Tượng vua Trần Thánh Tông tại đền Trần (Nam Định). |
Vua Trần Thánh Tông tên thật là Trần Hoảng, sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (tức ngày 12-10-1240). Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), Trần Thánh Tông lên ngôi hoàng đế đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ 1. Trần Thánh Tông là một vị vua nhân từ độ lượng, hết lòng chăm lo việc nước. Về đối nội, vua Trần Thánh Tông dốc lòng xây dựng đất nước, chăm lo phát triển kinh tế và giáo dục; là người đầu tiên có chủ trương cho các vương hầu thành lập các điền trang và được chiêu tập những người phiêu tán, không có sản nghiệp về làm nô tỳ, khai khẩn ruộng hoang, bãi lầy ven biển. Đây là nền tảng xây dựng cơ sở vững mạnh cho Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Vua Trần Thánh Tông rất quan tâm đến việc lựa chọn những nho sinh có tài bổ vào cơ quan Nhà nước như: quán, sảnh, viện…; hỗ trợ cho người có khả năng học tập, trọng dụng người thông thái. Dưới triều vua Trần Thánh Tông, có tổ chức các khoa thi, chọn được những Trạng nguyên như Trần Cố, Bạch Liêu, Đào Tiêu… Cũng thời gian này, bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta, do Lê Văn Hưu chấp bút được hoàn thành (năm 1272). Những nhân tài như Đặng Kế, Đỗ Quốc Tá, Bùi Phóng… đều tụ hội về phò tá nhà vua. Về đối ngoại, lúc đó nhà Nguyên đã chiếm toàn bộ Trung Quốc của nhà Tống, đang chuẩn bị thôn tính Đại Việt, chúng sai sứ sang phong Vương cho vua Trần Thánh Tông và bắt nước ta cứ 3 năm một lần phải cống nạp nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và những nghệ nhân giỏi mỗi loại 3 người cùng với những sản vật: sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu báu và những vật lạ khác. Chúng còn đòi đặt quan Chưởng ấp giám sát các châu quận Đại Việt. Vua Trần Thánh Tông đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự và nền độc lập của Tổ quốc; đồng thời chú trọng luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai.
Ở ngôi hoàng đế 21 năm, Trần Thánh Tông đã 3 lần tham gia chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Lần thứ nhất cùng với vua cha Trần Thái Tông tiến quân đón giặc ở Đông Bộ Đầu; lần thứ hai, cùng với con trai trưởng là Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông) tham dự hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than, hội nghị các bô lão ở điện Diên Hồng, cùng với quân sỹ thực hiện cuộc rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng và mở cuộc tiến công diệt giặc ở phủ Trường Yên. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, Trần Thánh Tông cùng với con trai là vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo toàn dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.
Ngày 25-5 năm Trùng Hưng thứ 6 (tức ngày 3-7-1290) Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời tại cung Nhân Thọ, hưởng thọ 51 tuổi. Ông là vị vua trí cao, nhân cách lớn, sống nhân từ, bao dung, trung hậu, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu. Ông làm vua vì nước, vì dân, vì sự vững bền cơ nghiệp nhà Trần. Ông thương dân, tin quý các vương hầu, tôn vinh người hiền tài, trọng kẻ sĩ, làm nên sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước hưng thịnh./.
PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)