Câu chuyện về một đại tá và những kỷ niệm “Cởi áo cà sa ra trận”

08:07, 27/07/2012

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, chúng tôi tìm đến số nhà 302, E3, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) thăm Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường), nguyên nhà sư - pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng ni đầu tiên của Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” ngày 27-2-1947. Biết mục đích chuyến thăm hỏi của chúng tôi, ở tuổi 87, dù thể trạng yếu nhưng Đại tá Đinh Thế Hinh vẫn cởi mở dành cả buổi chiều tiếp chuyện. Qua lời tâm sự chân tình, ông kể về những ngày đầu trứng nước của chính quyền cách mạng Việt Nam non trẻ, về những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc gian khổ, anh dũng hào hùng. Và điều thật xúc động, trong câu chuyện với chúng tôi, đã 65 năm trôi qua nhưng trong tâm thức của vị Đại tá luôn vang vọng lời phát nguyện của 27 chiến sĩ nhà sư trong những ngày toàn quốc kháng chiến: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù đất nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường).
Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng,
xã Xuân Thành (Xuân Trường).

Trao cho chúng tôi cuốn sổ tư liệu, ghi chép tỷ mỷ về những năm tháng “Cởi áo cà sa ra trận”, khuôn mặt hằn những vết nhăn, đôi mắt ánh lên niềm vui, Đại tá Đinh Thế Hinh bộc bạch bằng những lời thơ tự hoạ “Xuất thân từ tuổi mười ba/Chiến bào tạm khoác, cà sa gửi chùa/Nhập thế theo “Lý - Trần” xưa/Đánh giặc cứu nước làm thơ yêu đời”. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, Đại tá Đinh Thế Hinh sinh năm 1926 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. 13 tuổi ông xuất gia tu tại chùa Một (Liêu Thượng). Sau đó, theo học đạo Phật tại các chùa: Quán Sứ (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương), sau đó về chùa Cổ Lễ (Trực Ninh).

Đỡ chén trà nóng từ tay ông, khi chúng tôi hỏi về sự kiện ngày 27-2-1947, Đại tá Đinh Thế Hinh phấn chấn kể: “Cuối năm 1946, giặc Pháp tiến hành chiếm đóng các tỉnh, Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Thế nước lâm nguy, Hồ Chủ tịch đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc, đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ cho gọi tôi (Thích Pháp Lữ) và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi:

- Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?

Do đã nhiều lần tháp tùng Hòa thượng đi thuyết pháp cho phật tử, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng… nên tôi và Đại đức Thích Trí Không biết Hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền. Tôi và Đại đức Thích Trí Không mạnh dạn đáp lời:

- Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc.

Nghe xong, Hòa thượng Thích Thế Long cảm kích cầm tay chúng tôi, huấn rằng: "Một ý tưởng sâu xa, đáng làm lắm. Ta giao cho Trí Không lo việc đối ngoại quan hệ với các cơ quan tổ chức lễ ra quân, Pháp Lữ lo việc đối nội vận động tăng, ni tới chấp tác, sửa soạn trai nghi thiết khách…".

Lật giở những tấm ảnh tư liệu về một thời lịch sử chiến tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, Đại tá Đinh Thế Hinh kể lại: Đúng 8h30 ngày 27-2-1947, chùa Cổ Lễ náo nhiệt khác thường, băng rôn, khẩu hiệu, cổng chào, cờ đỏ sao vàng bừng bừng kéo lên. Nhân dân khắp nơi nô nức đổ về. Sau lễ chào cờ trang trọng, mặc niệm các anh hùng đã quên thân vì Tổ quốc, là hồi chuông, trống gióng giả vang lên từ trong chùa chính, trang trọng nghênh đón đoàn nhà sư gồm 27 vị đến từ các chùa trong khu vực, khoác áo cà sa đi chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải xếp hàng ba do đại đức Tường Minh chỉ huy đi ra, cuối hàng là hai ni cô Đàm Nhung, Đàm Lân khoác túi hồng thập tự, tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam bảo nơi lập lễ đài. Hòa thượng Thích Thế Long đọc diễn văn nhấn mạnh: "Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông…". Hòa thượng dứt lời trong tiếng hô vang dậy. Thay mặt chư tăng sắp nhập thế phát nguyện, tôi đứng ra đọc lời phát nguyện: "Chúng con xin dốc lòng phát nguyện/Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào". Khi nghe bài phát nguyện này, trong lúc nhập ngũ, ni cô Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Việc quân đâu có quản gian lao/Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào".

