Nông nghiệp những năm đổi mới (1986-2000)

02:04, 12/04/2012

Từ khoán 100 -  khoán sản phẩm đến nhóm, hộ xã viên, kinh tế Nam Định được phục hồi một bước. Nhưng cũng như các địa phương khác, vào những năm 1985 đến 1987, khoán 100 đã bộc lộ những hạn chế của nó. Trong các đơn vị sản xuất tập thể của Nam Định, thời kì này người sản xuất chỉ nhận được khoảng từ 20 đến 30% tổng số sản lượng lương thực.

Năm 1988, khoán 10 ra đời. Ngay khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ địa phương đã nhanh chóng triển khai thực hiện khoán 10. Từ giữa năm 1988, các cơ sở đều tiến hành xây dựng đề án sắp xếp lại sản xuất, cải tiến khoán đến từng hộ, tổ chức đại hội xã viên và kiện toàn lại bộ máy quản lý HTX theo hướng sản xuất mới. Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ (Hà Nam Ninh cũ), sau hơn 5 tháng triển khai đã có 96% số HTX xây dựng xong phương án khoán.

Theo đúng tinh thần của khoán 10, trong năm 1988 hầu hết ruộng đất, ao hồ trong tỉnh đã giao khoán cho hộ xã viên. Một số diện tích đất rừng, đất bồi ven biển, ruộng bỏ hóa của nông trường cũng đã được giao tới người sản xuất. Thời gian khoán và năng xuất khoán ổn định trong 10 năm. Các HTX đều tiến hành phương thức giao ruộng theo 2 vòng: vòng 1 chia 40 - 70% diện tích theo nhân khẩu để đảm bảo lương thực, vòng 2 phổ biến là giao bình quân cho lao động, có xem xét giao ít hoặc không giao cho những hộ khê đọng sản phẩm. Các HTX còn tiến hành hoá giá trâu, bò (đến hết tháng 9/1988 đã có 98,5% số HTX trong tỉnh chuyển, bán đàn trâu, bò cày kéo cho hộ và nhóm hộ xã viên), thanh lý chuồng trại, nhà kho, sân phơi, bán hoặc đấu thầu máy móc nhỏ (máy nghiền thức ăn gia súc, máy xay xát) không còn thích hợp với cơ chế mới.

Đầu những năm 1990, các địa phương tổ chức thực hiện “Đổi mới tổ chức, quản lý HTX nông nghiệp”. Đến tháng 4 - 1992, 291 HTX (bằng 60,5% tổng số HTX ) đã thực hiện đổi mới. Trong đó, huyện Vụ Bản đạt trên 80%, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường đạt 100%.

Chỉ một năm sau khi Quốc hội ban hành Luật đất đai, năm 1994 Nam Định đã hoàn thành việc thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài và tiến hành cấp giấy chứng nhận cho cá nhân và hộ gia đình. Thực hiện  quyền sử dụng đất đai theo Luật đất đai năm 1993 nông dân nhiều nơi đã chuyển nhượng sử dụng đất khá phổ biến kể từ năm 1997.

Thực hiện Luật HTX, các HTX trong tỉnh đã chuyển đổi sang làm nhiệm vụ dịch vụ sản xuất cho các hộ. Tỉnh xác định nguyên tắc kinh tế mới là: kinh tế hộ tự chủ, HTX  tự chủ. Đến năm 2000 có 317 HTX trong tỉnh đã chuyển đổi theo luật trong đó 225 HTX được cấp đăng ký kinh doanh.

Sau khi có khoán 10, hộ là đơn vị kinh tế sản xuất, kinh doanh tự chủ. Quá trình xác lập vai trò kinh tế hộ gia đình ở Nam Định từ năm 1988 trở đi gắn chặt với quá trình xây dựng mô hình hợp tác xã mới, mà điều mấu chốt là các hợp tác xã phải tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Năm 2000, diện tích tự nhiên của tỉnh là 163.740,3 ha (giảm khoảng 4 vạn ha so với năm 1995), đứng thứ 11 so với các tỉnh khác trong cả nước. Trung bình mỗi huyện có 16.374 ha. Huyện có diện tích lớn nhất là Nghĩa Hưng (25.048 ha), nhỏ nhất là thành phố Nam Định (4.635 ha ).

