Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255-1330) sinh ra và lớn lên ở thành Thăng Long (1255), là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Thuở còn nhỏ, Trần Nhật Duật nổi tiếng là Ông Hoàng “Hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói của các giống người”. Tuổi trẻ của Trần Nhật Duật là những năm tháng miệt mài rèn luyện, học tập. Năm Đinh Mão (1267), Trần Nhật Duật được triều đình phong tước Chiêu Văn Vương khi 12 tuổi; năm Nhâm Dần (1302) ông được phong làm Thái Uý Quốc Công cùng vua lo việc nước; năm Kỷ Tỵ (1329) ông được gia phong Chiêu Văn Đại Vương.
Chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) nơi thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. |
Các sách sử đều ngợi ca tài, đức của ông, là bậc văn võ toàn tài, kiến thức uyên bác, nhã nhặn và độ lượng. Những văn thư của triều đình lúc bấy giờ đều do ông thảo ra cả. Với tài năng thiên bẩm hiểu biết nhiều tiếng nói và phong tục tập quán của các dân tộc khác, cộng với kiến thức văn võ song toàn, ông còn là một nhà ngoại giao tài ba, có công đắc lực giúp triều đình trong quan hệ đối nội và đối ngoại với các bộ tộc thiểu số và các nước láng giềng. Năm 1280 khi mới 25 tuổi, ông nổi tiếng với sự kiện cảm hóa tộc trưởng Đà Giang (vùng Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật từ chỗ chống đối triều đình đã trở về quy thuận, giúp triều đình yên tâm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Ông là đấng thân vương quý hiếm, làm quan trải bốn đời Vua (Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông), ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn, đã từng là hoàng tử lưu thủ kinh thành khi vua Trần và Trần Quang Khải tuần du phương Nam. Trần Nhật Duật cũng là người có công nuôi dạy hoàng tử Mạnh từ bé (về sau lên ngôi vua, miếu hiệu là Trần Minh Tông). Tài năng của Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm. Tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là trong lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất, đặc biệt với chiến thắng Hàm Tử Quan vào tháng 4 năm 1285 - một trận thắng lẫy lừng, vang dội không chỉ trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông mà cả trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Sau ngày đại thắng, Trần Nhật Duật tiếp tục làm quan và được triều đình nhà Trần tin cậy trao phó những chức vụ rất quan trọng. Bình sinh, ông là người tài hoa nhưng xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị và cũng rất dễ gần, liêm khiết, nhân hậu.
Ông mất năm 1330 đời vua Trần Hiến Tông, thọ 76 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ của ông đã góp phần không nhỏ vào sự hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần. Ở Thành phố Nam Định, ông được thờ tại đình - chùa Đệ Tứ (phường Lộc Hạ) - một trong 4 cung điện bao quanh hành cung Thiên Trường xưa, nơi ở của các vương hầu quý tộc, vương phi công chúa nhà Trần./.
PV (tổng hợp)