Thời Nguyễn, cả nước có 6 trường thi: Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây và trường Sơn Nam (thi chung cho cả Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ). Kỳ thi Hương đầu tiên tổ chức năm 1807 dưới triều Gia Long.
Năm 1824, trường trấn Sơn Nam hạ đổi làm trường Nam Định. Trong số 47 kỳ thi Hương dưới thời Nguyễn, có 7 khoa thi của các năm: 1807, 1809, 1813, 1821, 1825, 1828 và 1831 tổ chức dưới tên gọi trường thi Sơn Nam. Từ năm 1834 trở đi, có tên là trường thi Hương Nam Định.
Năm 1834, miền Bắc có hai trường: trường Hà Nội dành cho thí sinh Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn; trường Nam Định dành cho các thí sinh ở Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Ninh Bình cùng thi vào tháng 9: ngày mồng 1 vào trường thứ nhất, ngày mồng 6 vào trường thứ 2, ngày 12 vào trường thứ 3, ngày 23 xướng danh, phúc hạch, treo bảng.
Năm 1837, kỳ thi Hương của 2 trường Hà Nội và Nam Định chuyển từ tháng 9 sang tháng 10 để sĩ tử đi thi khỏi lầy lội vì rơi vào mùa mưa và đều thống nhất ngày treo bảng là ngày 22 tháng 10. Ngày thi cụ thể của trường thi Hương Nam Định thay đổi nhiều lần qua các thời Minh Mạng, Thiệu Trị..., nhưng nhìn chung vẫn tổ chức vào tháng 10.
Thi hương ở Nam Định năm 1897 - Cảnh sĩ tử nhập trường thi. |
Một số năm, kỳ thi không được tổ chức theo đúng thời gian quy định. Năm Tự Đức thứ 17 (1864) các sĩ tử thi Hương ở hai trường Hà Nội và Nam Định chống lại quan điểm nghị hoà của hiệp định đã làm huyên náo cả trường, không chịu vào trường nên phải hoãn kỳ thi. Khoa thi năm Nhâm Ngọ, Tự Đức thứ 35 (1882), hai trường Hà Nội và Nam Định vì tỉnh thành có biến nên cũng đình hoãn. Năm Kiến Phúc thứ 1 (1884), do giảng hoà ở Bắc kỳ, trường thi chưa kịp tu bổ nên hai trường Hà Nội và Nam Định thi chung ở truờng Thanh Hoá. Từ năm 1888 đến năm 1891, trường Hà Nội và Nam Định thi chung. Riêng khoa thi năm Đồng Khánh thứ 1 (1886), trường Nam Định thi chung với trường Ninh Bình.
Từ năm 1894 đến năm 1918, tên gọi trường thi Nam Định chuyển thành trường Hà Nam.
Quan trường dành cho trường thi Nam Định đông hơn các trường thi khác, theo quy định năm 1825, gồm: 2 quan Đề điệu hàm nhị phẩm, 2 quan Giám thí hàm tam phẩm, 8 quan Phúc khảo hàm ngũ hoặc lục phẩm, 18 quan Sơ khảo hàm thất hoặc bát phẩm, 4 viên Mật sát và 8 viên Thể sát do quan Tổng trấn Nam Định chọn phái. Ngoài ra, còn có 30 viên Lại phòng, những người làm việc niêm phong, soạn số, viết bảng ở trường. Lại phòng phải là những người giỏi, viết chữ đẹp ở Sơn Tây và Bắc Ninh.
Để phục vụ trường thi, năm 1828, trường Nam Định được triều đình cấp cho: 8 cái ghế chéo, 600 quản bút, 200 thoi mực, 5 giành son đá, 200 cái nghiên son nghiên mực bằng sành, 15000 tờ giấy rộng, 12000 tờ giấy vừa và 40 cái bảng vuông to. Đến năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), số lượng được cung ứng xuống còn: 8 cái ghế chéo, 500 quản bút, 200 thoi mực, 3 giành son đá, 150 cái nghiên son nghiên mực bằng sành, 8000 tờ giấy rộng, 6000 tờ giấy vừa và 40 cái bảng vuông to.
