Vào cuối năm 938, nhân cơ hội Kiều Công Tiễn phái người sang cầu cứu nhà Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung lập tức điều động một lực lượng binh thuyền lớn, giao cho con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, thống lĩnh đại quân tiến đánh nước ta. Nền độc lập của dân tộc vừa mới được phục hồi lại bị đe doạ nghiêm trọng cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Đất nước bước vào thử thách mới hết sức gay go, ác liệt. Trước yêu cầu của lịch sử, Ngô Quyền đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, trung tâm tập họp và quy tụ mọi nguồn sức mạnh của dân tộc.
Ngô Quyền sinh năm 898 tại làng Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), trưởng thành ở vùng Châu Ái (Thanh Hoá) và tuổi trẻ có nhiều gắn bó với vùng đất duyên hải cửa sông Đáy, sông Hồng. Ngô gia thế phả chép liên tục thế thứ dòng họ Ngô từ thuỷ tổ là Ngô Nhật Đại (đầu thế kỷ thứ III) qua 6 đời đến Ngô Quyền. Sinh ra và lớn lên trong những năm đất nước vươn lên mạnh mẽ khẳng định quyền tự chủ, giành và giữ nền độc lập dân tộc, Ngô Quyền sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và trở thành một vị tướng trẻ nổi tiếng, được nhân dân quý mến, quân sĩ khâm phục. Trước hoạ xâm lăng của quân Nam Hán đang đến gần, ông thực sự trở thành con người kết tinh của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc, có đầy đủ tinh thần và lực lượng, tài năng và uy tín để lãnh đạo quân dân ta bước vào cuộc kháng chiến cứu nước.
Minh họa chiến thắng Bạch Đằng (938). |
Nhà sử học Lê Văn Hưu thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV nhận xét: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước, xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa”. Đội quân mới họp của nước Việt lúc đó chủ yếu được tập hợp từ hai vùng Châu Giao và Châu Ái, trong đó duyên hải châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình có vị trí đặc biệt quan trọng.
Thần tích đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực) chép về một vị thành hoàng làng là thuỷ thần, kết tinh của sông biển, của thiên nhiên và con người vùng đất cửa sông (có thể cho đến đầu thế kỷ X vùng đất này vẫn còn nằm trong khu vực cửa sông, gần biển), đã có những đóng góp thật xứng đáng vào chiến công chung Bạch Đằng lịch sử.
Vị thuỷ thần ấy tên là Nguyễn Công Thành sinh ngày 10 tháng 7 năm Đinh Sửu (917), ngay từ tuổi nhỏ đã tỏ ra là người thông minh dĩnh ngộ, trí dũng song toàn, ngầm nuôi chí lớn, chiêu binh mãi mã đợi ngày dẹp giặc cứu dân. Vào cuối năm 938, được tin Ngô Quyền kéo quân từ Châu Ái ra Bắc diệt trừ bọn phản bội Kiều Công Tiễn, chuẩn bị lực lượng đón đánh quân xâm lược Nam Hán, ông đã đem toàn bộ lực lượng mới chiêu tập được, có đến hàng trăm người đi theo Ngô Quyền ra sông Bạch Đằng diệt giặc. Ngô Quyền phong cho ông làm Tả tướng Tiên phong và chính ông cùng đội dân binh của mình đã dũng cảm chiến đấu, lập được công đầu.
Sau ngày chiến thắng, Ngô Vương phong cho Nguyễn Công Thành làm tướng trấn thủ vùng đất cửa sông. Tại đây ông chăm lo khuyến khích việc nông tang, khơi sông, đắp đê ngăn mặn, khai hoang mở đất, lập ra Nguyễn Gia Trang (tức là làng hoa Vị Khê nổi tiếng sau này). Ông còn dựng chùa thờ Phật, mở chợ Bình Giã là trung tâm trao đổi hàng hoá của cả vùng. Năm Nhâm Thìn (992), người con của sông biển lại “quy thần” về với biển trên một chiếc thuyền ngoài cửa biển Giao Thuỷ.
