Theo thần tích của làng thì ông tổ làng nghề mộc có tên là Ninh Hữu Hưng, quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Ông sinh năm 936, trong một gia đình nối đời làm nghề thợ mộc nên đã tiếp thu được truyền thống đó của tổ tiên và trở thành một thợ giỏi nổi tiếng cả vùng.
Khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, cho tuyển nhiều nhân tài và thợ giỏi ở khắp các địa phương về giúp triều đình, trong đó có Ninh Hữu Hưng. Ông được nhà vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh đô. Đây là dịp ông thể hiện tài năng. Ông đã được vua Đinh phong cho chức Công tượng lục phủ Giám sát tướng quân.
Nhà Lê thay nhà Đinh, sau khi đánh thắng quân Tống, Hoàng đế Đại Hành cho xây dựng lại cung thất, Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Là người có vũ dũng, ông được chọn vào đội quân Thiên cận đi bảo vệ nhà vua. Lê Đại Hành thường đi thăm nhiều nơi và Ninh Hữu Hưng được chọn đi theo xa giá.
Sản xuất sản phẩm cuốn thư bằng gỗ tại làng nghề chạm khắc La Xuyên. |
Một lần vua Lê qua vùng Cái Nành (nay là đất La Xuyên) thấy thấp thoáng có bóng ngôi miếu cổ. Nhà vua cho dừng thuyền vào thăm, thấy đây là vùng đất đẹp nhưng dân cư thưa thớt, chỉ có dăm nhà lác đác ven sông, nhà vua đã cho ông Ninh Hữu Hưng ở lại đất này. Từ đó, ông định cư tại đây rồi đem cả con cháu, họ hàng đến vùng đất mới lập thành ấp lớn. Ông bỏ tiền chiêu dân, khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công. Nghề mộc được ông truyền lại cho dân sở tại ngày càng phát triển. Công đức của ông thấm đến mọi nhà nên những người đến đây làm ăn đều lấy họ Ninh. Vì thế, khu vực này từng có tên là Ninh Gia ấp sau đó tên là Ninh Xá. Ông mất ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1020). Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính, dân làng đã lập đền thờ ông.
La Xuyên là một làng nghề đã có lịch sử ngàn năm với hàng chục thợ giỏi tham gia xây dựng nhiều cung thất, đền đài cho các triều đại phong kiến. Ninh Hữu Hưng ông tổ đầu tiên về lập ấp, truyền nghề cho địa phương là một thợ nổi tiếng đã được hai triều đại Đinh - Lê trọng dụng.
Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo. Người thợ nơi đây đã từng đi xứ Đông, xứ Đoài làm đẹp cho biết bao làng quê. Sản phẩm lớn của họ là những công trình kiến trúc với toà ngang dãy dọc được mở rộng ra về mặt bằng và nâng cao chiều cao lên với những mái cong cổ kính. Sản phẩm phong phú và thông dụng như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng, sập gụ, tủ chè đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao.
Truyền thống làng nghề cho đến nay còn hội tụ một phần ở ngôi đình làng. Nhũng người thợ tài hoa đã thực sự đem trí tuệ, bàn tay điêu luyện của mình để dựng nên một công trình bề thế về kiến trúc, không gian được mở rộng với một quần thể bao gồm đình, đền, phủ, miếu và người nghệ nhân đã thổi vào đó sức sống làm cho nhiều mảng phù điêu, mảng chạm tồn tại mãi cùng thời gian.
Ngày nay, La Xuyên chỉ là một thôn của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, nhưng làng nghề này đã sống cùng với thời gian và ngày càng nổi tiếng. Với truyền thống là một làng nghề lâu đời, La Xuyên đã và đang góp phần làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]