Sau 3 năm thực hiện tổ chức sắp xếp lại dưới sự chỉ đạo cuả Tỉnh ủy và UBDN tỉnh, tuy còn nhiều khó khăn song về cơ bản ngành công nghiệp đã vượt qua được những vướng mắc trong cơ chế thị trường và bước đầu có định hướng cho sản xuất. Sự ổn định dù chưa chắc nhưng là điều cần thiết để ngành bước vào thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng CNH - HĐH trong những năm giữa thập kỷ 90.
Năm 1993 sau khi tách tỉnh, công nghiệp quốc doanh Trung ương giảm trên 10%. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty dệt Nam Định làm ăn thua lỗ. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của công ty nói riêng và ngành dệt may Nam Định nói chung.
Trong thời gian này hàng loạt xí nghiệp sản xuất bia ra đời. Mở đầu vào năm 1993, Công ty thực phẩm công nghiệp,(trước là Xí nghiệp thực phẩm 1/6 cũ hợp nhất với Xí nghiệp bánh kẹo Sông Đào) đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất bia Đan Mạch với vốn đầu tư 42 tỷ đồng, công suất 3 triệu lít/năm. Sau đó hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất bia hơi ra đời như Công ty thương mại Ý Yên, Công ty ong Nam Định, Công ty ong thực phẩm Xuân Thủy, Công ty thương nghiệp Nam Định. Các cơ sở sản xuất bia hàng năm sản xuất được 15 triệu lít bia. Từ năm 1993 đến 1995, các xưởng bia nhỏ được xây dựng trong nhiều xã.
Kinh doanh thua lỗ của các ngành công nghiệp, trước hết của các cơ sở quốc doanh Nhà nước buộc các đơn vị này phải sắp xếp lại sản xuất theo tinh thần lấy xuất khẩu làm hướng ra và đi lên của ngành công nghiệp. Năm 1994, hơn 100 doanh nghiệp nhà nước được thành lập lại, trong đó hàng chục doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu.
Sản xuất ở Cty cổ phần may Sông Hồng (TP Nam Định). |
Công nghiệp quốc doanh trung ương từng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng kinh tế địa phương. Từ những năm 1960, giá trị tổng sản lượng của công nghiệp quốc doanh trung ương đã lớn gấp nhiều lần so với công nghiệp địa phương. Vào nửa đầu những năm 1990, công nghiệp quốc doanh trung ương trên địa bàn chiếm khoảng từ 45 đến 55% tổng giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.
Từ năm 1994, công nghiệp Nam Định dần dần được phục hồi và quá trình này liên quan hữu cơ với với việc phục hồi sản xuất của Công ty dệt Nam Định.
Khi các doanh nghiệp Nhà nước đang tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì ngành tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đã phát triển khá nhanh. Năm 1994, giá trị tổng sản lượng của tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 142,3 tỷ đồng tăng 16,9% so với năm 1993 (điển hình là huyện Ý Yên tăng 83,8%, Vụ Bản tăng 51,5%), đóng thuế cho Nhà nước là 3,6 tỷ đồng.
Năm 1994, 100% số xã trong tỉnh đã có điện. Đây là tỷ lệ cao ở vùng châu thổ sông Hồng. Điện đến các xã tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nhỏ ở nông thôn trong tỉnh có điều kiện hoạt động.
Trải qua 10 năm đổi mới, ngành công nghiệp Nam Định đã có nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, trong đó có những lực lượng trước đây không được khuyến khích phát triển nay đã khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến cuối năm 1995 Nam Định có 63 doanh nghiệp (có 8 doanh nghiệp thuộc quốc doanh trung ương, 55 doanh nghiệp địa phương). Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất ngoài khu vực kinh tế quốc doanh ngày càng nhiều (17.695 cơ sở gồm 40 đơn vị thuộc kinh tế tập thể, 9 đơn vị thuộc kinh tế tư nhân và 17.621 thuộc kinh tế cá thể). Trước năm 1991, thành phần kinh tế hỗn hợp chưa có đơn vị nào, thì đến 1995 đã có 25 đơn vị và đã có 1 cơ sở sản xuất có phần vốn của nước ngoài. Năm 1995, kinh tế tư nhân tăng 350% so với năm 1991.
Cùng với sự ra đời của các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp hiện đại, các làng nghề truyền thống dân dần phục hồi. Đến năm 1995, một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), dệt Dịch Diệp (Trực Ninh), cơ khí Vân Chàng (Nam Trực), mộc La Xuyên (Ý Yên) đúc Tống Xá (Ý Yên)... đã sản xuất được cả các sản phẩm truyền thống cùng các sản phẩm mới, đa dạng, có chất lượng cao.
Ngành công nghiệp Nam Định đã có những đầu tư bước đầu máy móc hiện đại để khai thác thế mạnh của vùng kinh tế biển. Hai nhà máy chế biến (Xí nghiệp đông lạnh Nam Định và Cơ sở chế biến Xuân Thuỷ) đã cải tiến kĩ thuật, mở rộng sản xuất, chế biến các mặt hàng thuỷ sản. Năm 1995, doanh thu của ngành chế biến đông lạnh tăng 1,7 lần so với năm 1994, giá trị xuất khẩu đạt 3 triệu USD.
Năm 1996 một số xí nghiệp được đầu tư nên kinh doanh có hiệu quả. Điển hình như như xí nghiệp mạ điện Nam Định. Đơn vị này sau khi được đầu tư đã sản xuất được nhiều mẫu lưới thép chất lượng cao nên sản phẩm của xí nghiệp đã có mặt hầu khắp các thị trường các tỉnh phía bắc. Các đơn vị khác cũng được đầu tư như Công ty đóng tàu sông Đào, Công ty cơ khí đúc Trường Thành đã mở rộng và cải tiến dây chuyền đúc gang, sản xuất các mặt hàng bếp nướng, nắp ga, cống xuất khẩu sang Đức và các nước Bắc Âu; Công ty dệt may Sơn Nam, Công ty may Sông Hồng, Công ty thực phẩm công nghiệp, Xí nghiệp gạch Nam An, Công ty giấy nhựa Nam Định, Công ty Thái Hà thuộc Ban Tài chính quản trị liên doanh với nước ngoài thành Công ty Nam Liên...
Theo phương hướng củng cố và đầu tư cho công nghiệp như trên, năm 1996 giá trị sản xuất công nghiệp Nam Định đã tăng, dù rằng tỷ lệ tăng còn khá thấp (2,3%). Tỷ lệ tăng trưởng cao thuộc khu vực ngoài quốc doanh, còn khu vực quốc doanh trung ương vẫn tiếp tục suy giảm, đặc biệt là công nghiệp dệt may là ngành truyền thống của tỉnh Nam Định. Giá trị sản lượng công nghiệp của Công ty dệt Nam Định năm 1996 vẫn còn giảm 9%.
Bức tranh chung của ngành công nghiệp Nam Định cho đến năm 1996 là sau những năm chững lại, các cơ sở đã từng bước đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, tiếp cận thị trường, đổi mới quản lí, nâng cao sức cạnh tranh, bước đầu ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]