Hơn 30 năm qua, ngành giáo dục đào tạo Nam Định liên tục là đơn vị giáo dục tiên tiến xuất sắc. Năm học 1999-2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Nam Định là một trong những đơn vị 5 năm liền dẫn đầu giáo dục đào tạo của cả nước.
Năm 1990, Nam Định là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ.
Ngân sách chi cho giáo dục bình quân đầu người ở Nam Định tăng (năm 1998 là 70.618 đồng/người). Năm 1998, tỉ lệ chi cho giáo dục chiếm 2,8% trong GDP và chiếm 32,4% trong tổng chi tiêu địa phương của tỉnh Nam Định.
Với sự quan tâm đầu tư đến giáo dục, cho đến năm 1999, tỉ lệ người lớn biết chữ ở Nam Định là 94,3%, tỉ lệ mù chữ của người trưởng thành là 5,7%; số người có trình độ đại học là 732 người trên 100.000 dân; tỉ lệ lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên là 2,4% (năm 1998) trong đó lao động nữ chiếm 2,2%. Tỉ lệ nhập học của các cấp giáo dục là 76,5% (năm 1999).
Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có trên 2.100 học sinh đạt giải trong kì thi HSG các cấp. |
Với sự đóng góp của đội ngũ giáo viên (trong đó có nhiều nhà giáo ưu tú), sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, thành quả của việc đào tạo giảng dạy biểu hiện rõ nét qua kết quả của các kỳ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trong các năm học từ 1992 đến 1998, khối Tiểu học đạt được 117 giải học sinh giỏi, trong đó có 12 giải nhất, 20 giải nhì, 33 giải ba. Riêng năm học 1997- 1998, có 30 em tham dự, 28 em đạt giải với 5 giải nhất, 8 giải nhì và 12 giải ba.
Cấp THCS (từ 1963 đến 1998) đạt được 513 giải, trong đó có 43 giải nhất, 46 giải nhì, riêng năm học 1997- 1998 có 60 học sinh dự thi đạt 53 giải, tỉ lệ đạt giải/học sinh dự thi là 88,33%.
Cấp THPT (từ 1963 đến 1999) đạt 516 giải. Riêng các năm học: 1997- 1998 đạt 80 giải với 88 học sinh dự thi, tỷ lệ đạt cao nhất nước 91,0%; năm học 1998- 1999 đạt 79 giải với 88 học sinh dự thi, tỷ lệ 89,77% so với tỷ lệ chung toàn quốc là 42,5%, cao nhất cả nước.
Theo thống kê từ Báo cáo phát triển con người Việt Nam của năm 2001, Nam Định là 1 trong số 12 tỉnh của cả nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao.
Phong trào khuyến học, khuyến tài: Những năm gần đây, phong trào "khuyến học khuyến tài" của Nam Định phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao.
Hội "Khuyến học" được thành lập ở nhiều xã, huyện trong tỉnh Nam Định. Hội Khuyến học là tổ chức xã hội mang tính quần chúng với chức năng, nhiệm vụ là khuyến khích và hỗ trợ ngành giáo dục.
Hội Khuyến học ra đời với mục đích:
- Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, các văn bản, nghị quyết của Hội Khuyến học tới các hội viên và nhân dân, vận động các ngành, Đoàn thể và nhân dân, những người ở xa quê hương ủng hộ Hội Khuyến học về vật chất, tinh thần.
- Phát hiện gương tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học. Cùng các ban ngành Đoàn thể tổ chức chống bỏ học. Tổ chức hỗ trợ những em khó khăn không có điều kiện tới lớp. Tổ chức biểu dương, khen thưởng những em học giỏi, những em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân chủ trương khuyến khích và hỗ trợ giáo dục như: xây dựng phong trào thi đua, không có em nào bỏ học, tổ chức phát hiện những tài năng trẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Những dòng họ được trao tặng bức trướng "Có khuyến học, khuyến tài. Có nhiều con cháu học hành thành đạt" đảm bảo các tiêu chuẩn: học sinh của dòng họ đến tuổi phải đi học, không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trong dòng họ phải đạt từ 90% trở lên, phải có học sinh giỏi đạt từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia... Các học sinh đoạt giải sẽ được báo cáo trước tổ tiên, được thưởng bằng quỹ riêng của dòng họ.
Phong trào thi đua "khuyến học khuyến tài" giữa các dòng họ của Nam Định phát triển mạnh mẽ và lành mạnh. Đó chính là một trong những nhân tố cơ bản để khẳng định: Giáo dục và đào tạo của Nam Định phát triển và có chất lượng tốt là nhờ làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục.
Mỗi dòng họ lớn, đều có hội và có quỹ khuyến học thành tài. Nét đẹp văn hoá này được bảo lưu, gìn giữ và nhân rộng ra các vùng xung quanh và ngày càng phổ biến, chẳng hạn:
Huyện Trực Ninh: từ huyện đến xã đều có hội đồng giáo dục, 100% số xã có hội khuyến học, khuyến tài do các cơ quan, làng xóm, dòng họ tổ chức.
Huyện Nam Trực: Đã có 37 dòng họ được nhận bức trướng khuyến học, khuyến tài như: họ Ngô và họ Vũ của xã Nam Dương năm 1999; họ Vũ, họ Lưu, họ Đặng của xã Liên Tỉnh; họ Ngô ở thôn Bách Tính, xã Nam Hồng; họ Trần xã Nam Mỹ năm 1999... Mô hình khuyến học dòng họ của Nam Trực được Hội khuyến học Việt Nam phát động nhân rộng trong cả nước.
Huyện Ý Yên: 32/32 xã - thị trấn đã thành lập hội Khuyến học và hoạt động thường xuyên có tác dụng kích thích giáo dục. Nhiều xã, hội Khuyến học có quỹ giúp học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong tập, động viên học sinh giỏi như: Yên Phương, Yên Bình, Yên Xá, Yên Lộc, Yên Phúc, Yên Tiến, thị trấn Lâm...
Việc khuyến học được lồng vào trong các quy định của Hương ước các làng văn hoá mới hiện nay như: mọi người, mọi nhà đều có trách nhiệm tạo điều kiện cho việc học tập của các em. Tối thiểu phải phổ cập hết bậc Trung học cơ sở. Hàng năm làng tổ chức hội nghị khuyến học, mời các thành viên là chủ hộ và toàn thể các cháu học sinh trong làng đến dự và trao giải thưởng bằng hiện vật cho các cháu học sinh giỏi. Riêng bằng tốt nghiệp đại học trở lên, làng photocopy lồng khung kính treo ở câu lạc bộ văn hoá của làng (như làng Liêm Trại, xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc).
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]