Những ngày sống chiến đấu trên đồi A1

02:05, 04/05/2012

LTS: Đại tá Đinh Văn Dung sinh năm 1931, quê xã Tân Thịnh (Nam Trực), hiện đang ở số nhà 15A, ô 18, đường Nam Cao, phường Hạ Long (TP Nam Định). Ông nhập ngũ khi 16 tuổi, vào Đại đội Bắc Sơn, Trung đoàn 28, đóng quân ở Lạng Sơn. Năm 1948, ông được điều động về Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, đóng ở Cao Bắc Lạng. Tại đây, ông tham gia Chiến dịch Đông Khê (1950), Trần Hưng Đạo - Hoàng Hoa Thám (1951), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia chiến đấu ở Lào trên cương vị Trung đoàn trưởng, Trưởng phòng Quân huấn Mặt trận cánh đồng Chum (12 năm). Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Cam-pu-chia, biên giới Hà Giang... Sau đó ông về công tác tại Học viện Quốc phòng với cương vị Chủ nhiệm khoa đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược. Về đời thường, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội: Bí thư chi bộ, Hội CCB, Hội Người cao tuổi ở địa phương. Báo Nam Định xin trân trọng giới thiệu những hồi ức của ông về những ngày chiến đấu trên Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng năm xưa.

Ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên Thành phố Nam Định (Đại tá Đinh Văn Dung thứ ba từ phải sang). Ảnh: Do tác giả cung cấp
Ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên Thành phố Nam Định (Đại tá Đinh Văn Dung thứ ba từ phải sang). Ảnh: Do tác giả cung cấp

Đơn vị tôi đánh xong Mường Pồn ngày 20-12-1953 thì được lệnh về tập kết dưới chân núi Tà Lèng. Sau một tháng làm đường, kéo pháo, xây dựng trận địa thì cán bộ Đại đội, Tiểu đoàn cấp trưởng đi chuẩn bị chiến trường lần thứ nhất, rồi đến cấp phó đi lần thứ 2.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An mới 28 tuổi, song anh rất xông xáo, thực tế, sáng tạo. Báo cáo trước hội nghị, anh nêu rõ: A1 vốn là một đồn trú của Pháp nằm trên dãy núi khu Đông, chiều dài và rộng 400m, xây dựng trước năm 1940, năm 1945 Nhật tu sửa ốp gạch, nay Pháp củng cố xây dựng thành cứ điểm vững chắc có hầm ngầm. Đóng giữ A1 là một tiểu đoàn Marốc có hoả lực, súng cối DK, trọng liên, nhiều trung đại liên và súng phun lửa, cấu trúc thành 2 tuyến phòng thủ có chiến hào vành khăn, giao thông hào. Bên ngoài có 4-5 lớp rào kẽm gai. A1 có tầm quan trọng bậc nhất ở khu Đông, cách sở chỉ huy tập đoàn 500m. Anh nêu thuận lợi, khó khăn về đánh công sự vững chắc và giao nhiệm vụ cho đơn vị.

Tôi là Đại đội trưởng, trợ lý ban tham mưu cùng tập thể Ban tham mưu triển khai công việc về chuẩn bị bộ đội, trang bị vũ khí, hoả lực cho các đội xung kích, bộc phá ống, bộc phá khối, thang ván vượt rào.

Đêm 25-2-1954, đơn vị hành quân đến chân núi Khe Chít cách A1 khoảng 2km thì được lệnh Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba quay lại vị trí cũ, mọi người đều xôn xao nhưng vẫn chấp hành, quân lệnh như sơn.

Mấy hôm sau, cán bộ chỉ huy Trung đoàn đi họp về phổ biến “thay đổi cách đánh” chuẩn bị chu đáo “đánh chắc tiến chắc” của Tư lệnh Mặt trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị, công tác chuẩn bị chiến đấu lần này đòi hỏi cao về quyết tâm chiến đấu, xây dựng chiến hào đối mặt với kẻ địch, vừa là áo giáp tránh thương vong, vừa thuận tiện vận chuyển cơ động tiến công địch. Cơ quan tham mưu dùng sa bàn, dây rừng đo đạc, mỗi chiến sĩ đào 2m giao thông hào rồi nâng lên 4m cả ngày và đêm dưới làn phi pháo địch để xây dựng được mạng lưới 27km hào giao thông, công sự chiến đấu. Bước vào chiến dịch đợt 2 ngày 30-3, Trung đoàn tiến công A1 lần thứ nhất chỉ chiếm được 2/3 quả đồi.

Tôi nhớ, hôm ấy thời tiết nóng nực ngột ngạt, dưới hầm chỉ huy sở Trung đoàn họp hội nghị Đảng uỷ mở rộng, tất cả đều trầm ngâm im lặng, lắng nghe đồng chí Trần Huy, Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ trình bày, phân tích một số nguyên nhân chúng ta chưa hoàn thành việc tiêu diệt đồi A1. Tiếp đến Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An nêu diễn biến trận đánh, nêu những tấm gương đơn vị đột phá mở cửa nhanh, đánh thọc sâu tốt. Anh dũng cảm tự phê bình về cách đánh chưa hiệp đồng tốt giữa chủ yếu và thứ yếu, mình là người chỉ huy một đơn vị có truyền thống chiến đấu giỏi, chưa bao giờ thua trận, mà trận này chưa hoàn thành nhiệm vụ vì chậm giờ nổ súng (30 phút) để phi pháo địch gây thương vong bộ đội, Trung đoàn 174 phải trả giá đắt bằng xương máu để đổi lấy kinh nghiệm.

