Thi đấu Cờ người tại Phủ Vân Cát |
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội được tổ chức, tập trung ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Các lễ hội trong tỉnh không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức. Trong lễ hội, bên cạnh những hình thức trang trọng của phần lễ, phần hội bao gồm các hoạt động biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… Đến với lễ hội, du khách được hoà mình vào các trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo đặc trưng của từng vùng, miền trong tỉnh như: lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản)... Các trò chơi: chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, hội kéo chữ (Hoa trượng hội)… là những sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh của người dân ở các vùng nông thôn. Hội chọn vật lễ là một trong những nét độc đáo tại các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta. Tiêu biểu là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (Hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên)... Nguồn gốc của hội chọn vật lễ gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng cầu mưa, mùa màng bội thu. Ở một số hội làng trong tỉnh còn có những trò chơi, diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng từ xa xưa, gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) diễn tích trò ăn lá; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có tục yểm lá nhãn ăn thề, trò “thuyền chài đuổi bắt Tàu - Ngô”, tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII. Hay nét độc đáo của các trò chơi dân gian như: bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường; bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên). Không khí đua tài náo nhiệt của các trò chơi dân gian trong lễ hội còn diễn ra ở khắp các vùng khác trong tỉnh như thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co tại lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), chơi cờ người trong lễ hội Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), cờ đèn dưới nước, hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy; múa gậy tại lễ hội đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản). Đặc biệt, tại làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước… Các trò chơi dân gian đều được tổ chức trên nền hình thức hát trống quân, đối đáp nhau về các sản vật…
Nhìn chung, các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, văn minh, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế tham gia tạo nên nét độc đáo ở các địa phương trong tỉnh./.
Việt Thắng