Di sản văn hóa tiêu biểu thời Trần tại Bảo tàng Nam Định

08:04, 26/04/2012
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu cho sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nội dung, giá trị lịch sử của các tư liệu, hiện vật, tranh ảnh được trưng bày.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu cho sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nội dung, giá trị lịch sử của các tư liệu, hiện vật, tranh ảnh được trưng bày.

Tại Bảo tàng Nam Định, các tài liệu, hiện vật thời Trần được lưu giữ chiếm tới hơn 40% số lượng tài liệu, hiện vật hiện có. Qua các tài liệu, hiện vật thời Trần tại Bảo tàng Nam Định đã khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần. Đó là bản trích “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về nguồn gốc nhà Trần; các bức ảnh về làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng - mảnh đất dấy nghiệp của vương triều Trần, ảnh khu thờ Thủy tổ nhà Trần tại hậu cung đền Thiên Trường, ảnh ngai và bài vị thờ Thái tổ Trần Thừa tại hậu cung đền Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); ngọc phả nhà Trần, ngọc phả đền Vạn Khoảnh... Bên cạnh đó, nhiều hiện vật phản ánh tổng quan hành cung Thiên Trường và căn cứ địa nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Tiêu biểu như bản trích sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về sự kiện đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường (1262), sa bàn quy mô hành cung Thiên Trường, bản trích một số bài thơ ca ngợi vẻ đẹp Thiên Trường (thơ văn Lý - Trần) và ảnh về các di tích: Đền Trần; chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định); đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc thờ Thái sư Trần Thủ Độ; đền Bảo Lộc thờ An Sinh Vương Trần Liễu và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); Đình và Miếu Cao Đài - Thái ấp của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa, bia Phụng Dương công chúa tại thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc); chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) -  không gian của hành cung Đệ Tứ, nơi ở của hoàng hậu, cung phi thời Trần; chùa Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) thờ vua Trần Minh Tông; di tích Ba đồn binh thời Trần (Trực Ninh); đền Liễu Nha, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) - khu nha học thời Trần thờ Khổng Tử; một đoạn sông Vĩnh cổ thời Trần tại xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Các hiện vật tiêu biểu qua quá trình nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Nam Định từ những năm 1970 đến nay gồm ảnh và các bộ sưu tập hiện vật thời Trần: ảnh chụp giếng cổ thời Trần sau chùa Phổ Minh (phát hiện năm 1970), hệ thống đường cống thoát nước sau Đền Trần (phát hiện năm 1979), các phế tích kiến trúc tiêu biểu thời Trần tại 3 hố khai quật giáp đền Trùng Hoa năm 2006 gồm móng trụ, bồn hoa, tường kè, đường gạch hoa chanh và hàng loạt các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu thời Trần gồm vật liệu xây dựng (các loại gạch hoa cúc, hoa thị, hoa chanh, gạch chữ nhật; các loại ngói mũi sen kép, mũi sen đơn, ngói mũi tròn, ngói mũi nhọn…), sưu tập vật liệu trang trí kiến trúc (như đầu rồng, phượng, lá đề lệch, cân, tượng uyên ương, đầu đao, mô hình nhà, đỉnh, mặt hổ phù…) và bộ sưu tập gốm men, gốm sành mịn, gốm sành thô… Nổi bật trong số các tài liệu, hiện vật thời Trần được lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định là các hiện vật khảo cổ học được tìm thấy quanh khu vực Đền Trần - Chùa Tháp. Nhiều năm qua, qua khai quật tại khu vực chùa Phổ Minh, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn di vật. Những sử liệu vật chất đó giúp các nhà chuyên môn xác định được vị trí cụ thể trong không gian rộng lớn của hệ thống cung điện xưa. Hiện vật tìm được tại di tích giếng cổ ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) năm 1970, được xây dựng với các nguyên liệu, gồm sỏi, bao nung đồ sứ và lon sành. Trước khi phát hiện ra giếng cổ, người ta tìm thấy ở đây một viên gạch hoa vuông và hai mảnh ngói lưu ly mũi hài tráng men xanh trên là những vật liệu kiến trúc khu cung điện nhà Trần xưa. Các vật liệu kiến trúc nằm chung trong một tầng văn hóa dày khoảng từ 40 đến 50cm, phân bố phổ biến ở thôn Tức Mặc và các thôn có quan hệ tới các cung điện nhà Trần như: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đông Mạc, Phù Nghĩa… loại hiện vật tiêu biểu nữa là nền sân gạch hoa cúc dây thời Trần được phát hiện vào các năm 1979 và 2006 tại chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) còn tương đối nguyên vẹn. Ngoài hệ thống các sân gạch hoa, nơi đây còn phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc nguyên vẹn như hệ thống móng vỉa, bậc tam cấp, hàng cột trụ, móng chân cột... Qua đó khẳng định, khu di tích chùa Đệ Tứ ngày nay vốn nằm trên không gian cũ của những công trình kiến trúc cổ cách đây hơn 700 năm. Căn cứ vào hệ thống di vật thì đây hẳn là những công trình kiến trúc rất bề thế, là bằng chứng sinh động khẳng định nơi đây vốn là cung của các hoàng hậu, cung phi thời Trần ở. Các dấu tích kiến trúc và di vật khảo cổ này hiện tại đang được lưu giữ tại kho bảo quản Bảo tàng Nam Định, là một trong những cứ liệu quan trọng góp phần tìm hiểu về hành cung Thiên Trường - kinh đô thứ 2 của nước Đại Việt thế kỷ XIII-XIV. Ngoài các hiện vật tiêu biểu thời Trần được lựa chọn trưng bày trong nhà, Bảo tàng Nam Định còn xây dựng một khu trưng bày ngoài trời để giới thiệu với người xem các hiện vật tham khảo thu được qua các cuộc khai quật khảo cổ học tại các di tích Trần ở Nam Định nhằm giúp người xem thấy được sự phong phú, đa dạng và quy mô của các di vật thời Trần.

Qua nội dung trưng bày tại Bảo tàng Nam Định đã giúp công chúng thấy được một giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước trong tiến trình lịch sử của dân tộc với vùng đất Thiên Trường, thấy được tầm nhìn chiến lược của các vua Trần đối với mảnh đất Thiên Trường - một trung tâm quyền lực chính trị, văn hóa, một vùng hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần. Những hiện vật còn phản ánh nghề thủ công truyền thống, trình độ thẩm mỹ, những quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng thời Trần. Hướng tới lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, việc trưng bày di sản thời Trần tại Bảo tàng Nam Định đã cung cấp những hình ảnh trực quan sinh động nhất giúp công chúng hiểu được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó cũng là nền tảng lịch sử văn hoá để phát triển Nam Định trở thành một trong 3 thành phố lớn của miền Bắc vào đầu thế kỷ XX và đang phấn đấu trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com