Gặp lại người chỉ huy trận đánh tàu Ma-đốc

08:08, 04/08/2012

48 năm trước, ngày 2-8-1964, khi xâm phạm vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa) của ta, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ đã bị lực lượng HQND Việt Nam đánh trọng thương, qua đó khẳng định ý chí quyết đánh, quyết thắng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải ngay trong trận đầu dù lực lượng khi đó còn rất non trẻ. Mới đây, phóng viên Báo Nam Định đã về xã Yên Bằng (Ý Yên) tìm gặp Đại tá Nguyễn Xuân Bột, người chỉ huy trận đánh, nghe ông kể lại sự kiện lịch sử này…

Đại tá Nguyễn Xuân Bột, người chỉ huy trận đánh tàu Ma-đốc năm xưa.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột, người chỉ huy trận đánh tàu Ma-đốc năm xưa.

Trò chuyện với chúng tôi, đại tá Nguyễn Xuân Bột nhớ lại: trận đánh diễn ra trong bối cảnh sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, tình hình chính trị ở Sài Gòn tiếp tục rối ren, cách mạng ở miền Nam được củng cố, phát triển, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường. Bị thua đau ở miền Nam, Mỹ tăng cường chống phá miền Bắc nước ta. Chúng thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu ở miền Bắc, mở đầu bằng việc mở chiến dịch "khiêu khích Bắc Việt Nam". Ngày 1 và 2-8-1964, Mỹ cho máy bay bắn phá Đồn Biên phòng Nậm Cắn và làng Noọng Dẻ ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận Việt Nam, gây ra một số vụ khiêu khích với ngư dân miền Bắc. Đặc biệt, đêm 31-7-1964, tàu Ma-đốc đã xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường…

Đại tá Nguyễn Xuân Bột hồi tưởng, đêm 31 rạng sáng ngày 1-8-1964, phân đội tàu phóng lôi do ông làm phân đội trưởng đang mải miết luyện tập ở vùng biển Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì nhận được lệnh lắp ngư lôi, hành quân gấp vào vùng biển Hòn Mê (Thanh Hoá) đón đánh tàu khu trục Ma-đốc Mỹ. Khi đó phân đội có 3 tàu, gồm 333, 336, 339 do đồng chí Lê Duy Khoái, lúc đó là Đại uý Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133 trực tiếp chỉ huy. Còn ông khi đó 34 tuổi, cấp bậc trung uý, phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333. Nói về tương quan lực lượng khi đó, đại tá Bột dùng hình tượng “trứng chọi với đá” để so sánh sự chênh lệch. Cụ thể, tàu khu trục Ma-đốc khi đó thuộc loại hiện đại, tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ: dài 144,8m, rộng 12,4m, tải trọng 3.320 tấn, được trang bị 3 bệ pháo 127mm/2 nòng, 2 bệ phóng bom, 2 giàn phóng ngư lôi chống ngầm với quân số gần 300 người. Mặt boong còn có nhiều bệ pháo 20mm vừa bắn đối không vừa bắn đối hải, là loại vũ khí uy hiếp lớn nhất đối với tàu phóng lôi. Rađa của tàu Ma-đốc có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự  ly 10-14 hải lý. Các giàn phóng bom trên tàu vừa dùng để đánh tàu ngầm, vừa có thể phá các quả ngư lôi tiến vào tàu. Trong khi tàu phóng lôi của ta chỉ dài 20m, rộng 3,4m, quân số trên tàu chỉ có 9-11 người. Vũ khí vẻn vẹn 2 quả ngư lôi, 1 bệ pháo 14,5mm và súng tiểu liên canh gác. Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, thông thường phải cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi, hình thành 4 mặt quạt mới có thể đánh trúng được 1 quả ngư lôi vào tàu khu trục…

