Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định

08:03, 13/03/2012

Nam Định có bờ biển dài 72 km, có 4 cửa sông lớn (cửa Ba Lạt, cửa Sò, cửa Lạch Giang và cửa sông Đáy). Biển Nam Định là một bộ phận của vịnh Bắc Bộ. Theo công ước quốc tế về biển năm 1982 thì vùng vịnh Bắc Bộ không có hải phận quốc tế mà thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và Trung Quốc. Đường ranh giới phân ở vịnh Bắc Bộ là đường thẳng bắc nam, kéo dài từ đỉnh Móng Cái xuống vĩ tuyến 170 bắc. Nhà nước ta không phân định địa phận biển cho từng địa phương giáp biển, nhưng khi lấy giới hạn địa phận Thái Bình (bắc của Nam Định) và Ninh Bình (nam của Nam Định) và giới hạn kinh tuyến 10805 đông thì biển Nam Định rộng đến 8000 km2, nghĩa là gấp 5 lần diện tích nội địa và tầm xa đến 90 hải lí.

Theo điều tra khảo sát của Bộ Thuỷ sản, biển Nam Định giáp giữa 2 bãi cá và tôm lớn của vịnh Bắc Bộ, trữ lượng cá lên đến 157.500 tấn, chiếm khoảng 20% trữ lượng cá của vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra còn có những nguồn lợi to lớn khác như tôm, nhuyễn thể, giáp xác.... Lòng biển của biển Nam Định nói riêng và vùng vịnh Bắc Bộ nói chung còn có giá trị kinh tế  rất lớn.

Bởi đặc trưng địa lí nên vùng biển Nam Định có thể chia thành 3 vùng kinh tế: vùng đất liền, vùng cận bờ (hay đới bờ) và vùng biển xa bờ.

Vùng đất liền là các xã giáp biển thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa  Hưng. Toàn bộ có 22 xã giáp biển, với tổng diện tích 17.466 ha, bằng 23,3% tổng diện tích tự nhiên. Đến năm 2000, đất nông nghiệp ở đây có 8354 ha, chiếm 21,3% đất tự nhiên của 3 huyện. Vùng trồng cây hàng năm tập trung chủ yếu ở các xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Lí, Hải Thịnh, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải. Đất lâm nghiệp có 475 ha tập trung chủ yếu ở vùng Cồn Lu, Cồn Ngạn, Giao Xuân, Giao Lâm, Hải Thịnh, Cồn Mờ.

Rừng ngập mặn chiếm toàn bộ vùng Cồn Ngạn, Cồn Lu, ngoài ra còn có một ít ở nam cửa sông Lạch Giang. Rừng phi lao có ở các vị trí: Cồn Mờ, bắc cửa Lạch Giang, bãi biển Quất Lâm và vùng đất ngoài khơi phía nam xã Giao Xuân.

Cói có diện tích khoảng 200 ha, được trồng tại nông trường Rạng Đông (khoảng 100 ha), Bạch Long (khoảng 50 ha), Giao Hương (khoảng 50 ha).  Mía có khoảng 25 ha, tập trung ở các xã Hải Lí, Hải Lộc, Hải Đông. Lạc có khoảng 150 ha, tập trung tại xã Giao Lâm.

Đất làm muối có 1164 ha với 2 vùng chủ yếu: vùng muối Giao Thuỷ gồm các HTX trong các xã liền kề Bạch Long, Giao Long và Giao Lâm. Diện tích muối ở Bạch Long lớn nhất, với 235 ha và sản lượng 20.000 tấn/năm. Vùng muối Hải Hậu gồm các xã Hải Lý, Chính, Triều, Hoà.

Ngoài ra còn có đồng muối của các xã Hải Đông, Hải Thịnh và Nghĩa Phúc. Toàn vùng có 23 HTX và 1 tổ hợp làm muối, trong đó có 3 đơn vị kiêm sản xuất muối. Số HTX ở Hải Hậu có 13 đơn vị, Giao Thuỷ có 9 đơn vị và Nghĩa Hưng có 1 đơn vị.

Về cảng sông có cảng Cồn Nhất, cảng biển có Hải Thịnh, tàu vào vận chuyển lương thực, nông sản, than đá, vật liệu xây dựng đi các tuyến sông đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An,...

Hệ thống đê biển kéo dài suốt từ Tư Giang -  Giao Hương (Giao Thuỷ) đến tận Nam Điền (Nghĩa Hưng). Hệ thống đê biển khép kín với hệ thống đê nội đồng tạo điều kiện cho các xã ngăn mặn, lấn biển. Có rất nhiều đoạn dài có hai lớp (đê biển, đê bối; đê biển và đê lấn biển) như đoạn đê từ Thịnh Long về Hải Đông; từ bắc cửa Ba Lạt về nông trường Bạch Long, vùng Giao An, Cồn Ngạn. Thậm chí có nơi có 3 lớp đê như ở nông trường Rạng Đông, Nam Điền.

Trong khu vực nội địa của vùng kinh tế biển, có nhiều tiểu vùng kinh tế khác nhau: tiểu vùng trồng cây lương thực, tiểu vùng khai thác thuỷ sản, khu công nghiệp đánh bắt hải sản...

Tiểu vùng trồng cây lương thực không rộng, chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất tự nhiên và tập trung chủ yếu ở phía bắc các xã ven biển.

Tiểu vùng khai thác, chế biến hải sản chiếm gần hết diện tích trong vùng, trừ diện tích của nông trường Rạng Đông. Vùng khai thác, chế biến hải sản kéo dài từ cửa Lạch Giang đến cửa Hà Lạn, bao gồm các xã Nghĩa Phúc, Nghiã Thắng, Thịnh Long, Hải Triều, Hải Lí, Hải Đông, Hải Chính, Giao Lâm, Giao Phong (phía nam xã), Bạch Long, Giao Long, Giao Châu, Giao Xuân...

Nam Định là một trong 20 địa phương của cả nước có bờ biển. Hàng năm bờ biển Nam Định vươn ra đại dương hàng trăm héc- ta. Trên thế giới có những nước “nghèo biển” đã phải chi hàng triệu đô la cho từng héc- ta lấn biển. Ngay ở Việt Nam, các tỉnh vùng sâu, vùng rừng chắc chắn sẽ phát triển kinh tế thuận lợi hơn nhiều nếu có biển. Có đường bờ biển dài đến 72 km và nhiều cửa sông lớn là một lợi thế rất căn bản để phát triển kinh tế hướng biển, năng động ở ngay những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com