Kiều Công Hãn xuất thân từ một dòng họ có thế lực lớn ở Phong Châu (khu vực Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Kiều Công Hãn là cháu của Kiều Công Tiễn, nhưng không theo Kiều Công Tiễn làm việc phản trắc mà lại tự nguyện tìm về đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Ngô Quyền. Thần tích đền Gin (làng Hiệp Luật, xã Nam Dương, huyện Nam Trực) chép Kiều Công Hãn được Ngô Quyền tin giao chức vụ Đề sát Giám quốc sự. Kiều Công Hãn là người tận trung với sự nghiệp của nhà Ngô. Khi nhà Ngô mất, Kiều Công Hãn trở thành một trong 12 sứ quân hùng cứ ở vùng Châu Phong (vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây) quê hương họ Kiều.
Dòng họ Kiều và dòng họ Ngô là các dòng họ có thế lực lớn ở xứ Đoài, nhưng có thể vì sớm nhận ra sự hưng khởi của vùng đất duyên hải Giao Thuỷ mà đều có gắn bó mật thiết với khu vực cửa sông ven biển quan trọng này. Lúc dựng nghiệp và cũng như lúc sa cơ lỡ vận, họ đều tìm đến đây. Ngô Nhật Khánh là cháu của Ngô Quyền ở thời kỳ suy tàn của nhà Ngô đã chiếm đất quê hương Đường Lâm làm căn cứ, nhưng vẫn chú tâm xây dựng lực lượng ở Giao Thuỷ (nên có nhiều bộ sử chép Ngô Nhật Khánh hùng cứ ở Giao Thuỷ). Kiều Công Hãn sau khi thấy không thể giữ nổi lực lượng của mình ở Châu Phong cũng đã dời về Giao Thuỷ hy vọng có thể phối hợp với Ngô Nhật Khánh và tìm được sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Chẳng may, vừa mới đến Giao Thuỷ đã bị một thổ hào địa phương là Nguyễn Tấn đón đánh, Kiều Công Hãn chết giữa trận tiền, nhưng ông vẫn sống trong ký ức dân gian, trong sự chở che của bà hàng nước đại diện cho làng quê và trở thành phúc thần của cụm làng Bái Dương, Tang Trữ, Hiệp Luật và Cổ Lũng (Nam Trực).
Tiền Ngô Vương Thiên tử ngọc phả lục là bản ngọc phả ghi sự tích của Ngô Quyền ở đền Gia Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, nơi chỉ huy sở của Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng lịch sử đã cho biết Ngô Quyền sai con cả là Ngô Xương Ngập đem vạn quân cùng các thuộc tướng từ phía cửa biển Đại Nha kéo tới. Đây là lực lượng tinh binh chủ lực giữ vai trò quyết định đánh tan đạo quân xâm lược ngay tại cửa biển Bạch Đằng. Cửa biển Đại Nha hay cửa biển Đại Ác và đến thời Lý được đổi thành Đại An là cửa sông Đáy đổ ra biển. Vùng cửa biển Đại An thế kỷ X chỉ tương đương với chỗ sông Nam Định hoà dòng với sông Đáy ở khu vực giáp giới giữa hai huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên bây giờ. Đây là cửa biển trọng yếu của toàn bộ châu thổ sông Hồng, đã từng chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Triệu Việt Vương. Phải mãi đến khoảng thế kỷ XVII, XVIII trở đi cửa sông bị “cát bồi lấp, thuyền ghe không thông”, sông tiến xa ra biển thì cửa biển Đại Nha mới mất đi vị trí lịch sử hàng đầu của nó.
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền là một trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam ta. Nó chấm dứt vĩnh viễn hiểm hoạ nô dịch và đồng hoá kéo dài hơn nghìn năm của kẻ thù phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng toàn diện của dân tộc. Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tự xưng Vương, đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các lễ nghi trong triều và màu sắc đồ mặc của quan lại các cấp. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với nước ngoài, xây dựng một chính quyền quân chủ tập trung, một vương quốc độc lập.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]