Nam Định có vùng biển rộng hàng ngàn km2 và có lượng hải sản khá phong phú. Hiện nay, đẩy mạnh đánh bắt cá biển, nhất là đánh bắt xa bờ đang là yêu cầu bức thiết, vừa để phát triển kinh tế nội tại của tỉnh, vừa có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc phòng.
Sau những năm tiến hành đổi mới quản lý, tìm tòi bước đi, đường lối phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường, nghề đánh cá biển ở Nam Định đã từng bước khẳng định lại vị thế của mình. Trong những năm 1996 - 2000 ngành có thuận lợi mới, nhất là việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa ta và Trung Quốc. Đặc biệt qua nhiều vòng đàm phán cấp chính phủ ngày 25/12/2000 Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ, đã mở ra khả năng mới cho ngành thuỷ sản.
Trước năm 1986 khai thác hải sản tồn tại dưới hai hình thức chủ yếu: quốc doanh và HTX.
Các quốc doanh đánh cá được Nhà nước bao cấp hoàn toàn về công cụ, vật tư, lưới sợi, nhiên liệu, lương thưởng...Nhà nước chỉ quy định chỉ tiêu sản phẩm và giá bán sản phẩm. Do chỉ chạy theo sản lượng nên chi phí tàu đánh cá quốc doanh cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Còn các HTX được Nhà nước cho vay vốn để mua sắm tàu thuyền, ngư cụ... sản phẩm bán cho nhà nước theo giá chỉ đạo và nhà nước bán lại nhiên liệu, vật tư theo giá cung cấp. Do trình độ quản lí kém, tinh thần làm chủ của xã viên yếu, tính ỷ lại vào nhà nước... từ đó sản xuất ngày càng sa sút, không trả được nợ, đời sống và thu nhập của xã viên ngày càng giảm và có tư tưởng chán nản, không gắn bó với nghề.
Tàu thuyền của ngư dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản. |
Những năm 1990 - 1991 các cơ sở quốc doanh thực hiện cơ chế khoán nên hiệu quả kinh tế khá hơn nhưng với tài sản cố định lớn, thuế cao, trình độ quản lí thấp nên sản xuất của các cơ sở quốc doanh đã và đang trong tình trạng sa sút. Còn các HTX đến năm 1991 tỉnh đã tổ chức lại sản xuất lấy đơn vị tàu thuyền làm đơn vị kinh tế cơ bản. Phần lớn HTX đấu thầu tư liệu sản xuất cho xã viên, ngư dân tự quản lí và tự chủ trong kế hoạch đánh bắt. Nhờ vậy xã viên gắn bó với nghề, với biển thu nhập ngày càng tăng và bước đầu có tích luỹ. Khai thác thuỷ sản trong thời kì này chủ yếu là đánh bắt ven bờ do quốc doanh và HTX thực hiện. Đánh bắt xa bờ còn rất hạn chế chủ yếu là do quốc doanh đảm nhiệm vì HTX và tư nhân chưa đóng được tàu công suất lớn.
Từ ngày tái lập tỉnh (1997) đến nay, kinh tế Nam Định đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kinh tế biển được xác định là thế mạnh mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Lúc này nghề cá bước đầu được tổ chức lại và phát triển mạnh mẽ ở 3 huyện ven biển Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Nam Định có ngư trường đánh bắt rộng lớn từ Quảng Ninh đến vùng biển Nghệ Tĩnh có trữ lượng lớn, ước tính 644 tấn cá, 3700 - 6000 tấn tôm. Theo tài liệu của Viện Quy hoạch kinh tế, kết quả điều tra 6 bãi tôm chủ yếu của vùng đồng bằng sông Hồng có trữ lượng tôm là 1.594 tấn, khả năng khai thác hơn 574 tấn, trữ lượng mực là 1950 tấn, trong đó mực ống là 1350 tấn, ngư trường Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trên dưới 2000 tấn.
Theo khảo sát ước tính, trữ lượng cá biển Nam Định khoảng 157.500 tấn chiếm khoảng 20% trữ lượng cá trong vịnh Bắc Bộ.
Ven biển Nam Định còn là bãi kiếm mồi của nhiều loại cá tôm, moi ở vịnh và đại dương. Theo kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm khai thác hải sản, mùa vụ đánh bắt được xác định:
Vụ cá Nam bắt đầu từ cuối tháng 4 kết thúc đầu tháng 11, đối tượng thường là đàn cá nổi ven bờ. Vào mùa này, tại cửa Ba Lạt thường đánh được cá mực sò, cá trích bầu, cá liệt, cá chỉ vàng,...
