LTS: Trong suốt hai thế kỷ XIII, XIV, dưới triều đại nhà Trần, các vị vua anh minh và các văn thần, võ tướng đã tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ, đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị”. Từ số này, chuyên mục “750 năm Thiên Trường - Nam Định” sẽ giới thiệu những đóng góp tiêu biểu của các vị Vua Trần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đền Trùng Hoa, nơi thờ 14 vị Vua Trần. |
Vua Trần Thái Tông, tên chính là Trần Cảnh, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218) tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Dưới sự sắp xếp của chú họ là Trần Thủ Độ, Trần Cảnh đã kết duyên với Lý Chiêu Hoàng. Đến ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi vua, mở đầu cho triều đại nhà Trần.
Vua Trần Thái Tông là vị Hoàng đế đầu tiên của vương triều Trần đã có những đóng góp nổi bật mang nhiều ý nghĩa lịch sử trong việc củng cố chế độ trung ương tập quyền. Tháng 3 năm 1230, Trần Thái Tông ban hành Quốc triều thống kê (gồm 20 quyển) trong đó xác định rõ các tổ chức chính quyền và chế độ hành chính. Nhiều cơ quan chuyên trách mới của triều đình ra đời để đáp ứng yêu cầu phát triển của bộ máy hành chính, trong đó có Quốc sử viện, Thái y viện, Thẩm hình viện, Tam ty viện. Bộ máy hành chính được xây dựng thành một hệ thống chặt chẽ. Năm 1242, vua Trần Thái Tông chia nước thành 12 lộ. Thời kỳ này, chế độ tuyển cử quan lại bằng thi cử được coi trọng và ngày càng đi vào nề nếp. Năm 1232, vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên. Từ đây, lệ thi cử và các học vị được quy định thành các thể thức: cứ 7 năm triều đình lại thi Thái học sinh một lần (tương đương với thi Tiến sỹ sau này). Năm 1247, khoa thi bắt đầu lấy chức Tam khôi; trong khoa thi này đã vinh danh Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Bảng nhãn Lê Văn Hưu và Thám hoa Đặng Ma La. Năm 1253, vua Trần Thái Tông cho lập Quốc học viện để giảng “tứ thư, ngũ kinh” và mở giảng đường võ để luyện tập võ nghệ. Trong đó, Bảng nhãn Lê Văn Hưu sau này trở thành một nhà sử học uyên bác, đã soạn bộ “Đại Việt sử ký” vào năm 1272.
Về lĩnh vực kinh tế, nếu như những năm cuối của triều Lý, nền kinh tế bị suy sụp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn thì đến đầu triều Trần, nền kinh tế từng bước được phục hồi và phát triển. Sản xuất nông nghiệp được mở rộng, công việc khai khẩn, đắp đê được quan tâm. Về kế sách giữ nước, đối với phương Bắc, vua Trần Thái Tông giữ hòa hiếu, nhưng có thái độ cương quyết đối với chủ quyền dân tộc. Cuối năm 1257, đế chế Nguyên - Mông cho sứ giả sang dụ vua Trần đầu hàng. Vua Trần Thái Tông ra lệnh tống giam sứ giả và ban hành lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Năm 1258, khoảng 3 vạn quân xâm lược theo lưu vực sông Hồng tiến đánh nước ta. Vua Trần Thái Tông đã trực tiếp chỉ huy đánh giặc. Do địch mạnh, để bảo toàn lực lượng, nhà Trần thực hiện sách lược “vườn không, nhà trống” rút lui về Thiên Trường. Vì vậy tuy quân giặc chiếm được thành Thăng Long, nhưng không có lương thực nên chỉ sau 12 ngày đêm chiếm đóng, đã bị quân, dân nhà Trần tấn công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu, đánh bật ra khỏi kinh thành, buộc kẻ thù phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến đầu tiên của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vị vua anh minh Trần Thái Tông đã giành chiến thắng vang dội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quật cường của dân tộc, đứng lên đồng lòng đoàn kết, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.
Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng. Trần Thái Tông làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn cùng coi việc nước. Vua Trần Thái Tông trị vì 33 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm thì mất, thọ 60 tuổi./.
PV
(Theo “Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần”)