gắn liền với một hệ thống có nhiệm vụ bảo vệ trung tâm đầu não của quân Minh ở Đông Quan.

Nhiệm vụ, vai trò của Giao Châu hậu vệ đóng ở Kiến Bình không chỉ bó hẹp như tên gọi của nó mà gắn liền và phát triển với vị trí đóng giữ trên thực tế của vệ quân này.

Thủ phủ của Kiến Bình đồng thời là doanh sở của Giao Châu hậu vệ chính là thành Cổ Lộng.

Thành Cổ Lộng (còn có tên gọi dân gian là thành Cách do nằm ở địa phận ba làng Cách - tên nôm của 3 làng Bình Cách Thượng, Bình Cách Hạ và Thọ Cách) quân Minh xây dựng vào khoảng trước năm 1408, nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Ý Yên (cách Hà Nội theo đường 1A 75 km về phía nam). Thành nằm ven sông Đáy (nơi gần nhất từ thành tới bờ sông Đáy khoảng 800m) là con đường thuỷ huyết mạch nối liền trung tâm đầu não đóng ở  Đông Quan với các vùng Thanh Hoá, Nghệ An. Cổ Lộng còn khống chế vùng tụ hội của nhiều dòng chảy về sông Đáy như sông Nguyệt Đức, Hoàng Long, Sinh Quyết, tạo thành một loạt ngã ba sông hiểm yếu như Gián Khẩu, Đồng Định, Non Nước dẫn đi nhiều ngả lên phía Ninh Bình, Hà Nam. Thành nằm giữa một vùng chiêm thuộc loại “trũng” nhất của Nam Định xen lẫn đồi núi đá của Kim Bảng, khiến cho Cổ Lộng trở thành căn cứ quân Thuỷ – Bộ tiện dụng trong tiến công và phòng thủ. Bên cạnh căn cứ chính này, theo khảo sát điền dã, vùng xung quanh Cổ Lộng còn có một số đồn trại để bảo vệ cho thủ phủ Kiến Bình:

Đồn Ngô Xá (nay là xóm Đồn, xã Yên Bằng), cách Cổ Lộng khoảng 16 km về phía Nam.

Đồng Thành hay còn gọi là thành Ngô cách Cổ Lộng 7 km về phía Đông Bắc (thuộc địa phận thôn Truật, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) .

Đồn Trong hay đồn Văn Quán (vì nằm ở địa phận làng Văn Quán), Đồn Ngoài hay đồn Khoái (vì nằm ở địa phận thôn Văn Khoái) cách Cổ Lộng 5 km về phía Đông Bắc, đều thuộc Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh việc tổ chức bộ máy cai trị, hành chính, quân sự, nhà Minh còn tăng cường hàng loạt các ty, sở như Án sát ty, Thuế khoá ty, Tuần kiểm ty (kiểm tra các cửa ải, bến đò quan trọng) Phó nhiệm sở (coi việc khám  xét các giấy thông hành muối, chè), Hà bạc sở (coi việc thu thuế cá), Nho học ty (coi việc đào tạo Nho học), Tăng hội ty (cơ quan phụ trách việc tu hành phật giáo, sư sãi)…  Các cơ quan chuyên thu thuế, văn hoá, tôn giáo ấy nhằm phục vụ việc kiểm tra, vơ vét tài nguyên, của cải, tăng cường ách nô dịch nhân dân ta. Theo Hoàng Minh thực lục, con số các cơ quan chuyên trách này của nhà Minh không ngừng tăng lên. Từ 419 cơ quan năm 1407, chỉ năm sau (1408) đã lên đến 427 cơ quan.

Nam Định  không chỉ là nơi giặc Minh tập trung cao cố gắng kiểm soát, kiểm tra giao thông, liên hệ, liên lạc, liên kết của cư dân (qua hệ thống tuần ty), mà còn là địa bàn chúng ưu tiên chú ý việc bình định, đồng hoá về văn hoá, tư tưởng (qua các cơ quan giáo dục, tín ngưỡng). Cùng với chính sách “một mảnh giấy, một nửa chữ cũng không để lại” do chính vua Minh ra lệnh, quân giặc còn phá huỷ nhiều di tích lịch sử văn hoá. Đất Nam Định - chính là một địa bàn trọng điểm mà giặc Minh thực hiện chính sách này.

Tại phường Quán Đổ (sau là làng Đô Quan, huyện Ý Yên), nơi có nghề đục chạm đá, có ngôi đền thờ Trần Nhân Trứ - Thân vệ tướng quân đời Trần, tương truyền có các bộ đồ thờ, tượng đều bằng đá. Thời giặc Minh đô hộ, chúng đã chất củi lẫn với thuốc súng đốt đền, nay chỉ còn sót lại bệ đá hoa sen, đôi cây đèn đá.

Chùa Phổ Minh, Tức Mặc - quê hương của các vua Trần, nơi có chiếc vạc đồng, sản phẩm của nghề đúc đồng nổi tiếng của dân Đại Việt mà chính người Trung Hoa thời ấy cũng xếp vào một trong “An Nam tứ đại khí”, cũng đã bị giặc Minh thiêu huỷ.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com