Tương quan lực lượng chênh lệch như vậy nhưng ngày đó, khi đối đầu với Ma-đốc hùng mạnh, toàn phân đội không một ai nao núng. Hôm ấy biển động cấp 4, cấp 5, phải mất hơn 8 tiếng các ông mới vượt được hơn 100 hải lý tới Hòn Mê, gấp đôi thời gian so với dự kiến. Nghỉ ngơi chưa được bao lâu các ông nhận được tin báo có một tàu lạ đang tiến về phía Bắc, rất gần Hòn Mê. Thực ra, khi luyện tập, các ông mới chỉ được nhìn thấy tàu khu trục qua bản vẽ, chứ tàu thật thì chưa được thấy bao giờ. Đang phân vân không biết tàu khu trục Ma-đốc hay tàu buôn thì thấy sóng ra đa cho thấy trùng với sóng hôm trước khi tàu Ma-đốc ở Đèo Ngang trong khi nó vẫn cứ ngạo nghễ tiến lên phía Bắc. “Nhận  lệnh xuất kích, tôi cho phân đội chạy theo đội hình hàng dọc, mỗi tàu cách nhau 50m, chiến sỹ ra đa Nguyễn Văn Luyện bám sát mục tiêu, mỗi phút báo cáo một lần. Phát hiện có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận, tàu địch tăng tốc. Phân đội vẫn bám sát. Còn cách nhau 6 hải lý, Ma-đốc ỷ thế hoả lực mạnh dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình phân đội ta. Phân đội chuyển từ đội hình hàng dọc sang đội hình tránh pháo bậc thang trái, bậc thang phải. Pháo trên tàu Ma-đốc vẫn tới tấp nhả đạn. Tôi quyết định cho tàu 333 tăng tốc để chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi để tàu 336 và 339 tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu địch 1100, cự ly 7-8 liên (10 liên bằng 1 hải lý, 1 hải lý bằng 1.853m), thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi, nhưng rất tiếc ngư lôi không trúng mục tiêu. Trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay Mỹ tập kích, bắn trúng khoang máy chính tàu 339 của ta, buộc tàu phải thả trôi vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc vừa đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5mm và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu từ góc mạn 1100-1200, cự ly 6-7 liên và phóng lôi. Lần phóng lôi này rất tiếc vẫn chệch mục tiêu. Lúc này, pháo trên tàu địch vẫn bắn dữ dội, một quả đã trúng tàu 336. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự trúng đạn hy sinh, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù bị thương vẫn chỉ huy tàu chiến đấu. Tôi quyết định tăng tốc tàu 333 từ 36 lên 42 hải lý/giờ để mở góc mạn ra ngoài biển. Tình hình lúc đó thật nguy cấp! Cột ăng ten của tàu bị pháo địch đánh gục, không thể báo cáo được lên cấp trên, quả ngư lôi bên trái tàu cũng bị trúng đạn, các chiến sỹ ngư lôi sợ nổ cả tàu nên tự động giật cò ném xuống biển. Chỉ còn 1 quả ngư lôi bên phải nên tàu lệch hẳn sang một bên, rất khó lái. Còn cách tàu địch khoảng 8 liên, đồng chí Khoái sốt ruột giục mình phóng lôi, nhưng tôi quyết phải tiếp cận gần hơn cho chắc ăn. Tôi cho tàu mở hết tốc lực để chiếm góc mạn phải. 6 liên, rồi 5 liên, 4 liên đến khi khoảng cách chỉ còn 3 liên, tôi hô: "Chuẩn bị" Cả tàu hô theo đầy khí thế. "Ấn cò!" Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi. Anh em trên tàu nín thở. Ma-đốc vội vã xoay mũi để tránh… Một tiếng nổ vang trời phát ra từ phía tàu Ma-đốc. Anh em nhất loạt hô vang: trúng rồi! Lúc đó tôi quan sát thấy binh lính trên tàu địch chạy nhốn nháo, các pháo trên tàu địch đều im bặt”- đại tá Bột thuật lại. Đến giờ vị đại tá già vẫn còn tiếc nuối, nếu còn quả lôi bên trái thì hôm đó Ma-đốc khó tìm được đường ra hải phận quốc tế. Ngay sau đó một tốp máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện đến cứu tàu Ma-đốc. Chúng bay thấp đến nỗi nhìn thấy cả giặc lái và điên cuồng xả rốc két. Cả tàu huy động hết các loại súng AK, trung liên, pháo 14,5 ly đánh trả không cho chúng sà vào sát tàu. Khoảng 20 phút thì tốp máy bay này rút, lát sau thì thấy một con tàu khác xuất hiện, "dìu" Ma-đốc ra hướng hải phận quốc tế… Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi ra khỏi vùng biển của ta, đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5-8-1964, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", loan báo khắp thế giới rằng Hải quân Việt Nam vô cớ tấn công tàu Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế, lấy cớ thực hiện âm mưu đánh phá miền Bắc đã vạch sẵn.

Sau trận đánh lịch sử ngày 2-8-1964, đại tá Nguyễn Xuân Bột tiếp tục gắn bó với lực lượng Hải quân Việt Nam; tham gia xây dựng và phát triển Trung đoàn 172 Hải quân trên cương vị trung đoàn phó, tham mưu trưởng. Khi Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn, ông là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Lữ đoàn trưởng. Khi nghỉ hưu, ông về sống tại quê nhà. Đại tá bồi hồi, phải 40 năm sau trận đánh lịch sử ông mới có dịp gặp lại một số đồng đội cũ cùng tham gia trận đánh như đại úy Nguyễn Văn Giản, thuyền trưởng tàu 339, chiến sỹ ra đa Nguyễn Văn Luyện… khi cùng được Đài THVN mời tham gia chương trình “Người đương thời”. Lúc tham gia trận đánh, tất cả đều trai trẻ, khi gặp lại đều đã lên ông, lên lão khiến các ông không còn nhận ra nhau. Nhưng khi nhắc lại trận đánh lịch sử không một ai trong các ông quên, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Mấy năm nay, ông tham gia Ban liên lạc bộ đội Hải quân tỉnh Nam Định, được đồng đội tín nhiệm cử giữ chức Trưởng ban. Tháng 4 vừa qua, ở tuổi 84, ông hăm hở dẫn đầu đoàn cựu chiến binh hải quân của tỉnh đi xuyên Việt, ra tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tìm, đưa được 30 hài cốt đồng đội về an táng tại quê nhà. Trong suốt hành trình, đến đâu đoàn cũng được các đơn vị Hải quân tạo điều kiện về nơi ăn nghỉ, hỗ trợ thêm kinh phí. Ông tâm sự, tâm nguyện lớn nhất của ông trong những năm tháng cuối đời là tìm lại được hài cốt của những người đồng đội không may đã ngã xuống. Vì lẽ đó, dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông vẫn bận rộn với việc tìm kiếm thông tin về những người đồng đội đang còn phải nằm lại ở khắp các chiến trường. Làm những việc hữu ích cho những đồng đội đã ngã xuống và người thân của họ, ông bảo có bao giờ là muộn đâu!

Bài và ảnh: Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com