Đêm 31-3-1954, Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 vào thay. Đây là trận thứ 2 tấn công vào A1, với thời gian chuẩn bị gấp, đánh theo phương án cũ nên Trung đoàn 102 gặp khó khăn, trận đánh kéo dài. Đến sáng 1-4, Trung đoàn 102 chỉ chiếm được như Trung đoàn 174 đã chiếm. Địch dựa vào hầm ngầm, xe tăng ra sức phản kích đẩy lùi đơn vị. Đến sáng 2-4, Trung đoàn 102 rút và giao lại cho Trung đoàn 174 bao vây. Sau 33 ngày, qua một trận tấn công và trên nửa tháng phòng ngự bao vây, bắn tỉa, giành giật từng tấc đất, lực lượng bị tiêu hao, Trung đoàn còn 2/3 quân số, cần được bổ sung củng cố. Riêng A1, địch đã thay phiên 4 tiểu đoàn khác nhau.

Chuẩn bị cho trận tấn công lần thứ 3 vào cứ điểm A1, Trung đoàn được bổ sung 1.800 quân. Khi triển khai phương án mới với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm A1 thì không khí sôi nổi hẳn lên, bao nhiêu ý kiến đề xuất được bàn bạc tỉ mỉ, từ đó phương án làm đường hầm xuyên núi để đánh sập hầm ngầm của địch ra đời được cấp trên phê duyệt.

Sự kiện đặc biệt của trận tấn công A1 lần này là tiêu diệt hầm ngầm địch. Trung đoàn được trên tăng cường một Trung đội công binh 23 đồng chí do đồng chí Xuyên Khung chỉ huy và tăng cường 700kg bộc phá, còn đơn vị phải đi tìm tháo gỡ những quả bom không nổ ở đồi Độc Lập, sông Nậm Rốm đưa về bổ sung cho đủ 1.000kg. Gay go nhất lúc này là công binh làm sao khoét được một đường hầm vào sâu 49m, một buồng nổ đủ tập trung hàng tấn thuốc nổ vào trong lòng núi. Mọi khó khăn cũng được khắc phục, vượt qua. Bộ chỉ huy ra mệnh lệnh toàn mặt trận lấy tiếng nổ bộc phá này làm lệnh phát hoả cho đợt 3 chiến dịch. Đã 3 lần Trung đoàn trưởng, cơ quan, đơn vị trinh sát đi nắm tình hình địch, đặc biệt hoả lực hầm ngầm và bổ sung phương án trên sa bàn cho cán bộ, kiểm tra thực binh đơn vị xung kích mũi nhọn.

Đêm mùng 6-5-1954, sự chuẩn bị đã chu đáo, song những cơn mưa đầu mùa ập đến làm chiến hào lầy lội nhưng đơn vị vẫn lần lượt vào chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian. Gần tới giờ “G”, điện thoại giữa Trung đoàn trưởng và đồng chí Xuyên Khung bị pháo bắn đứt, thế là trục trặc, chỉ huy cơ quan đành ngồi chờ tiếng nổ. Đúng giờ “G” 20h30 phút, một ánh chớp loé lên kèm theo tiếng nổ “ịch” kéo dài làm rung chuyển quả đồi. Chỉ sau một phút, các loại pháo cối hoả tiễn thi nhau nổ trút bão lửa vào đồi A1, C1, Hồng Cúm và khu trung tâm Mường Thanh, cùng lúc đó Trung đoàn trưởng hạ lệnh cho các Tiểu đoàn nổ súng. 15 phút sau, các đơn vị hai hướng đã mở cửa xong. Tiểu đoàn 249 tấn công hướng chủ yếu Đông Nam thọc sâu bao vây hầm ngầm. Tiểu đoàn 251 từ Tây Nam đánh lên. Càng vào sâu trung tâm địch chống trả quyết liệt, cuộc chiến giành giật từng chiến hào, ụ súng hai bên chỉ cách nhau 15-20m, tiếng súng, lựu đạn không lúc nào ngớt suốt 7 giờ liền, các đơn vị của ta dũng mãnh tiêu diệt quá một nửa Tiểu đoàn địch, hầm ngầm bị phá huỷ, chiến sỹ ta thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy địch. Tên Trung tá Pu-giê chỉ huy A1 bị bắt sống cùng 120 tên lính Âu Phi với bộ mặt nhem nhuốc ra hàng.

Đúng 4h sáng 7-5-1954, Trung đoàn 174 làm chủ hoàn toàn A1, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn dù số 6 của địch, tuyến phòng thủ khu Đông của địch bị phá vỡ, ta uy hiếp trực tiếp khu trung tâm Mường Thanh.

Sau 10 tiếng lệnh tổng công kích cho toàn mặt trận tấn công toàn bộ Bộ Tham mưu của Tướng Đờ Cát và lũ lượt quân lính ra hàng...

Cuốn hồi ký của Trung tá Pu-giê, chỉ huy A1, có đoạn viết “Tiếng gầm kéo dài vài giây trong lòng đất với âm lượng trầm, đỉnh đồi bị vẹt, vị trí của Đại đội 2 “Emơ” bị mất tăm, quân Việt Nam lọt vào cửa mở, họ chiếm miếng phễu trên đỉnh bên trên chúng tôi, một lúc sau tôi hiểu tình thế”.

Ngày nay, Đồi A1 là tượng đài chiến thắng, biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, là nơi để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đến tham quan, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, là nơi đã viết nên bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc Việt Nam./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com