Nghệ thuật hát rối đầu gỗ

08:04, 21/04/2012

Nghệ thuật hát rối đầu gỗ (còn có tên cổ “ổi lỗi”) tại chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh về chùa Đại Bi tu hành truyền dạy cho người dân nơi đây là một nghi lễ thờ cúng với những lời hát, múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, đời sống ấm no, yêu lao động của nhân dân. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý… “Nhân vật chính” của nghệ thuật hát rối đầu gỗ là sáu đầu tượng cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, vẽ mặt rất đẹp gọi là “sáu ông Lộng”. Mỗi đầu tượng có hình đầu người rỗng, có cán cầm tay ở gáy tượng, dài khoảng 40cm, đường kính lòng 30cm, nặng khoảng 3kg/đầu. Sáu đầu tượng gồm hai đầu tượng “chúa Lộng” có mặt đỏ, miệng rộng có râu ria (thôn Vân Chàng cầm múa); hai tượng “cóc vàng” mặt màu hồng nhạt (thôn Giáp Tư cầm múa) và hai pho tượng “Tùy trắng” mặt trắng, có mũi rất to, miệng rất rộng (do người của thôn Giáp Tư cầm múa). Sáu đầu tượng nhỏ hơn làm bằng gỗ đặc, dài khoảng 30cm, nặng khoảng 1kg/tượng, gồm: Hai pho tượng Tiên, tượng Chàng, tượng Hậu (tượng Nàng Ruông), tượng ông Mách (nhân vật dẫn chuyện) và tượng ông Chớp. Những tượng này đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung tươi tỉnh. Mỗi một loại tượng đều có bài múa và hát kèm theo (múa hát Dâng Chàng, Dâng Tiên...).

Nhạc cụ của buổi trình có bộ gõ, gồm 2 cái mõ làm bằng gốc tre; 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không phải bằng dùi); 2 trống cơm; 2 thanh la; 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu; 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói dùng để gõ theo trống cái. Khi hát thì có hai người hát (phải khoanh tay mà hát). Tuy chỉ có một bộ gõ, nhưng tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú. Quân rối của trò ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn, các cụ phường rối phải mặc trang phục áo the, khăn xếp, thắp hương cúng lễ. “Áo mặc” cho “Thánh tượng” gọi là “The”, phủ từ cổ tượng trở xuống, che hết tay người cầm. Khi biểu diễn, các cụ mắc tấm màn che vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa, người cầm rối múa, hát, gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn đó, mặt quay về phía ban thờ Phật và ban thờ đức thánh Từ Đạo Hạnh (gọi là múa rối hầu thánh, mục đích là để “thánh xem”). Người múa cầm các quân rối giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che (gọi là “dàn”), múa từ trái sang phải.

Hiện nay, phường hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi có trên 50 hội viên ở 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư với 3 ông trùm đại diện quản lý các thành viên trong thôn. Lễ hội chùa Đại Bi diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm), thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia để tỏ lòng thành kính hướng tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh, đồng thời được thưởng thức một loại hình nghệ thuật độc mang đặc trưng riêng biệt của mảnh đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com