30 năm xây dựng mô hình hợp tác hóa - tập thể hóa (1955 - 1985)

07:04, 10/04/2012

Sau ngày Nam Định được giải phóng đến trước thời kì đổi mới, nông nghiệp Nam Định trải qua 30 năm khôi phục, cải tạo và xây dựng mô hình hợp tác hoá - tập thể hoá. Kinh tế nông nghiệp có nhiều biến đổi thể hiện trên các mặt.

Trong vòng 30 năm từ 1955 đến 1985, diện tích trồng cây lương thực của Nam Định thay đổi khoảng 15.000 ha, theo hướng giảm dần. Năm 1955, diện tích trồng lương thực của tỉnh đạt 169.149 ha, năm 1960 có 163.522 ha, năm 1967 có 150.698 ha, năm 1975 có 152.604 ha. Đến năm 1984, tổng số diện tích canh tác lương thực của các huyện thuộc Nam Định có 151.534 ha và năm 1985 có 154.934 ha. 

Diện tích trồng lúa cả năm của tỉnh vào năm 1955 có 162.976 ha, năm 1959 có 157.325ha, năm 1965 có 134.351 ha, năm 1975 có 141.980 và đến năm 1985 các huyện thuộc địa bàn Nam Định trồng 142.847 ha lúa.

Đất màu trồng 4 loại cây chủ yếu là ngô, khoai, sắn và đậu. Trong những năm 1955 đến 1960, diện tích trồng màu có khoảng 4.000 đến 5.000 ha. Trong những năm 1960 đến 1975, diện tích trồng màu của tỉnh tăng lên gấp đôi, khoảng 10.000 ha. Đến năm 1985, diện tích trồng màu lên 12.087 ha. Vùng màu tập trung ở Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ và Ý Yên.

Đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp . Ảnh: Internet
Đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp . Ảnh: Internet

Cải cách ruộng đất ở Nam Định được tiến hành từ Hải Lộc, Hải Phúc (Hải Hậu) vào ngày 18 tháng 12 năm 1955. Tổng số hộ địa chủ qui trong cải cách ruộng đất có 9.388 hộ, đã qui sai 4.925 hộ (gồm 1.138 hộ phú nông, 3.050 hộ trung nông, 34 hộ bần cố nông).  Sau khi sửa sai, các hộ bị qui sai đã được đền bù lại 1.694 mẫu, 5 thước.

Đến tháng 9 năm 1956, cải cách ruộng đất được tiến hành trong 249 xã và đã tịch thu, trưng thu, trưng mua gần 23.000 mẫu ruộng của địa chủ chia cho nông dân.

Cải cách ruộng đất đã xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời ở nông thôn, đồng thời xoá bỏ tận gốc quan hệ kinh tế thuộc địa -  phong kiến từng tồn tại gần 100 năm trên đất Nam Định. Cải cách ruộng đất đã giải phóng sức sản xuất đã tạo điều kiện cho kinh tế hộ nông dân có điều kiện phát triển. Đây là cuộc cách mạng kinh tế - xã hội chưa từng có trong lịch sử địa phương.

Khi ruộng đất đã thực sự về với dân cày thì nông dân mới thực sự làm chủ nông thôn. Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.

Sau cải cách ruộng đất, từ năm 1958 Nam Định bắt đầu tiến hành thí điểm xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp. Về phương thức sản xuất, đó là quá trình xoá bỏ kinh tế cá thể, xác lập sở hữu tập thể về ruộng đất.

Tháng 4/1958 Tỉnh ủy quyết định chỉ đạo xây dựng thí điểm 2 HTX nông nghiệp ở hai xã Yên Tiến (Ý Yên) và Nam Mỹ (Nam Trực). Ngày 1/7/1958 HTX nông nghiệp Đông Hưng thuộc thôn Thượng Đồng xã Yên Tiến (Ý Yên) được thành lập. Đồng thời ở Nam Trực cũng thành lập HTX nông nghiệp Đồng Ích gồm 9 hộ. Đây là 2 HTX đầu tiên của tỉnh. Năm 1958 các huyện và ngoại thành Nam Định tiếp tục xây dựng thí điểm 13 HTX  nông nghiệp khác.

Trong 2 năm 1959 - 1960 toàn tỉnh xây dựng được 2537 HTX gồm 174.175 hộ (đạt 88,11% số hộ) trong đó có 22.679 hộ giáo dân. Hơn 80% diện tích đất canh tác trâu bò, cầy bừa và các công cụ khác được đưa vào sản xuất tập thể. Đến cuối 1958 có 113.925 hộ nông dân vào tổ đổi công đạt 61,2% trong đó 32% là tổ đổi công thường xuyên .

Nghề đánh bắt cá của ngư dân Nam Định cũng bắt đầu được tổ chức vào sản xuất tập thể với qui mô vừa phải. Đến giữa năm 1958, toàn tỉnh có 967 thuyền mảng, 26.885 lưới và đã có 223 tổ sản xuất, đánh bắt được 4.755 tấn cá các loại. Cuối 1960, tỉnh có 25 HTX đánh cá.

