Sau ngày đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng kinh tế ở Nam Định chuyển sang thời kì mới. Trong 10 năm kể từ 1976 đến 1985, ngành kinh tế nông nghiệp ở Nam Định gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhờ chính sách bao cấp nên công nghiệp Nam Định nhìn chung vẫn ổn định.
Nhiệm vụ trung tâm của ngành công nghiệp Nam Định vẫn là phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Trong qúa trình thực hiện mục tiêu cơ giới hoá phục vụ nông nghiệp, Nam Định vừa tự phấn đấu đưa nhiều công cuộc sản xuất mới vào sản xuất nông nghiệp, mặt khác được Trung ương hỗ trợ khá lớn. Các loại máy kéo lớn, gồm máy kéo, gặt đập liên hợp... do các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (chủ yếu là của Liên Xô) viện trợ. Trong khi đó công nghiệp địa phương sản xuất chủ yếu các loại máy nhỏ như bơm nước, vận chuyển, cày bừa Bông Sen...
Vào những năm đầu 1975, về căn bản, ngành công nghiệp của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Nam Ninh. Khi Nam Ninh xây dựng thí điểm sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, ngành công nghiệp đã cung cấp 148 máy kéo lớn, 172 máy kéo nhỏ, 457 máy động lực khác, xây dựng được 153 km đường dây điện cao thế, 58 trạm biến thế điện.
Các xí nghiệp trong tỉnh, với hàng chục đơn vị thuộc ngành công nghiệp, sản xuất trong 4 nhóm ngành chủ yếu: dệt may; cơ khí, điện, điện tử; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng.
Dệt may có các đơn vị: Xí nghiệp dệt Dân Sinh, Xí nghiệp dệt nhuộm Sơn Nam, Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi, Xí nghiệp Bông Sợi, Xí nghiệp Thảm len Nam Định, Xí nghiệp Dâu tằm sông Ninh.
Cơ khí: Xí nghiệp cơ khí miền Nam, Nhà máy đóng tàu 1 - 5, Xí nghiệp cơ khí thương binh, Nhà máy động cơ Nam Định, Xí nghiệp cơ khí thuỷ lợi. Ngành cơ khí địa phương gồm các cơ sở sản xuất các phụ tùng nông nghiệp và hàng kim khí tiêu dùng như máy bơm nước, sửa chữa động cơ, sản xuất phụ tùng xe đạp, xe thồ, xe cải tiến.
Vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất gạch ngói, có các đơn vị: gạch Nam An, Xuân Châu, Cầu Mái, Hải Hậu, Xuân Thuỷ, Vụ Bản, Ba Quàn; vật liệu xây dựng Ý Yên, công ty Cung ứng Vật liệu Xây dựng.
Ngành vật liệu xây dựng hầu hết có qui mô nhỏ, vốn ít, sản lượng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Các xí nghiệp gạch Xuân Châu, Cầu Mái, Nghĩa Hưng, Hải Hậu trung bình mỗi đơn vị sản xuất được 3 triệu viên ngói/năm. Xí nghiệp gạch Xuân Thuỷ sản xuất được 4 triệu viên, xí nghiệp vật liệu xây dựng Ý Yên sản xuất được 1,5 triệu viên gạch ngói các loại; xí nghiệp gạch Vụ Bản sản xuất được 2 triệu viên/năm; công ty Cung ứng Vật liệu Xây dựng khai thác cát lòng sông sản xuất khai thác được khoảng 300.000 m3 cát.
Công nghiệp chế biến chủ yếu sản xuất muối, nước mắm, rượu xuất khẩu, bánh kẹo. Cơ sở sản xuất gồm: Nhà máy xay Nam Định, nhà máy thực phẩm 1 - 6, xí nghiệp bánh kẹo Sông Đào, Xí nghiệp thực phẩm Xuân Thuỷ, xí nghiệp ong Xuân Thuỷ, Công ty ong Nam Định..... Các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống cố gắng tận dụng lợi thế về nông nghiệp và kinh tế biển để sản xuất ra các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu. Các cơ sở khác: Xí nghiệp 27 - 7, Xí nghiệp giấy nhựa Nam Định, Xí nghiệp thuỷ tinh Nam Định, Xí nghiệp in Nam Định, Nhà máy nước Nam Định, xí nghiệp may Nam Định...
Ngoài ra công nghiệp Nam Định còn có 278 HTX chuyên nghiệp, 1605 đội và 98 tổ sản xuất cùng hàng ngàn hộ sản xuất trong các đơn vị tiểu thủ công nghiệp.
Nhờ bao cấp của Nhà nước và được sự viện trợ của nước ngoài nên đến những năm đầu thập kỷ 80, một số nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng với kĩ thuật hiện đại (Như xí nghiệp Tôm đông lạnh, Thịt đông lạnh...). Trong thời gian này Nam Định có 59 xí nghiệp quốc doanh, 163 HTX, 1390 tổ hợp tác.
Tổng giá trị công nghiệp vào đầu năm 1976 là 162.146 triệu đồng, trong đó quốc doanh trung ương 72.190 triệu, công nghiệp địa phương 35.138 triệu đồng, khu vực ngoài quốc doanh 54.774 triệu đồng. Năm 1978 ngành công nghiệp địa phương đạt đỉnh cao trong thời kì 10 năm sau chiến tranh.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra và cùng lúc đó, kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu gặp khủng hoảng, ngành công nghiệp Nam Định cũng chịu tác động. Đời sống công nhân, viên chức có khó khăn hơn trước. Để khắc phục tình trạng đó và nhằm phát huy hết công suất hoạt động của máy móc, nhiều doanh nghiệp từng bước tự cân đối sản xuất và tiêu dùng mở rộng sản xuất ngoài kế hoạch. Ngoài phần giao nộp cho nhà nước theo giá chỉ định, các cơ sở này đã dần dần tự thoả thuận, tự cân đối vật tư, tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt ở khu vực ngoài quốc doanh, ngoài phần gia công cho các doanh nghiệp nhà nước, các HTX, tổ sản xuất và tư nhân đã được tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Cơ chế mới này đã cho ngành công nghiệp địa phương có điều kiện khắc phục khó khăn, cải thiện đời sồng người lao động.
Ngành công nghiệp Nam Định đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu việc làm, nhất là khi có hàng vạn quân nhân chuyển ngành, phục viên sau nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường. Điển hình có Nhà máy dệt kim Thắng Lợi là một doanh nghiệp thương binh, bộ đội phục viên, đã không ngừng cải tiến kĩ thuật. Đây là cơ sở sản xuất hàng dệt kim duy nhất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn nhiều cơ sở công nghiệp do thương binh thành lập và bản thân họ tự sản xuất như Xí nghiệp cơ khí thương binh Nam Định, Xí nghiệp cơ khí thương binh Vụ Bản, Xí nghiệp cơ khí thương binh 27-7 Ý Yên.
Nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp ở Nam Định trong những năm cuối thấp kỉ 70 đầu 80 ít biến động, ít được đầu tư và tốc độ tăng trưởng thấp. Dù nhiều đơn vị đã phát huy cao công suất máy móc, những sản phẩm sản xuất ra vẫn nghèo về chủng loại, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của nhân dân địa phương cũng như nhu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cao độ càng gây tâm lí dự trữ, làm cho thị trường càng khan hiếm hàng hoá và điều đó làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống nhân dân.
Theo: Địa chí Nam Định