Vua Trần Phế Đế

08:07, 20/07/2012
Tượng vua Trần Phế Đế tại Đền Trần Nam Định.
Tượng vua Trần Phế Đế tại Đền Trần Nam Định.

Vua Trần Phế Đế, sinh ngày 6-3-1361, lên ngôi năm 16 tuổi, làm vua 12 năm, thọ 28 tuổi.  

Trần Phế Đế là vị vua thứ 10 của triều đại nhà Trần, trị vì đất nước Đại Việt trong 12 năm. Đó cũng là giai đoạn lịch sử Đại Việt gặp nhiều biến động, nhà Trần đi vào con đường suy vi. Cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành liên tục xảy ra. Các năm 1377, 1378, 1383 người Chiêm Thành liên tục xâm lấn và quấy rối Đại Việt. Trần Phế Đế ngoài việc tổ chức phòng bị đất nước, còn cho sơ tán của cải về các nơi hiểm yếu như: Đem tiền đồng về chôn giấu ở núi Thiên Kiện (Kim Bảng - Hà Nam ngày nay), đưa tượng các tiên đế nhà Trần từ Long Hưng (Thái Bình) về Yên Sinh (Chí Linh, Hải Dương) để tránh giặc Chiêm Thành. Ở phía Bắc Giang, Nguyễn Bổ nổi loạn, viện quân tới tấp, mà kho tàng trống rỗng. Nghe theo lời Đỗ Tử Bình, vua bắt “đinh nam” không phân biệt có ruộng hay không, phải nộp 3 quan tiền một năm, rồi ra lệnh cho các quân sỹ rèn đúc vũ khí, đóng chiến thuyền… Tháng 11-1382, vua xuống chiếu cho quân dân Nghệ An và Diễn Châu đào các kênh ở Hải Tây… Đây cũng là thời điểm Hồ Quý Ly bắt đầu đưa vây cánh vào triều chính. Vương triều Trần thời điểm này các chức vụ quan trọng không hoàn toàn còn là của người hoàng tộc nữa, mà đã xuất hiện nhiều nhân vật từ trong trăm họ như: Hồ Quý Ly, Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận, Đào Sư Tích, Đào Toàn Mân… Trước tình hình đó, tháng 12-1383, sau khi quân Chiêm Thành rút về, Thượng hoàng Nghệ Tông đã cho Nguyễn Mậu Tiên, Phan Nghĩa hằng ngày ghi chép lại những sự kiện cũ của nhà Trần, biên chế thành 8 quyển, đề là “Bảo hòa dư bút”, sai Đào Sư Tích đề tựa để răn dạy quan gia (Vua Phế Đế). Đồng thời tổ chức thi Thái học sinh (Tiến sỹ) ở chùa Vạn Phúc (núi Tiên Du - Bắc Ninh), chọn được 30 Tiến sỹ, trong đó có Đoàn Xuân Lôi, Hoành Hối Khanh, bổ nhiệm vào các chức vụ trong hàng ngũ từ triều đình xuống huyện, phủ…  Năm 1384, nhà Minh bắt đầu đánh Vân Nam và có ý đồ thôn tính Đại Việt. Trong nước lúc này lúng túng, ngoại thích tham gia triều chính và lộng quyền, nhiều tướng lĩnh quý tộc Trần bắt đầu tìm đường ở ẩn như Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán nghỉ quan về Côn Sơn…  Vua Trần Phế Đế lúc này đã thấy rõ bối cảnh triều chính, Thượng hoàng Nghệ Tông thì yêu quý người họ ngoại là Hồ Quý Ly, cho tự ý làm gì thì làm, nên vua bàn mưu với Thái úy (Ngạc) muốn hại Hồ Quý Ly… Nhưng âm mưu đó bị bại lộ, Hồ Quý Ly mật tâu với Thượng hoàng.  Thế là ngày 6-12-1388, buổi sáng sớm, Thượng hoàng Nghệ Tông giả cách đi ra Yên Sinh, sai quần thần theo hầu và cử Chi hậu nội nhân gọi vua đến bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn sáng, đi ngay, chỉ mang theo hai người hầu. Khi đến nơi, Thượng hoàng nói: “Đại Vương lại đây” rồi sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc và xuống chiếu cho toàn dân biết rằng: “Trước kia Duệ Tông (là em vua Nghệ Tông) đi tuần phương nam không trở về, dùng con đích để nối ngôi là theo đạo thời xưa. Song, quan gia (tức Vua Phế Đế) từ khi lên ngôi đến giờ vẫn còn trẻ con lắm; giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm người công thần làm dao động xã tắc, nên giáng xuống là Linh Đức Đại vương. Song nhà nước không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu Định vương vào nối đại thống”.  Sau đó Thượng hoàng sai đem vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ giết chết. Trần Phế Đế, vua thứ 10 của dòng họ Trần đã không tiếp tục được truyền thống của ông cha mình./.

PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com