Làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang, huyện Nam Trực

08:03, 29/03/2012

Tương truyền, vào đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nghề rèn đã được du nhập vào Vân Chàng. Khi đó làng có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ gồm Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... được sáu ông thầy từ nơi khác đến truyền dạy. Để ghi nhớ công lao, quê hương Vân Chàng đã tôn sáu ông thầy dạy nghề là Lục vị Thánh sư, lập đền thờ làm Thành hoàng của làng

Thời xa xưa Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... Mấy chục năm trở lại đây, làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển. Sản phẩm của họ một phần đã được cơ giới hóa với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp. Chính nhờ những mặt hàng này, trên chục năm trước hai hợp tác xã Tân Tiến và Tiền Tiến của đại phương trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Xưởng rèn của một hộ gia đình ở Vân Chàng. Ảnh: Internet
Xưởng rèn của một hộ gia đình ở Vân Chàng. Ảnh: Internet

Do cơ chế thị trường, hai hợp tác xã cơ khí đã giải thể, song nghề cơ khí ở Vân Chàng lại phát triển chưa từng có. 95% số hộ trong làng vẫn tâm huyết với nghề; 2/3 số hộ, cơ sở sản xuất có trang bị máy móc. Tổng giá trị máy móc của Vân Chàng tiêu thụ 40 đến 45 tấn phế liệu cả kim loại lẫn than, thu hút 1.000 đến 1.200 lao động từ khắp nơi đổ về. Máy móc đưa vào sản xuất ngày một nhiều, làm cho mặt háng của Vân Chàng ngày một phong phú, tân tiến. Riêng kéo đã có mấy chục loại, chất lượng tốt. Mối máy thụt, máy đùn, máy nặn ở Vân Chàng một ngày có thể sản xuất 150 ấm hoặc xoong nhôm, 100 đôi vành hoặc chắn bùn, 200-300 pêđan, 400-500 chân chống xe đạp. Mọi phế liệu được chuyển về Vân Chàng, đều trở thành đồ vật hữu ích, đạt hiệu quả sử dụng cao. Ngày ngày, hàng của Vân Chàng đi khắp nơi trong nước, sang cả Lào, Campuchia.

Hiện Vân Chàng có khoảng 200 hộ, thu nhập mỗi ngày 120 – 150 nghìn đồng. Vân Chàng không thiếu người giỏi tay nghề và hầu hết những tay nghề giỏi đều có nhà xưởng sản xuất với quy mô từ bốn, năm đến bẩy, tám công nhân. Nhờ thế đời sống người dân Vân Chàng luôn tăng trưởng, nhà cửa xây cất khang trang, trong đó có 40% là cao tầng, 90% số hộ có xe máy, ti vi màu, không còn hộ nghèo. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa cao ráo sạch sẽ. Làng đã có bốn trạm điện, tổng công suốt 2.000KVA, khoảng 400 máy móc lớn nhỏ, hàng tháng tiêu thụ hàng nghìn tấn phế liệu kim loại. Đời sống ở đây đang đi lên từ nghè rèn truyền thống.

Làng có 80 cửa hàng dịch vụ đời sống, một chợ họp chiều, thường ngày lương thực, thực phẩm tiêu thụ hàng tấn. Bởi vậy người Vân Chàng đi tới đâu làm giàu tới đó. Tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, có cả một làng Vân Chàng trên 300 hộ, không ít người có vốn lên đến hàng tỷ đồng. Họ liên doanh với nhiều nơi ở trong nước và cả với người nước ngoài như Đài Loan, Thái Lan, Singapo.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com