Từ đầu thế kỷ 19, nghệ thuật hát chèo ở tỉnh ta phát triển với các mô hình: chiếu chèo, gánh chèo, đội chèo, làng chèo. Trong đó, tại các làng chèo An Lại Hạ, xã Yên Nhân, Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong (Ý Yên); Hoành Nhị, xã Giao Hà, Kiên Hành, xã Giao Hải, Duyên Thọ, xã Giao Nhân (Giao Thủy); làng Đặng, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc)… những đội chèo, gánh chèo do các gia đình hoặc dòng tộc thành lập đã vượt qua “cổng làng” để biểu diễn phục vụ mưu sinh, phục vụ các lễ hội, đình đám, mừng thọ. Thời kỳ này, các hoạt cảnh, các tiết mục chèo của các gánh chèo được xây dựng từ các tích cổ và do các nam diễn viên đảm nhận với lối diễn “kép đóng đào” (nam đóng vai nữ). Trong nghệ thuật hát chèo ở tỉnh ta, hiện có gần 50 làn điệu chèo cổ, tiêu biểu là: Sắp cổ phong, luyện năm cung, đường trường thu không, đào liễu, chinh phụ, xuông hời. Theo thông lệ, vào các dịp lễ hội, các gánh chèo mở hội thi tài với ý nghĩa tưởng nhớ các vị tổ nghề, thành hoàng làng, các vị danh nhân, anh hùng dân tộc có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống xâm lược. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần cao đẹp của cộng đồng ở các địa phương từ bao đời nay.
Một buổi sinh hoạt CLB chèo xã Giao Thanh tại chùa Thanh Quang. Ảnh: Khánh Ngọc |
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều thành lập các đội văn nghệ quần chúng, trong đó, nghệ thuật chèo và các nghệ nhân, diễn viên từ các gánh chèo là hạt nhân mang lời ca, tiếng hát động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương. Ngoài các trích đoạn chèo cổ, các đội văn nghệ còn tự dàn dựng, biên kịch các vở kịch có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng dân tộc, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động. Các vở diễn do đội văn nghệ quần chúng các địa phương “tự biên, tự diễn” được các chiến sỹ và nhân dân trong vùng yêu thích, trân trọng. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, vào thời kỳ bao cấp, các chiếu chèo miền Bắc nói chung cũng như nghệ thuật hát chèo ở tỉnh ta nói riêng bị chững lại, nhiều đội chèo giải thể, mai một. Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nghệ thuật hát chèo ở tỉnh ta đã từng bước được khôi phục và phát triển. Hiện nay, tỉnh ta có hàng trăm tốp, đội văn nghệ quần chúng phát triển ở nhiều xã, thị trấn; trong đó có hơn 100 đội chèo truyền thống hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Tuy không được cấp kinh phí duy trì hoạt động nhưng các đội chèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm hỗ trợ bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: Tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo, phổ biến các đội chèo, các tiết mục chèo đặc sắc trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. CLB nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên là một điển hình. CLB ra đời là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật chèo, ca trù với hơn 30 nghệ sĩ đồng quê là hạt nhân trong các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Bằng tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống, họ tự viết kịch bản, tự biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương. Đồng thời tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực.
Từ nhiều năm nay, ngành VH và TT các huyện Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Tại các đất chèo cổ, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Không ít “đội chèo gia đình” với sự tham gia của 3 thế hệ hoặc “đội chèo họ tộc” ngày càng khởi sắc. Đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện kết quả tích cực về công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân./.
Việt Thắng