Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có biết bao gia đình đã hiến dâng những người con ưu tú cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ở Thành phố Nam Định, có một gia đình có 7 người con tham gia quân ngũ trong đó 5 người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc và được Bác Hồ gửi thư khen.
Theo lời giới thiệu của các bác trong ban liên lạc Trung đoàn 34 Tất Thắng Thành phố Nam Định, chúng tôi tìm đến số nhà 87 đường Trần Thánh Tông, phường Thống Nhất (TP Nam Định) gặp ông Tạ Quang Tám, là cựu chiến sỹ của Trung đoàn 34 và là “nhân chứng sống” duy nhất của gia đình có 5 anh em đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến vẻ vang của dân tộc. Khi hỏi chuyện về gia đình về 4 người anh của ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, thoáng chút trầm tư, ký ức của hơn 60 năm trước chợt ùa về trong tâm trí ông.
Ông Tạ Quang Tám tìm những tư liệu ghi chép về gia đình. |
Gia đình ông trước kia ở khu vực bờ sông (nay là đường Trần Nhân Tông, TP Nam Định), là một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. Cụ thân sinh ra ông là Tạ Quang Yên - một nhà Nho yêu nước trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công đã hăng hái tham gia Hội Liên Việt, còn mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Gia đình ông có 9 anh chị em (8 anh em trai và 1 chị gái), ngay từ những ngày còn thơ bé, ông và các anh em đã được chứng kiến sự áp bức, nỗi thống khổ của người dân mất nước; được thừa hưởng tinh thần yêu nước, cách mạng từ 2 cụ thân sinh, các anh em ông đều sớm giác ngộ, hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ những ngày đầu. Người anh trai cả của ông là Tạ Quang Trường trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tích cực hoạt động trong phong trào công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định, khi bị địch phát hiện đã xuống chiến khu Lạc Quần tiếp tục hoạt động và trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 22-8-1945, ông Trường đã tham gia vào đoàn quân của chi đội Lạc Quần lên giành chính quyền ở Thành phố Nam Định. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trường xung phong ghi tên gia nhập đoàn quân “Nam tiến” của Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu. Noi gương người anh cả Tạ Quang Trường, ở hậu phương quê nhà, các anh em ông lần lượt tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cả 4 người anh kế tiếp của ông là Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức đều gia nhập quân ngũ và là chiến sỹ của Trung đoàn 34. Đầu năm 1946, trong khí thế tích cực, khẩn trương sẵn sàng mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ quê hương, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam, cả 4 người anh của ông đã được Trung đoàn 34 cử về xây dựng trung đội tự vệ khu 4 (khu phố Hồ Văn Mịch), khu phố nơi gia đình ông sinh sống. Những ngày đầu trung đội tự vệ khu phố Hồ Văn Mịch chỉ có các anh của ông là “hạt nhân” nòng cốt, để phát triển lực lượng, các ông đã đi vận động nhân dân trong đó chủ yếu là công nhân vận tải, khuân vác ở khu vực bến tàu thủy Nam Định tham gia; dưới sự hướng dẫn của trung đội trưởng Tạ Quang Khả, các anh em tự vệ khu 4 ngày đêm chăm chỉ tập luyện, sắm sửa vũ khí, nung nấu quyết tâm cùng các lực lượng sẵn sàng “xung trận”. Mặc dù không được sát cánh chiến đấu và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 4 người anh nhưng ông đã được những người đồng chí, đồng đội của các anh kể lại sự kiên trung, bất khuất của các anh trong trận chiến đấu quyết liệt với quân thù. Ông bồi hồi nhớ lại: đầu tháng 3 năm 1947, trước tình thế ngày càng nguy khốn của quân địch bị vây hãm chặt trong các khu đồn trú, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định mở cuộc hành quân giải vây cho quân của chúng ở Thành phố Nam Định và đã huy động một lực lượng lớn từ Hà Nội theo đê sông Hồng tiến xuống. Thực hiện kế hoạch đánh chặn viện binh địch, ở mũi phía Đông từ thôn Trung Trang và Tân Đệ (xã Mỹ Tân) theo đường 10 vào Thành phố Nam Định, trung đội tự vệ khu phố Hồ Văn Mịch do anh Tạ Quang Khả (là trung đội trưởng) chỉ huy đã phục sẵn, đón đánh địch buộc chúng phải lùi dần lực lượng ra và chuyển hướng tiến công. Đến sáng hôm sau, ngày 11-3-1947, một lực lượng lớn quân Pháp có xe bọc thép yểm trợ, vòng từ phía Hữu Bị xuống làng Trung Trang, cuộc chiến đấu không cân sức tại đây diễn ra ác liệt, anh Tạ Quang Khả cùng 3 anh Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức đã “quyết tử” chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đều anh dũng hy sinh. Khi biết tin về sự hy sinh anh dũng của 4 người anh của ông, nhân ngày Quốc khánh 2-9-1947, cụ thân sinh của ông đã được Bác Hồ tặng 1 áo lụa