Những năm 1986 - 1988 ngành công nghiệp Nam Định sa sút nhất là cơ sở dệt - may. Các làng nghề mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai, mây tre đan cũng giảm sút do các đơn vị sản xuất chưa quen với chính sách đổi mới kế hoạch hóa, chưa phát huy được chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Từ năm 1987, đi đôi với củng cố kinh tế quốc doanh, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 06 (30/03/1987) và Nghị quyết 09 (25/05/1987) “ Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, sản xuất tư nhân làm nghề dịch vụ và mở rộng lưu thông hàng hóa”. Mặc dù còn khó khăn về vật tư, năng lượng thiết bị, tiền vốn... song nhờ chính sách đổi mới nên năng lực sản xuất được giải phóng, tạo thêm việc làm cho người lao động và tạo ra sự đa dạng của hàng hóa trong tỉnh.
Các HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã tổ chức khoán gọn tới phân xưởng, nhóm người lao động, bỏ khâu trung gian, trực tiếp ký hợp đồng sản xuất để giảm bớt chi phí, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng theo đòi hỏi của thị trường mở rộng liên kết liên doanh hợp tác. Trong sản xuất, kinh tế gia đình là vệ tinh cho HTX. Khu vực thủ công tư nhân và gia đình phát triển với tốc độ nhanh. Toàn tỉnh có 202 tổ hợp tác, năm 1987 khối lượng hàng hóa đạt 329 triệu đồng, 9 tháng đầu năm 1988 là 239 triệu đồng (tính theo giá cố định năm 1982).
Khu vực doanh nghiệp quốc doanh địa phương thời gian này cũng có bước tăng trưởng khá hơn.
Dệt - may: năm 1988, Xí nghiệp may 1-7 được thành lập. Tuy dệt vải, kéo sợi có giảm sút nhưng các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu khá năng động, đầu tư đổi mới máy móc, tìm kiếm khách hàng. Các mặt hàng chủ yếu của các cơ sở sản xuất lớn như: Công ty may Nam Định, Công ty may Sông Hồng, có mặt hàng chủ yếu là áo jacket. Trong khi đó các đơn vị nhỏ hơn như Xí nghiệp Dân Sinh, Xí nghiệp may Nam Định, Công ty may Mỹ Nghệ, Công ty may thương binh Nam Định, Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng may gia công quần áo bảo hộ lao động.
Cơ khí: Các HTX, hộ gia đình sản xuất máy tuốt lúa, công cụ cầm tay, xe cải tiến, đồ dùng gia đình. Nhà máy cơ khí Nam Hà sản xuất hàng trăm máy bơm các lọai ngoài ra còn đầu tư sản xuất xe đạp.
Phân xưởng dệt lưới thép của Cty cổ phần Dây lưới thép Nam Định. |
Sản xuất vật liệu xây dựng: Vẫn chủ yếu bằng lao động thủ công nhưng có một số công đoạn đã được cơ giới hóa. Sản xuất tập trung chủ yếu ở một số đơn vị vùng phía bắc: Gạch Cầu Mái, Nam Định, Cầu Tào, Ba Quàn, Xuân Châu, Nam An.
Mặc dù chủ trương đổi mới theo cơ chế của Đảng đặt ra từ năm 1986, nhưng 3 năm 1986-1988 mới là thời gian thử nghiệm trên từng mặt và có mức độ nên về cơ bản công nghiệp của tỉnh vẫn hoạt động trong cơ chế bao cấp và chỉ đạo theo kế hoạch tập trung. Phần lớn các xí nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn lúng túng bế tắc khi tiếp cận cơ chế mới, nhiều doanh nghiệp đình đốn, thiếu việc làm, đời sống người lao động giảm sút, nhất là công nhân ở những đơn vị do huyện quản lý. Không ít HTX tiểu thủ công nghiệp phải giải thể, trong đó Thành phố Nam Định có 20 HTX (tổng số 56 HTX). Tính đến năm 1989 toàn tỉnh có 124 xí nghiệp quốc doanh thì 48 xí nghệp phải thu hẹp sản xuất, 24 xí nghiệp thực sự khó khăn và một số xí nghiệp bị giải thể. 4862 công nhân phải nghỉ việc và trên 1.000 công nhân không có việc làm thường xuyên.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp từng bước đi vào tìm kiếm thị trường, định hướng sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch sản xuất tiêu thụ sản phẩm, huy động vốn, mở rộng liên kết liên doanh (Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, dệt kim Thắng Lợi, Nhà máy sửa chữa động cơ...). Tuy chưa thực sự ổn định song các xí nghiệp, cơ sở vẫn đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Giá trị tổng sản lượng năm 1987: 2415,8 triệu đồng. Năm 1988 là 24.876 triệu đồng tăng 384 triệu so với năm 1986. Tốc độ phát triển khá cao và đều. Năm 1986 so với 1985 tăng 6,5%; năm 1987 so với 1986 tăng 14,8%; năm 1988 so với 1987 tăng 2,9%
Năm 1989 tốc độ phát triển của các tổ hợp tư nhân cá thể tăng 1,5 lần so với 1988 (từ 170 tổ năm 1988 đã phát triển lên 300 tổ năm 1989, tư nhân cá thể từ 50.000 người lên 70.000 người và 13 xí nghiệp tư doanh mới ra đời). Cùng với việc đổi mới cơ chế chung, sự phát triển của các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh đã có tác động thúc đẩy kinh tế quốc doanh sắp xếp lại sản xuất để thích ứng với cơ chế quản lý kinh tế nhiều thành phần.
