Cơ cấu kinh tế nông nghiệp

08:04, 19/04/2012

Nếu như ở thời kì trước, nhất là trong những năm bao cấp, ngành nông nghiệp có vốn đầu tư ít và đầu tư của nhà nước chủ yếu vào ngành công nghiệp, thì trong thời gian qua, phương hướng đầu tư đã có thay đổi lớn. Trong những năm cuối thế kỉ XX, ngành nông nghiệp ở Nam Định được ưu tiên cấp vốn đầu tư. Năm 2000, vốn đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung nhiều nhất vào địa bàn trung tâm kinh tế của tỉnh là thành phố Nam Định. Dù vốn đầu tư cơ bản vào Thành phố năm 2000 thấp hơn năm 1995, 1997 và 1999, nhưng vẫn đạt 209914 triệu đồng, chiếm 30,22% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho toàn tỉnh; sau đó đến các huyện Hải Hậu (56.673 triệu), Ý Yên (43.404 triệu), các huyện còn lại như sau: Vụ Bản (33.064 triệu), Mĩ Lộc (25.687 triệu), Nam Trực (27.497 triệu), Trực Ninh (13.885 triệu), Xuân Trường (34.864 triệu), Giao Thuỷ (16.995 triệu), Nghĩa Hưng (38.334 triệu).

Sự thay đổi về hướng đầu tư có tác động trực tiếp đến tiến trình phát triển của nông nghiệp Nam Định.

Đất trồng cây lâu năm có 64 ha, chủ yếu trồng chè xanh, dừa, vườn cây ươm giống. Đất vườn tạp gần 7.400 ha, tập trung chủ yếu trồng cây ăn quả, tre, mây, rau đậu, cây có bột, dâu tằm. Đất cây chuyên màu, cây công nghiệp, đất chuyên rau và cây hàng năm khác có hơn 26000 ha. Các cây trồng chủ yếu trên loại đất này gồm lạc, đậu tương, đay, vừng, thuốc lào; các cây màu lương thực như ngô, khoai lang cùng các loại rau màu khác như su hào, cải bắp, súp lơ, khoai tây, cà chua, hành tỏi. Trước đây loại đất này thường nằm trên cồn cát cao, bãi bồi ven biển và trong khuôn viên vườn tược của từng gia đình. Nhưng cùng với sự bùng nổ của dân số và sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các loại cây rau màu đã tiến dần xuống vùng trồng lúa.

Vùng nuôi trồng thuỷ sản hơn 8.100 ha và khu vực này có tiềm năng kinh tế rất lớn của Nam Định. Khu vực này bao gồm các hồ ao xen lẫn trong quần thể cư dân, từng nổi tiếng ở châu thổ sông Hồng với ao tự nhiên hoặc các hào ven sông, ven đê và các vùng đất ngập mặn ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Ngoài ra trên diện tích ngập nước của Cồn Lu, Cồn Ngạn còn trồng rừng phòng hộ có nhiều động vật quí hiếm. 

Đất chưa sử dụng ở cả 10 huyện và thành phố có số lượng và tỷ lệ khác nhau. Một số nơi có diện tích này rất thấp như thành phố Nam Định (trên 300 ha), hoặc huyện Mĩ Lộc (550 ha), Xuân Trường (700ha). Trong khi đó có những huyện có diện tích đất chưa sử dụng rất lớn như Nghĩa Hưng (9700 ha), Giao Thuỷ (8900 ha). Các địa phương còn lại có diện tích đất chưa sử dụng từ 1000 đến 2000 ha.

Vùng biển hải phận rộng 8000 km2. Vùng bồi hàng năm lấn ra biển từ 100 đến 120 m. Hai đầu vùng biển phía Bắc và Nam có hai bãi bồi lớn, với diện tích rộng 1500 đến 2000 ha, có thể chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp.

Riêng các bãi bồi bờ nam cửa Ba Lạt, bãi bồi cửa Lạch Giang và bãi bồi cửa sông Đáy đã có diện tích ngập mặn 22.700ha. Trong đó có 9.000 ha có khả năng đưa vào canh tác nuôi trồng.

Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp bao gồm 3 bộ phận: trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành của ngành đến năm 2000 đạt 3.370.088 triệu đồng. Năm 2000, tỷ lệ giá trị sản xuất của ngành trồng trọt có giảm trong cơ cấu chung của ngành nông nghiệp so với năm 1996, nhưng trồng trọt vẫn giữ vị trí then chốt trong nông nghiệp, với giá trị sản xuất đạt 2.538.700 triệu (chiếm 75,3%). Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt 708.445 triệu, tăng tuyệt đối so với năm 1996 (569.731 triệu), nhưng tỷ trọng trong cơ cấu của ngành chăn nuôi trong cơ cấu chung không đổi, vẫn ở mức 21%. Ngành dịch vụ tăng nhanh, đạt 122.943 triệu, gấp 5 lần so với năm 1996 và chiếm 3,7% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Giá trị sản xuất của trồng trọt - ngành chủ công của nông nghiệp -  được cấu thành từ các nhóm: lương thực (chủ yếu là lúa); cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả - rau - đậu và gia vị, cây có củ, sản phẩm phụ trồng trọt. Trong nhóm này, giá trị sản xuất của lúa cao nhất. Tính theo giá hiện hành, giá trị sản xuất lúa năm 2000 đạt 1882955 triệu đồng, tăng khoảng 200.000 triệu so với năm 1996, chiếm 74,17% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Xếp thứ hai sau lúa là rau -  đâu -  gia vị (đạt 191813 triệu) và  cây ăn quả (129.269 triệu).

Chăn nuôi chủ yếu có 2 bộ phận là chăn nuôi gia súc và gia cầm. Giá trị sản xuất của chăn nuôi gia súc đạt 409.437 triệu đồng, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 1996, chiếm 57,79% tổng giá trị toàn ngành chăn nuôi. Đàn gia cầm đạt 124.621 triệu đồng.

Từ đổi mới đến nay, nông nghiệp Nam Định mới khởi sắc thực sự và bắt đầu phát triển toàn diện. Trong vòng 15 năm, một mặt đã xoá được một cách căn bản sự khác biệt về điều kiện canh tác giữa các vùng Bắc và Nam tỉnh, nhưng mặt khác, lại tạo ra nhiều vùng chuyên.

Vùng chuyên thực chất là tiểu vùng kinh tế, nơi tập trung một ngành sản xuất hay kinh doanh nào đó. Dưới tác động của kinh tế thị trường cùng với tính năng động của các hộ, các HTX, các vùng chuyên trong vùng trọng điểm nông nghiệp ở Nam Định xuất hiện ngày càng nhiều và càng đa dạng.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com