và gửi thư khen: “Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định: Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 8 người con trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà bốn người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu, muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ 1 chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi. Chúc cụ mạnh khỏe và sống lâu”. Ghi nhận những hy sinh đóng góp của gia đình ông, thân mẫu của ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi đã được tặng danh hiệu Bà mẹ Nam Hà và năm 1994 cụ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Được nuôi dưỡng tinh thần cách mạng ngay từ những ngày còn nhỏ, 16 tuổi, ông Tạ Quang Tám đã viết đơn xin nhập ngũ vào đại đội 11, Trung đoàn 34 Tất Thắng, tuy tuổi còn nhỏ nhưng nhanh nhẹn, dũng cảm nên ông được đơn vị phân công nhiệm vụ làm liên lạc. Những ngày quân dân Thành Nam khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp, cậu thiếu niên dũng cảm Tạ Quang Tám thoăn thoắt chạy đi chạy lại khắp các khu phố nắm bắt tình hình, thăm dò đường đi lối lại và truyền lệnh của cấp trên cho các đơn vị của Trung đoàn chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh “khai hỏa” mở màn cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam. Một lần khi đang băng qua các dãy phố ở khu vực Sở Thú y (thuộc phường Ngô Quyền) để truyền tin cho các đơn vị, chú bé liên lạc Tạ Quang Tám phát hiện một tên lính dù vừa chạm đất, mặc dù trong tay chỉ có vũ khí thô sơ là dao găm và mã tấu nhưng cậu bé Tám đã dũng cảm lao lên tiêu diệt tên địch và thu được 1 khẩu súng lục, 1 khẩu súng trường và lựu đạn nộp cho ban chỉ huy đại đội, ngay tối hôm đó chiến sỹ Tạ Quang Tám đã được Trung đoàn 34 tuyên dương. Tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh của quân dân Thành Nam, đến năm 1949, ông được điều chuyển về làm tình báo ở Liên khu 3 rồi làm quân báo ở tỉnh Ninh Bình. Tháng 10-1951 khi đang đi nắm tình hình ở khu vực cầu Yên (Ninh Bình), ông bị địch bắt và đưa về giam ở nhà tù Máy Chai Nam Định. Những ngày tháng bị giam cầm trong tù, ông vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động các anh em giữ vững ý chí của người chiến sỹ cách mạng, tổ chức cho các anh em đào hầm vượt ngục; khi bị địch phát hiện, ông đã bị đày đi biệt giam ở nhà lao Phú Quốc gần 1 năm trời với những trận “mưa đòn” tra tấn, đánh đập dã man của kẻ thù nhưng vẫn không làm lung lạc ý chí của người chiến sỹ kiên trung. Đến tháng 8-1954, ông được trả tự do và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ; hòa bình lập lại, tháng 7-1955, ông được phục viên và trở về tham gia công tác ở địa phương, với vai trò là bí thư Đoàn Thanh niên rồi khu đội trưởng khu phố 5 Phan Đình Phùng, ông đã tích cực tham gia vận động, xây dựng lực lượng tự vệ và các hoạt động ở khu phố. Khi đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, tháng 4-1965, ông tái ngũ, được biên chế vào sư đoàn 320 và được bổ sung vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, năm 1967, trong một trận đánh ác liệt với quân thù, ông bị thương nặng và được chuyển ra Bắc điều trị sau đó ông được chuyển ngành về công tác ở Bộ Thủy lợi. Sau gần 5 năm công tác ở Bộ Thủy lợi, năm 1973 ông được chuyển về công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Hà và năm 1989 ông nghỉ hưu. Tiếp bước các anh, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người em út của ông là Tạ Quang Mười cũng xung phong lên đường nhập ngũ và đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.
Trở về với đời thường, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, ông Tạ Quang Tám đã tích cực tham gia công tác ở địa phương, ông làm Bí thư, miền trưởng miền Đông Thanh (nay là khu dân cư số 1, phường Thống Nhất, TP Nam Định). Những ngày đầu ông mới chuyển về, khu Đông Thanh là địa bàn khá phức tạp về ANTT, ông đã đi tiên phong vận động, “dựng dã” phong trào ở khu phố, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tham gia đấu tranh bài trừ các tệ nạn và các loại tội phạm rồi ông tìm giáo viên, tổ chức các lớp học xóa nạn mù chữ cho các cháu ở địa bàn; hiện ông là trưởng ban công tác Mặt trận của khu dân cư. Với lòng nhiệt tình, trách nhiệm của ông, phong trào ở khu phố dần dần đi vào nề nếp và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của phường.
Lặng lẽ chiến đấu, lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm những việc hữu ích cho xã hội, những người anh em trong gia đình ông Tạ Quang Tám đã nêu gương sáng về ý chí và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những sự hy sinh cao cả đó giúp chúng ta hiểu về ngọn nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc./.
Bài và ảnh: Thu Thuỷ