Sau gần 50 năm đi tìm đường cứu nước, cứu dân, sáng ngày chủ nhật 16-6-1957 Bác Hồ mới có dịp trở về thăm quê. Dưới bóng cây đa ở phía đông sân vận động làng Sen, Bác đã nói chuyện thân mật với nhân dân trong xã và đại biểu các xã lân cận. Mở đầu, Bác đọc 2 câu:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Bác dặn mọi người phải sản xuất thật tốt, đoàn kết thật tốt để đưa xã nhà trở thành một xã kiểu mẫu. Bốn năm sau, sáng ngày 19-12-1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Vẫn dưới gốc cây đa này, Bác lại trò chuyện thân tình với bà con, cô bác. Bác mong mọi người “phải có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh”.
Tháng Năm này tôi về thăm quê Bác để hồi tưởng lại tuổi thơ của Bác, tìm hiểu những kỷ vật nơi Bác sinh ra và đã gắn bó với thời niên thiếu của Người được ghi lại tại các di tích lưu niệm ở Kim Liên.
Nhà quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet |
Xã Kim Liên trước đây gọi là Chung Cự thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xã Chung Cự có 7 làng ở quanh ngọn núi Chung, trong đó có làng Sen quê cha và làng Chùa quê mẹ. Nơi Bác ra đời là làng Chùa - nay gọi là Hoàng Trù, trong ngôi nhà tranh 3 gian do ông bà ngoại của Bác là Hoàng Đường - Nguyễn Thị Kép dựng cho con rể Nguyễn Sinh Sắc lấy con gái đầu lòng Hoàng Thị Loan vào dịp lễ thành hôn năm 1883. Gian nhà ngoài là nơi học tập của ông Sắc. Ở đây có bộ phản nằm nghỉ, một chiếc án thư, hai cái giá để sách và hai cái ghế kê sát cửa sổ là nơi cụ Hoàng Đường dạy cho ông Sắc học tập. Gian thứ hai là nơi nghỉ của Hoàng Thị Loan, sau tấm vải màn nhuộm nâu là chiếc giường tre nhỏ - nơi bà đã sinh ra 3 người con: Nguyễn Thị Thanh (1884), Nguyễn Sinh Khiêm (1888), Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ 1890). Gian thứ ba để bộ khung cửi dệt vải, cạnh đó là chiếc võng cói dài đã cho chúng ta hiểu rằng ngoài những công việc đồng áng, đêm đêm bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa ru con ngủ. Những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Bác ở trong ngôi nhà này như cái sập gỗ, chiếc chum nhỏ đựng nước, cái gáo dừa... giờ đây đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, vô giá. Phía đông nhà Bác là nhà cụ Hoàng Đường - Nguyễn Thị Kép, ông bà ngoại của Bác. Đây là ngôi nhà 5 gian lợp tranh lá mía. Gia đình cụ Đường làm ruộng là chính. Cụ ông còn mở lớp dạy học tại nhà, cụ bà thì làm thêm nghề dệt vải, lụa. Ông bà sinh được hai người con gái là Hoàng Thị Loan (1868) và Hoàng Thị An (1877). Phía sau nhà cụ Đường là nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân cũng chính do cụ Đường dựng năm 1881 bằng gỗ lợp tranh để thờ cố nội Hoàng Xuân Miệu, ông nội Hoàng Xuân Lý và bố đẻ của ông Đường là ông Hoàng Xuân Cẩn. Năm 1930 bà con trong họ Hoàng đã tu sửa lại và lợp ngói như hiện nay. Cạnh nhà thờ có cây mít mọc ra từ gốc cây mít trước đây là nơi gắn bó tuổi ấu thơ của Bác. Tất cả 3 ngôi nhà nằm trong khu vườn rộng 3.500m2.