Đất nông nghiệp chiếm 106.662,2 ha (tăng khoảng 1000 ha so với 1985), chiếm 65,141% diện tính đất tự nhiên, phân bố khắp 10 huyện và thành phố, những nơi có diện tích cao nhất là Ý Yên và Hải Hậu, Nghĩa Hưng (trên dưới 15.000 ha), thấp nhất thuộc thành phố Nam Định và Mĩ Lộc (2.5000 đến 5.000 ha). Các huyện khác trung bình khoảng 10.000 ha.

Diện tích trồng lúa chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu đất nông nghiệp nói riêng và so với tổng diện tích đất tự nhiên nói chung. Trong 2 thập kỉ cuối thế kỉ XX, diện tích đất trồng lúa của Nam Định chiếm từ 50 đến 55% tổng diện tích đất tự nhiên và chiếm từ 80 đến 85% tổng số đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm cuối thập kỉ 90, diện tích đất trồng lúa có xu hướng thu hẹp lại. Đến năm 2000, đất nông nghiệp của tỉnh có 106.662,2 ha, trong đó có 88.431,2 ha thuộc đất trồng lúa.  Các huyện có diện tích trồng lúa nhiều nhất là Ý Yên (gần 27.887 ha/năm), Hải Hậu (22.458 ha/năm), Nghĩa Hưng (21.393 ha/năm), Nam Trực (18.555 ha/năm). Vùng có ít diện tích trồng lúa là thành phố Nam Định (3.629 ha/năm), Mỹ Lộc (8.484 ha/năm). Khu vực quốc doanh có 1.877 ha chủ yếu diện tích thuộc các trại giống, nông trường Bạch Long và Rạng Đông.

Đất dùng vào lâm nghiệp có 4.723,1 ha (tăng hơn 1.000 ha so với năm 1995). Diện tích đất lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển.

Theo điều tra của Cục Thống kê Nam Định, dân số của tỉnh vào năm 2000 có 1.914.836 người, mật độ 1.169 người/km2 . Địa bàn có dân số đông nhất là Hải Hậu (282.666 người), rồi đến Ý Yên (239.209 người) và thành phố Nam Định (231.851 người). Địa bàn có dân số ít là Mỹ Lộc (67.349 người), Vụ Bản (128.836 người) và Xuân Trường (176.125 người). Mật độ dân số đông nhất thuộc thành phố Nam Định (5.002 người/km2), tiếp đến Xuân Trường (1.560 người/ km2), Trực Ninh (1.333 người/km2). Huyện có mật độ dân số thưa nhất là Nghĩa Hưng (796 người/km2, Giao Thuỷ (854 người/km2) và Vụ Bản (872 người/km2 ).

Dân số ở vùng nông thôn toàn tỉnh có 1.675.688 người (chiếm 87,51% dân số toàn tỉnh), dân số vùng thành thị có 239.148 người (12,49%), trong đó ở thành phố Nam Định chiếm 69,34% dân số vùng thành thị của toàn tỉnh.

Lực lượng lao động trong nông nghiệp - lâm nghiệp đông nhất, có 721.843 người (tăng gần 1 vạn người so với năm 1995). Trong lực lượng lao động nông nghiệp, có khoảng 1 vạn người không thuộc khu vực kinh tế do địa phương quản lí. Tuỳ vào diện tích canh tác, dân số và nghề nghiệp từng vùng, nên phân bố lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp không đều. Vào năm 1997, lực lượng lao động nông nghiệp tập trung đông nhất ở các huyện Ý Yên (103.000 người), Giao Thuỷ (99.400 người), Nghĩa Hưng 84.800 người). Trong khi đó ở thành phố Nam Định chỉ có gần 16.000 người lao động nông nghiệp, Mỹ Lộc có 29.300 người. Các huyện còn lại trung bình khoảng 70.000 người lao động nông nghiệp.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com