Tượng vua Trần Anh Tông thờ tại Đền Trần (Nam Định) |
Vua Trần Anh Tông sinh năm Bính Tý (1276), con trưởng của vua Trần Nhân Tông. Năm 1293, sau khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3 kết thúc, vua Trần Nhân Tông lui về làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho Trần Anh Tông. Khi mới lên làm vua, Trần Anh Tông hay uống rượu, đêm thường lén rời cung đi chơi. Có lần say rượu đến nỗi Thượng hoàng Trần Nhân Tông ở Thiên Trường về kinh đô Thăng Long, các quan đều ra đón rước cả, mà vua Trần Anh Tông vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng cả giận, đùng đùng bỏ về Thiên Trường, hạ chiếu cho bá quan phải về Thiên Trường hội họp với dự định truất ngôi vua Trần Anh Tông. Khi tỉnh rượu, Trần Anh Tông hốt hoảng, vội ra ngoài cung gặp Đoàn Nhữ Hài, được người này "tư vấn" thảo bài biểu dâng lên Thượng hoàng để tạ tội, rồi xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu, quở mắng một lúc rồi tha lỗi cho ông. Từ đấy ông bỏ hẳn rượu.
Lên ngôi lúc 17 tuổi, việc chính trị, văn hoá, quân sự dưới thời vua Trần Anh Tông tiến triển tốt đẹp. Đặc biệt vua Trần Anh Tông chú trọng mở mang việc học, sử dụng người tài, rất trân trọng các cựu thần đã có công trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, thường hỏi ý kiến họ về những việc lớn, những kế sách xây dựng, giữ gìn đất nước. Đồng thời ông cũng mạnh dạn sử dụng, giao việc cho các nho sĩ trẻ như Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn. Nhờ vậy, thời ấy các cựu thần lớp trước vẫn phát huy được khả năng, nhiều nhân tài trẻ tuổi có điều kiện thi thố tài năng. Năm Canh Tý (1300) Trần Hưng Đạo ốm nặng, vua Trần Anh Tông thân hành đến thăm và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Anh Tông đã nghe theo kế sách của Trần Hưng Đạo. Sứ giả nhà Nguyên mấy năm liên tiếp (1293-1295-1299) được cử sang ta và tỏ thái độ hống hách, nhưng vị vua trẻ đã không chịu khuất phục. Sử sách khen vua Trần Anh Tông "là bậc vua tốt của triều Trần", "khéo nối chí giữ nghiệp".
Trong thời gian giữ ngôi vị, Trần Anh Tông chỉ đặt niên hiệu duy nhất là Hưng Long. Sau đó, Trần Anh Tông nhường ngôi cho con là Trần Minh Tông để làm Thái Thượng hoàng. Trần Anh Tông có viết tập Thủy vân tùy bút (Tùy bút nước mây) gồm 2 quyển, dưới mỗi bức họa đều có thơ đề, nhưng ông đã sai đốt trước khi chết. Nay thơ ông chỉ còn lại 12 bài chép trong “Việt âm thi tập”. Ngoài có công trong việc trị nước an dân, Trần Anh Tông được hậu thế biết đến là một vị vua mở cõi về phương Nam. Thực hiện lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông với vua Chiêm Thành là Chế Mân, ông thuận lòng gả em gái mình là Huyền Trân về Chiêm làm hoàng hậu của Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân cung tiến hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) cho Đại Việt để làm sính lễ. Năm 1307, ông tiếp thu 2 địa danh này, di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên là Thuận Châu (Bắc Hải Vân Quan) và Hóa Châu (Nam Hải Vân Quan).
Vua Trần Anh Tông mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320) tại cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường. Nhà vua ở ngôi 21 năm, nhường ngôi về làm Thượng hoàng 6 năm. Trần Anh Tông là vị vua tính tình đôn hậu, có đức độ, rất quyết đoán trong công việc triều chính. Ông có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, đặc biệt là giữ vững được chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn biên cương của Tổ quốc./.
PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)