Làng Sen quê nội cách làng Hoàng Trù 2km. Ở đây có một quần thể di tích rộng lớn như nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đình làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc... Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Bác Hồ - nằm gọn trong khuôn viên mảnh vườn 2.467m2. Khoa thi hội năm Tân Sửu (1901) ông Nguyễn Sinh Sắc (tức Nguyễn Sinh Huy) đậu Phó bảng nên dân làng đã mua một ngôi nhà gỗ 5 gian dựng trên mảnh đất công của làng để mừng ông Phó bảng. Sau đó dân làng Sen đến làng Hoàng Trù vui mừng rước đón ông Nguyễn Sinh Sắc và 3 người con về ở. Hai gian nhà ngoài ông Sắc làm nơi thờ tự và tiếp khách. Gian thứ ba là căn buồng của cô Nguyễn Thị Thanh. Hai gian còn lại là nơi nghỉ ngơi sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Ở đó có 2 bộ phản bằng gỗ, là nơi nằm nghỉ của ông Sắc, cậu Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Ngoài ra còn có một số đồ dùng khác như: Chiếc rương gỗ đựng lương thực, một tủ 2 ngăn để bát chén, một án thư để đọc sách và uống trà, chiếc mâm gỗ sơn dùng tiếp khách quý, trên vách treo chiếc đèn đĩa thắp bằng dầu thực vật, chiếc võng nằm mát bện bằng sợi đay. Ngôi nhà ngang 3 gian là nơi nấu ăn hằng ngày của gia đình. Khi về quê nội, ông Nguyễn Sinh Sắc và các con sống thanh đạm gần gũi, thân thiết với bà con làng xóm nên được mọi người thương yêu giúp đỡ.
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt tại Động Tranh có độ cao gần 100m so với mặt biển trên dãy núi Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Giang, cách Kim Liên khoảng 4km về phía Đông Bắc. Bà mất ngày 10-2-1901 ở Huế, mai táng tại nghĩa địa An Cựu, dưới chân núi Ba Tầng thuộc dãy Ngự Bình. Năm 1922 bà Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt mẹ về chôn cất trong vườn nhà ở làng Sen. Năm 1942 ông Nguyễn Sinh Khiêm thoát khỏi nhà tù thực dân pháp đã về quê và đi khắp hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm nơi cát táng mẹ. Ông đã chọn hòn núi có cảnh trí đẹp đẽ và hùng vĩ này rồi cùng hai người thân trong họ bí mật đưa hài cốt mẹ lên đây. Ngày 19-5-1984 với tình cảm thành kính và biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và quân dân Nghệ Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã làm lễ khởi công xây dựng lại ngôi mộ. Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên tại chỗ. Quanh mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương Liên Xô (cũ) do Bộ Tư lệnh Bảo vệ vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng và những phiến đá cẩm thạch của núi đá Quỳ Hợp do Nghệ Tĩnh sản xuất. Mộ được phủ kín bằng những hòn đá tự nhiên tại chỗ của núi Đại Huệ. Phía trên ngôi mộ có giàn hoa đồng dạng với giàn hoa tại khu vực nhà sàn của Bác Hồ ở Hà Nội nhưng lại được cách điệu tượng trưng cho chiếc khung dệt vải của bà Hoàng Thị Loan. Phía dưới mộ có tấm bia bằng đá đen núi Nhồi (Thanh Hoá) ghi tiểu sử và công lao của bà. Đường lên xuống thăm mộ men theo sườn núi, mỗi bên dài 500m với hơn 200 bậc đá. Thung lũng trước mộ là vườn cây hoa đặc sản và gỗ quý.
Đứng trên núi Chung, chúng tôi bồi hồi xúc động bởi nơi đây đã in dấu chân Bác trong khoảng thời gian từ 1901-1906. Phóng tầm mắt ra xa ở phía nam là dòng sông Lam trong xanh, uốn lượn như dải lụa. Phía tây có núi Hùng Sơn và dãy Thiên Nhẫn điệp trùng. Phía bắc có dãy núi Đại Vạc, Đại Huệ, Đại Hải. Phía đông có núi Dũng Quyết - nơi Quang Trung chọn dựng đế đô. Nếu lấy núi Chung quê Bác làm tâm thì trong vòng bán kính khoảng 50km là quê hương của Mai Thúc Loan, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Xuân Diệu, Huy Cận và Thành phố Vinh - nơi sinh của Nguyễn Thị Minh Khai mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử.
Tháng Năm này trên quê Bác bát ngát màu vàng của lúa, màu xanh của cây cối, núi rừng và sông nước. Từng đoàn xe từ Thành phố Vinh theo quốc lộ 46 hướng về quê Bác để tham quan, nghiên cứu và ngưỡng mộ cuộc đời thơ ấu của một vĩ nhân mà tên tuổi, tư tưởng, đạo đức lối sống đã sáng chói khắp thế gian. Thật đúng là:
“Nhất vui là cảnh Kim Liên
Cảnh vui có cảnh, người tiên có người”
Mai Hiên