Sau khi giải phóng đất nước, ngành giáo dục Nam Định tập trung nhiều công sức, tiếp tục phát huy truyền thống và đẩy mạnh giáo dục trong nhân dân.
Giáo dục mầm non: Số học sinh đến trường ngày càng tăng. Tính đến năm 1999, toàn tỉnh Nam Định đã có 232 trường mầm non với 2794 lớp, trong đó có 13 trường công lập, 219 trường dân lập, 10 lớp mầm non tư thục, 619 nhóm trẻ gia đình. Có 41.213 cháu đi nhà trẻ và 87.093 cháu đến lớp mẫu giáo. Việc bồi dưỡng giáo viên được chú trọng, đẩy mạnh biện pháp "xã hội hoá giáo dục mầm non". Trường mầm non Hải Châu là điểm sáng trong phong trào giáo dục mầm non với mô hình bán trú đầu tiên được đưa vào năm 1977. Hình thức này được ủng hộ và nhân rộng. 16,47% trong số các lớp học được xây dựng kiên cố và 1.036 phòng học được xây mới.
Năm 2000, toàn tỉnh có 2730 lớp mẫu giáo với 83.400 số học sinh mẫu giáo và 3282 giáo viên. Tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đi nhà trẻ là 14,7%. Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo là 65,2%. 54,11% giáo viên đạt chuẩn và 1,06% giáo viên đạt trên chuẩn tính đến cuối năm 1999. Chất lượng nuôi dạy trẻ được nâng cao, số trẻ em suy dinh dưỡng giảm.
Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định trong buổi lễ khai giảng. |
Chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển phấn đấu huy động đạt 46% số trẻ trong độ tuổi ra nhà trẻ, đạt 80% số trẻ trong độ tuổi ra lớp mẫu giáo và đạt 50% số trường mẫu giáo đạt chuẩn.
Giáo dục Tiểu học: Năm học 1999-2000 số học sinh bậc Tiểu học là 217.000 em. Tỉ lệ nhập học chung của bậc Tiểu học đạt cao. Năm 1999, 100% phường, xã đều đạt tiêu chuẩn Quốc gia về phổ cập. Có 190/226 xã, phường đạt tiêu chuẩn phổ cập đúng độ tuổi, chiếm tỷ lệ 84,07%. Năm học 1998- 1999, tỉnh Nam Định được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi.
Tỉ lệ học sinh hoàn thành bậc Tiểu học của năm học 1998-1999 là 92,33%; và là 93,75% năm học 1999-2000. Số học sinh bỏ học chiếm tỉ lệ nhỏ 1,08% trong năm học 1999-2000. Tỉ lệ học sinh chuyển cấp Tiểu học vào THCS những năm gần đây đều đạt trên 96%.
Mạng lưới trường tiểu học được củng cố. Do được tăng cường về số lượng giáo viên cũng như việc đầu tư cải tạo, xây mới trường lớp nên sức ép về số lượng học sinh và giáo viên trong một lớp giảm. Tỉ số học sinh trên giáo viên rút từ 36 học sinh/giáo viên (năm học 1996- 1997) xuống còn 33 học sinh/giáo viên (năm học 1999-2000). Tỉ số học sinh/lớp cũng giảm từ 38 em/lớp (năm học 1996-1997) xuống còn 35 em/lớp (năm học 1999- 2000).
Đã có 57.03% phòng học kiên cố và 1.159 phòng học được làm mới từ năm 1991 đến năm 2000.
Số giáo viên bậc Tiểu học ngày càng được tăng cường. Năm học 1996-1997 có 6495 nghìn người. Năm học 1999-2000, con số đó tăng lên đến 6621 người, trong đó tỉ lệ giáo viên nữ chiếm 92,80%. Việc bồi dưỡng giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học được chú trọng. Tỉ lệ giáo viên đào tạo chuẩn là 87,90% và trên chuẩn là 9,18%.
Việc giáo dục đạo đức học sinh trong và ngoài nhà trường đạt hiệu quả. Các hoạt động ngoài giờ, lên lớp đều được quan tâm, tổ chức thường xuyên. Ngoài ra các trường Tiểu học đều quan tâm đến giáo dục sức khoẻ cho học sinh, phòng chống bệnh mắt hột, bệnh răng miệng...
Giáo dục Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT):
Đến năm 2000, thành phố Nam Định, huyện Nam Trực, Mỹ Lộc và Trực Ninh là 4 đơn vị được công nhận đạt phổ cập trung học cơ sở. Trong đó Nam Trực là huyện đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Giáo dục đào tạo và UBND tỉnh công nhận là huyện đạt phổ cập THCS. Có 180/225 xã, phường đạt phổ cập THCS.
Tỉ lệ học sinh hoàn thành bậc THCS là 88.67% (năm học 1999- 2000). Tỉ số học sinh/giáo viên cấp THCS giảm từ 28 học sinh/giáo viên (năm học 1996-1997) xuống còn 26 học sinh/giáo viên (năm học 1999- 2000).
Số giáo viên cấp THCS tăng từ 5338 (năm học 1996-1997) lên đến 6037 (năm học 1999-2000), trong đó tỉ lệ giáo viên cấp THCS được đào tạo chuẩn là 89.60% và số giáo viên nữ là 82.86%, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho giảng dạy. Tỉ lệ giáo viên cấp THPT được đào tạo chuẩn chiếm 96.88% và tỉ lệ giáo viên nữ chiếm 49.14% (năm học 1999-2000).
Số phòng học kiên cố của bậc THCS là 75,7% với 2896 phòng học được xây mới và của bậc THPT là 63,87% với 619 phòng học được xây mới. Trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa không ngừng được bổ sung. Nhiều trường được trang bị máy vi tính, máy in.
Các trường được xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đẩy mạnh giáo dục toàn diện, phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi. Trường THCS Nguyễn Hiền và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là nơi bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi. Tên tuổi của trường được nhiều nơi trong nước biết đến.
Cảnh quan môi trường sư phạm, trang thiết bị học tập được quan tâm, có bước chuyển biến. Công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn xã hội trong các trường THPT được đẩy mạnh. Kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao thu hút nhiều học sinh tham gia.
Từ năm 1993, không còn lớp học ca ba ở tất cả các cấp học ở Nam Định.
Giáo dục thường xuyên: Năm học 1997- 1998, giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố, ổn định, với nhiều loại hình học tập. Đến năm 1999, toàn tỉnh có 100% huyện, thành phố có trung tâm giáo dục thường xuyên, với 2 trường BTTH trực thuộc, với 24.287 học viên. 100% xã, phường, thị trấn đạt tỉ lệ người trong độ tuổi biết chữ; 135 xã phường, thị trấn, 3 huyện và 1 thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học hệ bổ túc: huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực và thành phố Nam Định.
Phong trào học tập ngoại ngữ, tin học, phổ biến kiến thức khoa học về trồng trọt, chăn nuôi, học tập từ xa đang ngày một phát triển.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]