Về quy mô, cấu trúc trường thi Hương tại các địa phương nhìn chung tương đối giống nhau. Lệ trước đây trường thi Hương chỉ tạm dựng nhà lá, rào tre, thi xong dỡ bỏ; đến năm 1843 trường thi Hương được xây dựng cố định.
Các tỉnh Gia Định, Hà Nội, Nghệ An và Nam Định căn cứ vào quy thức trường thi Hương Thừa Thiên để dựng trường thi, khác ở chỗ 4 vi tả, hữu, giáp, ất để trống, không dựng mái che.
Trường thi Hương Nam Định được xây dựng năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ở làng Năng Tĩnh. Trường có chu vi 214 trượng (353m), tường cao 5 thước (2m), cả trong và ngoài có 21 toà nhà. Trường chia làm 3 ngăn: ngăn trong là nội trường, giữa là ngoại trường, bên ngoài là nơi học trò làm bài thi.
Nơi học trò ngồi làm bài thi có một con đường chữ Thập, nơi giao nhau của con đường dựng một ngôi nhà gọi là nhà Thập đạo, chia phần này thành 4 vi, mỗi vi đều có hàng rào vây quanh. Các cổng để thí sinh vào trường thi được đánh thứ tự Giáp nhất, Giáp nhị, Ất nhất, Ất nhị, Tả nhất, Tả nhị, Hữu nhất, Hữu nhị. Tại tám cửa đều treo bảng ghi danh sách trước hôm thi để thí sinh đến xem mình vào vi nào.
Phần sau của trường thi chia làm nội trường và ngoại trường.
Ngoại trường là nơi làm việc của các quan Chánh Chủ khảo, Chánh phân khảo, Phó Chủ khảo, Phó phân khảo. Ở giữa ngoại trường có Thí viện là nơi các quan hội họp, chấm bài. Ngoài ra có nhà Giám sát và Lại phòng là chỗ của các viên Lại điển giúp việc.
Trong ngăn ngoại trường, nơi giáp với nội trường có dành một phần rào kín bốn phía chỉ chừa một cổng dẫn đến Thí viện là nơi làm việc của các quan Chánh, Phó Đề điệu (Chánh, Phó Đề tuyển). Tại đây có nhà Đề điệu (Đề điệu công sảnh) là nơi giữ quyển thi của thí sinh và là nơi làm việc của các quan Đề điệu. Phía bên trái có nhà quan Chánh Đề điệu, bên phải là nhà quan Phó Đề điệu. Sau dãy nhà này là Lại phòng giúp việc.
Nội trường là phần sau cùng của trường thi. Chính giữa Nội trường có Giám viện, là nơi hội họp của các quan Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo. Bên trái, bên phải đều dựng các dãy nhà của quan Phúc khảo, Sơ khảo. Sau nhà quan Sơ khảo có nhà Giám sát để coi các quan nội trường.
Các góc của nội trường, ngoại trường và các vi đều có những chòi canh để giám sát các quan trường và thí sinh. Suốt kỳ thi, quan Đề đốc và Lãnh binh tỉnh Nam Định đem quân diễu quanh ở ngoại trường để canh phòng, giữ nghiêm mật, tránh việc trong ngoài thông đồng với nhau và gây sự rắc rối.
Quy định trường thi nghiêm ngặt như không được: mang tài liệu vào trường thi, nói chuyện ồn ào, đi lại lộn xộn, quên đóng dấu nhật trung, kê khai gian lận tên tuổi, cố ý ngồi không đúng chỗ, tự ý vất bỏ hoặc sửa đổi bảng ghi tên, nộp bài trễ hạn.
Tính từ khoa thi năm 1843, trường thi Hương Nam Định và sau là trường Hà Nam lấy đỗ 1083 vị Cử nhân, chiếm 20,6% tổng số Cử nhân triều Nguyễn lấy đỗ.
Trường thi Nam Định đã đóng vai trò không nhỏ trong việc tổ chức các kỳ thi Hương của triều Nguyễn, trong việc lựa chọn nhân tài cho đất nước.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]