Trong ngành muối, ngay sau khi tiếp quản Nam Định, Nhà nước đã tạo điều kiện cho hộ diêm nghiệp khôi phục nghề sản xuất muối truyền thống. Giữa năm 1958, có tổng số 1278 hộ làm muối trong 190 tổ sản xuất và  đã sản xuất được 20980 tấn muối. Đầu năm 1959, HTX làm muối đầu tiên được thành lập tại Xuân Hoà, Hải Đông, Hải Hậu với 39 hộ. Cuối năm 1960, ngành muối đã xây dựng 42 HTX gồm 2554 hộ, chiếm hơn 80% tổng số diêm dân.

Qui mô tổ chức nhỏ (HTX nông nghiệp có qui mô xóm); HTX đánh cá, làm muối qui mô khoảng 40 - 50 hộ và với phương thức phân phối (xã viên vẫn được nhận số hoa lợi của mình) khá phù hợp với điều kiện lúc đó, cho nên phong trào tập thể hoá ở Nam Định trong thời gian này đã phát huy sức mạnh cộng đồng của nông dân trong công cuộc làm thuỷ lợi, cải tạo ruộng đồng, cải tiến kĩ thuật canh tác, thâm canh tăng vụ... để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Từ sau năm 1960, các hộ sản xuất cá thể trong nông nghiệp tiếp tục vào sản xuất tập thể. Từ năm 1960 đến năm 1985, lịch sử sản xuất nông nghiệp Nam Định gắn liền với phong trào tập thể hoá.

Sau năm 1975, một số địa phương ở Nam Định cùng một số tỉnh khác được chọn làm địa bàn tổ chức sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Nam Định là một trong những địa bàn xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp có qui mô lớn nhất miền Bắc. Từ đấy qui mô HTX được đẩy lên đỉnh cao. Trung bình mỗi đơn vị có khoảng 500 héc ta canh tác. HTX Đồng Sơn (huyện Nam Trực) thực hiện thí điểm quy mô lớn, trên 1000 ha.

Lịch sử công cuộc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp suốt mấy chục năm ở Nam Định gắn chặt với tiến trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Những thành tựu đã đạt được của địa phương trong mấy chục năm xây dựng HTX là vô cùng to lớn. Năng suất và sản lượng lúa cao gấp khoảng 3 lần so với thời kì trước tập thể hoá; cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn được cải thiện. Chính sức mạnh của phong trào tập thể hoá đã góp phần quyết định trong việc khắc phục hậu quả khắc nghiệt của thiên tai cũng như hậu quả khốc liệt của cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mĩ.

Mặt khác, mô hình tập thể hoá của thời kì này không phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của kinh tế. Các hạn chế vốn có từ trước của phong trào sản xuất tập thể bộc lộ rõ trong thời bình, nhất là khi mở rộng qui mô HTX ra toàn xã và liên xã. Hơn thế nữa, chính sách bao cấp cho sản xuất nông nghiệp không còn, nên sản xuất nông nghiệp - HTX, ở Nam Định cũng như các địa phương khác trong phạm vi cả nước rơi vào khủng hoảng.

Từ năm 1981 trở đi, các HTX của Nam Định thực hiện khoán 100, khắc phục một phần những hạn chế của cơ chế quản lý cũ, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, những đổi mới bước đầu này chưa đủ khả năng tạo ra những đổi mới căn bản trong cơ chế quản lý kinh tế cũng như trong mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Về cơ bản, trong những năm 1955 - 1985, kinh tế Nam Định chưa thoát khỏi tính thuần nông, do đó lương thực bình quân tính theo đầu người vẫn là một chỉ số căn bản đánh giá kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế cả tỉnh nói chung.

Từ khi đưa nông dân vào sản xuất tập thể, lương thực bình quân đầu người giảm, bởi có một nhân tố khách quan là dân số trong tỉnh tăng rất nhanh. Năm 1962 còn 309 kg (khoảng bằng mức năm 1939). Năm 1965 bình quân lương thực lên 358 kg/người/năm. Sau đó, số lượng giảm: năm 1968 còn 309 kg (bằng năm 1939 và 1962), năm 1973 còn 293 kg. Năm 1974 (năm cả tỉnh đạt 5 tấn thóc/ha) bình quân lương thực đạt cao nhất trong suốt thời kì hợp tác hoá nông nghiệp là 424 kg/người/năm.

Sau năm 1975, bình quân lương thực càng giảm;  năm 1976 chỉ còn 270,6; năm 1981 - 1983 bình quân xấp xỉ 300 kg; năm 1985 còn 298 kg/người/năm.

Số liệu trên cho thấy nông nghiệp Nam Định dù có rất nhiều tiến bộ trong 30 năm (1955 - 1985), mà thể hiện rõ nhất là năng suất và tổng sản lượng lương thực không ngừng tăng (gấp khoảng 3 lần), song nhìn chung vẫn thuần nông, nặng độc canh và chưa sản xuất được đủ số lương thực cung cấp cho nhân dân trong tỉnh. Tính từ sau năm 1975, hàng năm Nhà nước vẫn phải cung cấp cho địa phương trên 10 vạn tấn lương thực.

Trong khoảng 30 năm tồn tại tập thể hoá có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế địa phương, nhất là về cải tạo ruộng đồng và tạo giống mới. Tuy nhiên, nhìn toàn diện, mô hình hợp tác xã lúc đó đã không tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển bền vững. Trên phạm vi cả nước, mô hình tập thể hoá đã triệt tiêu những động lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, đổi mới trở thành yêu cầu bức xúc của nhân dân địa phương và của ngành kinh tế nông nghiệp.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com