Nghệ thuật múa rối nước

04:04, 12/04/2012

Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, bên cạnh những giá trị di sản văn hoá phi vật thể, tỉnh ta là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trong đó có loại hình nghệ thuật rối nước. Hiện nay, tỉnh ta có 3 phường múa rối nước là: Nam Giang, Nam Chấn (Nam Trực) và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) với nhiều tiết mục múa rối nước đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Phường rối nước Nghĩa Trung dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đến nay đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả. Với những tích trò đặc sắc và sự tài hoa của các nghệ sĩ, phường rối nước Nghĩa Trung luôn có suất diễn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và là một trong 15 phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ khách tham quan du lịch. Ngoài việc chọn lọc và tập theo các tích trò cổ, các nghệ nhân trong phường còn sáng tạo được một số trò mới liên quan đến đời sống đương đại. Phần âm nhạc thì sử dụng làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời. Con rối của phường cũng có một vài điểm khác, chẳng hạn sư tử của các phường khác chỉ có phần đầu, nhưng ở phường rối nước Nghĩa Trung có cả thân, vì vậy khi điều khiển cần phải khéo léo hơn. Các nghệ nhân của phường rối nước Nghĩa Trung đều xuất thân là nông dân và được các thế hệ đi trước trong phường truyền dạy. Tuy trình độ biểu diễn không điêu luyện bằng các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng họ lại có một sức hấp dẫn riêng. Đó chính là sự mộc mạc, hồn nhiên, là cách diễn chân chất mang hơi thở đồng ruộng, được du khách, nhất là du khách nước ngoài trân trọng. Tiêu biểu là các tiết mục: “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Rồng thiêng đất Việt”, “Vợ chồng ông chài”, “Chàng câu ếch”, “Múa tứ linh”, “Hát chầu văn”, “Hoa bướm”, “Lời ru của mẹ”.

Phường rối nước Nam Chấn được thành lập khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Gắn liền với nền văn hóa lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Đồng hành cùng thời gian, người Nam Chấn góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc. Nghệ thuật rối nước phường Nam Chấn đã có mặt trên mọi miền đất nước và quốc tế, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc. Nét độc đáo của quân rối Nam Chấn là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: Tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau 5 ngày. Cuối cùng là gọt rũa, đánh bóng và trang trí. Thông thường, quân rối nước gồm 2 phần, phần thân nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi, đồng thời là nơi lắp máy điều khiển. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi quân rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng. Trước đây với sân khấu lớn, người nghệ sỹ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển con rối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Giờ đây, với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, người nghệ sỹ có thể ngồi trên sàn và cùng lúc điều khiển đến 5 con rối. Trong nghệ thuật múa rối nước, Nam Chấn cũng là phường rối có nhiều tích trò, với hơn 40 trò cổ, phản ánh sinh động về cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu như các tiết mục: Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân Nam Chấn được mời sang Pháp biểu diễn.

Với những tiết mục có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật biểu diễn, kỹ thuật tạo hình con rối, các phường rối nước tỉnh ta đã góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước độc đáo của dân tộc./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com