Làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Nam Định

08:03, 08/03/2012

Nam Định có rất nhiều nghề thủ công truyền thống. Các ngành nghề đã có từ lâu đời và sản phẩm của nó được nhân dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Trải qua các thời kì lịch sử khác nhau, các nghề thủ công truyền thống có bước phát triển thăng trầm khác nhau và làng chính là chiếc nôi bảo tồn sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống.

Làng thủ công truyền thống ở Nam Định khá đa dạng, nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại sản phẩm. Nhưng khác với các làng nghề thủ công truyền thống ở vùng châu thổ sông Hồng, làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Định nổi bật ở số lượng và chất lượng của các làng nghề dệt, rèn -  đúc và mộc.

Xét về địa - kinh tế, làng thủ công truyền thống ở Nam Định tồn tại ở hai vùng: đô thị (bao gồm thành phố, thị xã -  thị trấn) và nông thôn. Nghề thủ công ở thành thị có rèn, gò, hàn, may, dệt, mộc. Nghề thủ công ở nông thôn có rèn, đúc, cơ khí sửa chữa, dệt (vải và khăn), dệt chiếu, thêu, ren, mộc mĩ nghệ, sơn mài, đan lát... Các làng nghề thủ công truyền thống ở đô thị mang tính chuyên nghiệp, tỷ lệ cư dân trong địa phương hành nghề cao. Trong khi đó, ở vùng nông thôn các loại làng này còn mang nhiều tính thời vụ, sản xuất theo mùa và mật độ tập trung chưa cao.

Trong thời kì đổi mới, nghề thủ công truyền thống có điều kiện phục hồi. Các làng thủ công truyền thống ở vùng nông thôn cũng có điều kiện phát triển và phân hoá hơn trước. Trong những năm gần đây, đa số các HTX tiểu thủ công nghiệp (phần nhiều được thành lập từ các làng thủ công truyền thống) đã không còn tồn tại. Các nghề thủ công truyền thống lại xuất hiện trên địa bàn cũ của mình. Nhiều nghề thủ công truyền thống không chỉ khôi phục trong làng, mà mở rộng ra các xã xung quanh, tạo thành các tiểu vùng tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời cơ chế thị trường cũng loại bỏ những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp không còn phù hợp. Do đó, có một số làng nghề thủ công nghiệp phải chuyển sang nghề khác.

Tổ chức sản xuất của các làng nghề vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nói riêng cũng như của toàn tỉnh nói chung khá đa dạng, với nhiều loại hình như công ty trách nhiệm hữu hạn, HTX tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp sản xuất, cá thể. Các loại tổ chức sản xuất đang vận động trong cơ chế kinh tế thị trường, nên có một số đơn vị phải giải thể (công ty TNHH), trong khi đó, một số loại hình lại phát huy được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh (doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể). Một số làng nghề thủ công truyền thống chuyển sang hoạt động kinh doanh nhiều loại mặt hàng, một số làng nghề mới xuất hiện (đồ mộc ở Trung Lao, gia công sợi PE ở Tân Lý, Trực Hùng...).

Các làng nghề thu hút khoảng 8% tổng số hộ sản xuất, 11% tổng số lao động và theo báo cáo của Sở công thương, đến năm 1998, doanh thu của các làng nghề Nam Định đạt 224 tỷ đồng.

Kéo sợi dệt vải: Nghề này nổi tiếng cả nước từ khi thực dân Pháp xây dựng nhà máy dệt Nam Định, Nam Định thành cái nôi ngành dệt may của cả nước. Trong thời kì bao cấp, các HTX thủ công nghiệp đã được thành lập trên cơ sở các làng dệt thủ công truyền thống và đã nhận hàng gia công cho Công ty dệt Nam Định. Các HTX tiểu thủ công nghiệp khá nổi tiếng lúc đó là: HTX Phương Định, Dịch Diệp, Trung Tiến, Nam Hồng, Lợi Thành...Sau năm 1991, hầu hết các HTX tiểu thủ công nghiệp dệt may bị giải thể vì mất thị trường Liên Xô và Đông Âu. Còn lại HTX Lợi Thành vẫn duy trì, nhưng chuyển sang sản xuất dệt vải màn, khăn mặt.

Thủ công mĩ nghệ: Nghề chính là sản xuất đồ gỗ và sơn mài. Sản phẫm mĩ nghệ làm từ gỗ ở Nam Định nổi tiếng khắp vùng và có rất nhiều làng thủ công truyền thống. Cũng giống như hàng dệt vải, tơ lụa, hàng thủ công mĩ nghệ của Nam Định được khách hàng ưa chuộng và số phận của các làng nghề thủ công mĩ nghệ cũng trải qua những thời kì phát triển thăng trầm khác nhau. Nhưng nếu như các vùng dệt vải, tơ tập trung ở các huyện phía đông và phía nam tỉnh, thì vùng thủ công mĩ nghệ tập trung nhiều ở các huyện phía bắc.

 Cơ khí, đúc, rèn: Ngành tiểu thủ công nghiệp thuộc cơ khí, đúc, rèn của Nam Định cũng rất nổi tiếng bởi nhiều làng nghề và sản phẩm có chất lượng cao. Sản phẩm cơ khí đúc rèn ở Nam Định từng nổi tiếng trong thời kì chống Mỹ, cứu nước và có mặt khắp cả nước trong thời kì bao cấp. Trong thời kì đổi mới, nghề thủ công cơ khí đúc rèn ở vùng nông thôn Nam Định cũng như các nghề thủ công truyền thống khác, được đổi mới về công cụ sản xuất, loại hình mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Theo: Địa chí Nam Định

 

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com