Nghệ thuật ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như: Hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát ca công. Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật ca trù xuất hiện từ thế kỷ XV và phát triển sâu rộng tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức thành các giáo phường được nhà nước phong kiến công nhận và đặt định một chức sắc trông coi giáo phường (gọi là quản giáp). Loại hình nghệ thuật ca trù có bước phát triển từ không gian cung đình đến các vùng quê, từ môi trường nghi lễ tín ngưỡng tại cửa đình, cửa đền cho tới các đám hội làng, hội vùng, hát mừng thọ, hát khao vọng, động viên binh sỹ.
Về giá trị nghệ thuật, ca trù Nam Định có hơn 40 thể, chia làm 3 lối hát chính: hát cửa đình, hát thi và hát chơi. Hát cửa đình là lối hát gắn với tục thờ thần hoàng làng, có nội dung ca ngợi công đức của các bậc anh hùng dân tộc, những danh nhân, các vị tổ nghề đã có công khai ấp, lập thôn, trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước… Lối hát này có các thể chính như: dâng hương, đọc phú, tấu nhạc, múa bài bông, giáo trống, giáo hương. Lối hát thi thường gắn với đời sống được tổ chức tại cửa đình. Hằng năm vào mùa xuân, các làng thường mở hội, tổ chức cuộc thi ở cửa đình để tuyển chọn đào hay kép giỏi, qua đó, các đào nương chính thức làm lễ “mở xiêm áo” và được công nhận hành nghề. Hát thi có 4 giai đoạn là vãn, chầu thi, chầu cầm; trong đó, chầu thi gồm 28 thể, chầu cầm gồm 17 thể dành cho đào và kép. Hát chơi là lối hát được phổ cập, có nội dung phóng khoáng với các bài hát tả tình gồm các thể chính như: hát nói, hát ru, ngâm vọng, kể truyện, tỳ bà, nhịp ba cung… Trong nghệ thuật ca trù, bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc có vai trò rất quan trọng, gồm cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Âm hưởng trống chầu trong ca trù khác biệt so với nghệ thuật tuồng, hát bội; lối hát ca trù và phách đệm rất phức tạp, kết hợp phức điệu tinh tế với đàn đáy và trống chầu trở thành một bản hoà tấu đa âm sắc, tỏ rõ nội dung lời ca và cảm xúc của người hát.
Trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, nghệ thuật ca trù có vị trí quan trọng, tuy nhiên, con đường phát triển của loại hình nghệ thuật này cũng gặp nhiều gian truân. Đầu thế kỷ XX, ca trù từ không gian cung đình, nơi vùng quê có xu hướng phát triển “nở rộ” tại chốn thị thành. Các nhóm hát từ các làng quê đua nhau về các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, văn hoá hành nghề để mưu sinh, xuất hiện các đào nương chuyên nghề ca hát, tiếp rượu, phục vụ nhu cầu nghệ thuật của tầng lớp quan lại, tiểu tư sản. Ca trù bị đánh đồng với các quan niệm, cách nhìn tiêu cực, từ đó bị mất dần “chỗ đứng” trong đời sống nghệ thuật. Hiện nay, trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể tuy ca trù đang được quan tâm đầu tư nghiên cứu, song, những giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc này chưa được phục dựng nguyên thể. Các cấp, các ngành cần có chính sách đầu tư hợp lý nhằm khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật ca trù./.
Việt Thắng