Sau khi cử lễ "Tam bảo", "Tứ ân", Hòa thượng Thích Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật; sư Tường Minh hô: "Đội mũ!". Đồng loạt các tăng ni đội mũ có gắn sao vàng lên đầu. Thế là 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sỹ vệ quốc đoàn. Tiếp đó, đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. Đoàn quân theo tiếng hô dõng dạc của trung đội trưởng, tất cả đều đồng thanh ca vang bài “Tiến lên đường, tới sa trường”. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ Thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sỹ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Đó là tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sỹ pháp danh: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung…

Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) - nơi 27 vị tăng ni tham gia phong trào
Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) - nơi 27 vị tăng ni tham gia phong trào
"Cởi áo cà sa ra trận"

Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên là Đại đức Thích Pháp Lữ sau khi “cởi áo cà sa ra trận” đã hoạt động tại vùng địch hậu huyện Xuân Trường. Năm 1950, ông được trên cử đi học ở Trường Sỹ quan lục quân Quân khu 3 cùng với ông Tường Minh. Năm 1954, ông làm chính trị viên tiểu đoàn 328 về giải phóng Hải Phòng. Từ 1954-1969, ông có thời gian dài tham gia chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ Hà Nội. Năm 1969, ông đi Nam, làm Chính uỷ Binh trạm 41 đường Trường Sơn, địa bàn A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Năm 1979, ông tham gia chiến dịch biên giới rồi sang Campuchia, làm cố vấn cho Ban chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ Bộ Tư lệnh 479. Năm 1989, ông về hưu với quân hàm đại tá. Với bút danh Nguyên Hồng, ông viết báo, cộng tác với tạp chí Nghiên cứu phật học và là một trong hai tác giả của cuốn sách “Chùa Cổ Lễ - văn hoá cách mạng”.

Trong buổi làm việc với Đại tá Đinh Thế Hinh, chúng tôi may mắn được ông cung cấp nhiều tư liệu quý về những tấm gương của các bậc chân tu tại các địa phương trong tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã bái biệt cửa Phật trở thành những thanh niên xung phong, bộ đội cụ Hồ, dân công hoả tuyến… để “cùng cả nước, vì cả nước” chiến đấu anh dũng. Nhiều người đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân, huy chương các loại. Khi đất nước bị xâm chiếm, đời sống nhân dân lầm than, cơ cực, các bậc chân tu đã một lòng theo Đảng, Bác Hồ, bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tổ chức. Tại chùa Ngọc Đông, xã Trực Thanh (Trực Ninh) là địa điểm tập trung của bộ đội và các lực lượng vũ trang. Mỗi khi bộ đội đi đánh bốt, phật tử dân làng tập trung quét dọn chùa, thay cành lá nguỵ trang khô. Sư bác Thích Đàm Nhu, người nấu nước phục vụ cho bộ đội bị lựu đạn nổ trong bếp làm mù cả hai mắt. Tại Hải Hậu, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Cồn là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ tham gia đánh chiếm đồn Văn Lý, giải phóng quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều nhà sư ở chùa đã lên đường tòng quân đánh giặc. Không chỉ là nơi căn cứ, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ tổ chức, nhiều vị chân tu đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tham gia hoạt động cách mạng và anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, bảo vệ quê cha, đất tổ. Tiêu biểu là Đại đức Thích Thanh Mạnh, trụ trì chùa Đồng Phù, huyện Nam Trực là một người cao to khoẻ mạnh, tác phong nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát. Chùa là cơ sở của công an hoạt động nội thành. Năm 1949, đại đức tham gia hoạt động như một công an viên, nhiều lần ra vào Thành phố Nam Định nắm bắt tình hình địch, gây cơ sở làm nội ứng cho quân ta. Tháng 11-1949, trong một lần hoạt động, đại đức bị địch bắt; chúng tra tấn đại đức bằng nhiều cực hình như tra điện, ngâm nước, treo ngược… Sau những đòn “chết đi, sống lại”, đại đức vẫn giữ vững khí tiết của một nhà sư giác ngộ phụng đạo trọng đời. Địch bất lực đem bắn đại đức ở nhà tù Máy Chai. Tại chùa Tây Quan, xã Liêm Hải (Trực Ninh), là căn cứ liên lạc của tỉnh giữa Trực Ninh với tỉnh Thái Bình. Địch phát hiện đã đem quân về vây chùa, đốt nhà tổ, bắt cụ sư Hoàng Văn An về bốt An Lãng tra tấn hăm doạ không được, chúng lại dùng thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ nhưng đều bất lực trước khí tiết của cụ. Giặc đã tra tấn đến chết và buông xác cụ ra sông Hồng. Trong thời kỳ chống Pháp, Đại đức Thích Thanh Thông, trụ trì chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong (Xuân Trường) là chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, khoác áo thiền đi khắp các miền quê trong vùng vận động nhân dân tham gia kháng chiến, gây dựng nhiều cơ sở trong vùng địch hậu. Đại đức bị địch bắt và bắn ông ngay tại cổng chùa. Trước khi bị hành hình, ông ung dung nêu cao khí tiết của một bậc chân tu yêu nước, niệm Phật, coi nhẹ cái chết, trọng đạo lý, được nhân dân trân trọng, noi gương.

Những tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các vị chư tôn yêu nước, các chiến sỹ, liệt sỹ pháp danh là minh chứng cao đẹp cho phương châm hoạt động “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo dân tộc. Đất nước hoà bình, có nhiều chiến sỹ pháp danh phục hồi giáo phẩm, tiếp tục con đường tu hành. Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, cùng với các tăng ni, phật tử, các chiến sỹ pháp danh năm xưa luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com