Vụ cá Bắc từ tháng 11 đến đầu tháng 4 năm sau khu vực tập trung cao là từ Tây Bắc đến Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ, với các loài cá nục thuôn, nục sồ, cá bạc má, cá thu, cá ngừ, cá cơm...
Mùa vụ tôm: Vụ Nam từ tháng 5 đến tháng 8 trong vụ này chỉ bắt được tôm nhỏ; Vụ Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Đây là vụ chính sản lượng cao và bắt được tôm lớn.
Nam Định là tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn, đa số lại chỉ khai thác ở ngư trường gần bờ (độ sâu dưới 30m), nên loại tàu có công suất nhỏ (6 - 90CV) là chủ yếu Ngư trường Nam Định còn thường xuyên có các tàu thuyền ngoài vùng đến khai thác như tàu đánh tôm của Hậu Lộc (Thanh Hóa), tàu Quảng Nam Đà Nẵng và tàu thuyền của các tỉnh trong vịnh Bắc Bộ nên trữ lượng cá giảm dần. Trong khi đó, vào những năm đầu 1990 năng suất đánh bắt của bộ phận kinh tế quốc doanh và của các hợp tác xã liên tục thua lỗ và có nguy cơ phá sản.
Sau khi luật HTX ra đời, tính đến thời điểm năm 1997 toàn tỉnh chỉ duy nhất HTX Tân Hải còn tồn tại và hoạt động. Các HTX trước đây đều bị tan rã hoặc tồn tại trên danh nghĩa. Trong vòng 4 năm (1997 - 2000) từ một HTX đã tăng lên 18 HTX trong đó có 15 HTX đi vào hoạt động ổn định.
Năm 2000 sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 23.500 tấn, gấp 2,8 lần sản lượng 1996, tăng 30,8% so với năm 1999. Trong đó sản lượng đánh bắt xa bờ đạt 14.200 tấn.
Sản lượng khai thác cá biển cao nhất là huyện Hải Hậu đạt 10298 tấn chiếm 52,9% sản lượng của cả tỉnh Nam Định; huyện Giao Thuỷ chiếm 24,6% và huyện Nghĩa Hưng chiếm 18%.
đơn vị: tấn
|
1996 |
1997 |
1998 |
1999 |
2000 |
Tổng số |
7635 |
8888 |
12194 |
16868 |
19439 |
Quốc doanh Huyện: Trực Ninh Giao Thuỷ Nghĩa Hưng Hải Hậu |
280
1475 2311 3569 |
250
1800 2688 4150 |
700 127 1464 3700 6203 |
800 128 2300 4500 9090 |
850
3508 4783 10298 |
Sản lượng cá biển khai thác phân theo quận huyện Nguồn: Niên giám thống kê 2000 Nam Định
Nhiều đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ đã từng bước cải tiến kỹ thuật đánh bắt, mở rộng ngư trường, nâng cao năng suất khai thác, tiết kiệm chi phí sản suất, cân đối thu chi, trả nợ cho nhà nước theo kế hoạch. Với định hướng là duy trì có cải tiến nghề khai thác truyền thống, khai thác hợp lý nguồn hải sản, năm 1999 tỉnh đã đạt 17.960 tấn vượt mức kế hoạch tỉnh giao 1460 tấn là sản lượng cao nhất từ trước tới nay bằng 143% so với năm 1998 và gấp hơn 2 lần sản lượng khai thác thời kỳ thịnh vượng nhất khi còn là tỉnh Hà Nam Ninh. Cả 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và xí nghiệp quốc doanh đánh cá Nam Định đều hoàn thành vượt mức kế hoạch khai thác. Huyện Nghĩa Hưng đạt 4.250 tấn bằng 132% kế hoạch, huyện Hải Hậu đơn vị có sản lượng và phương tiện khai thác cao nhất tỉnh đạt 9450 tấn bằng 102% kế hoạch.
Các HTX khai thác thuỷ sản thực sự đã góp phần quan trọng trong việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản, cung cấp sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. 92% đội tàu đánh đánh bắt hải sản xa bờ của tỉnh do các HTX quản lí. Chỉ riêng 15 HTX đánh bắt hải sản hàng năm đã khai thác khoảng 13.000 tấn hải sản chiếm 56% sản lượng khai thác toàn tỉnh doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng. Từ năm 1997 đến 2000, mức tăng trưởng trong khai thác thuỷ sản đạt 19 - 21%. Thông qua hoạt động sản xuất của các đôi tàu đánh bắt hải sản xa bờ, các HTX hàng năm đã nộp cho ngân sách nhà nước từ 6 - 8 tỷ đồng thuế VAT.
Theo: Địa chí Nam Định