Do kinh tế tư nhân, cá thể phát triển, hàng tiêu dùng trong tỉnh nhìn chung có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng, có thêm loại hình phong phú, đa dạng. Đặc biệt với sự giúp đỡ của công nghiệp Trung ương, công nghiệp địa phương có điều kiện đầu tư về chiều sâu và giải quyết việc làm cho người lao động. Giá trị sản lượng công nghiệp hàng tiêu dùng bình quân trong 5 năm (1986 - 1990) tăng 14,3% so với kế hoạch của 5 năm trước: trong đó ngành xay xát, chế biến lương thực thực phẩm tăng 12,9%, may mặc tăng 46,4%, điện tử tăng 48%.
Tuy nhiên từ năm 1989, sản xuất hàng tiêu dùng trong tỉnh gặp nhiều khó khăn do công nghiệp địa phương liên tục giảm sút, phần lớn các xí nghiệp, HTX do chậm chuyển cơ cấu, trang thiết bị đã cũ kĩ, lạc hậu, công tác quản lý yếu, thiếu vốn, sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém khó tiêu thụ nên nhiều mặt hàng không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 1991 giá trị sản xuất công nghiệp giảm 14% so với năm 1990, trong đó khu vực công nghiệp Trung ương giảm gần 20%, quốc doanh địa phương giảm 4,6%. Do mất thị trường Đông Âu và chưa khắc phục được tình trạng sa sút trong sản xuất công nghiệp, nên các xí nghiệp loại II và III và ngay cả trên 60% xí nghiệp loại I công nhân vẫn phải thường xuyên thay nhau nghỉ việc, nhiều xí nghiệp chưa xác định được mặt hàng và thị trường tiêu thụ.
Nam Định từng là cái nôi của ngành dệt may cả nước, nhưng từ năm 1991 công nghiệp dệt may của tỉnh rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do mất thị trường, bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập, công nghệ lạc hậu...sản xuất đình trệ, hàng vạn công nhân phải luân phiên nghỉ việc. Nếu như sản xuất công nghiệp quốc doanh lao đao, lúng túng khi tiếp cận với cơ chế mới thì khu vực ngoài quốc doanh, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và sản xuất ở khu vực này ổn định hơn.
Năm 1991, cả tỉnh có 12.717 doanh nghiệp sản xuất ngoài quốc doanh, trong đó có 75 đơn vị tập thể, kinh tế tư nhân có 2 đơn vị, kinh tế cá thể có 12.640 đơn vị và chưa có thành phần kinh tế hỗn hợp. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh năm 1991 đạt 209.060 triệu đồng.
Năm 1992, công nghiệp Nam Định có 8 doanh nghiệp quốc doanh Trung ương và 60 doanh nghiệp quốc doanh địa phương. Năm 1992 Công ty điện tử điện lạnh Nam Định được thành lập chuyên lắp ráp các loại tủ lạnh, máy giặt, hàng điện tử.
Đến 31/12/1993 trên địa bàn tỉnh có 87 xí nghiệp - công nghiệp quốc doanh, trong đó công nghiệp quốc doanh địa phương có 75 cơ sở, giảm 7 cơ sở so với năm 1990. Những cơ sở không được đăng ký thành lập lại là những cơ sở yếu kém không duy trì được sản xuất trước yêu cầu của cơ chế sản xuất mới. Những doanh nghiệp được thành lập lại đã chủ động tìm các biện pháp, tích cực rà soát lại năng lực sản xuất, khai thác thị trường, tự đầu tư hoặc lập đề án xin vay vốn ngân hàng để đổi mới trang thiết bị kỹ thuật công nghệ sản xuất. Những xí nghiệp tạo thêm được sản phẩm mới có thể cạnh tranh trên thị trường duy trì sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động như Công ty dệt kim Thắng Lợi, nhuộm Sơn Nam, Xí nghiệp mạ điện... tuy không nhiều, song 46% số doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp sau nhiều năm giảm sút từ 1992 đã bắt đầu tăng lên (năm 1992 tăng 2,8% so với năm 1991 và 1993 tăng 1,3% so với năm 1992). Cơ cấu ngành trong công nghiệp bước đầu có sự thay đổi theo hướng tăng dần ngành chế biến nông, hải sản - những thế mạnh của tỉnh.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]