Từ cuối thập kỉ 1960 đến nửa đầu những năm 1970, mạng lưới công nghiệp cơ khí và vật liệu xây dựng ở qui mô nhỏ được hình thành từ tỉnh xuống các HTX. Đây là thời kì các cơ sở công nghiệp nhỏ được xây dựng với số lượng rất lớn. Hầu hết mọi HTX đều có các điểm hoặc xưởng cơ khí và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Khu vật liệu xây dựng chủ yếu (gạch, ngói) tập trung ở vùng đông - bắc của tỉnh.
Từ những năm 1970 trở đi, sản xuất công nghiệp vẫn nhằm vào mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản và sản xuất hàng tiêu dùng. Hàng năm, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khoảng từ 2 đến 10%.
Sau ngày đất nước thống nhất, theo chủ trương chung, nông thôn Nam Định chuyển mình xây dựng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Phương hướng này tồn tại mãi cho đến những năm đầu thập kỉ 1980.
Nội dung của chuyển hướng xây dựng kinh tế chủ yếu là đưa chăn nuôi lên ngành chính, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, lấy cấp huỵện làm đơn vị cơ sở để qui hoạch, xây dựng vùng sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất của HTX sản xuất nông nghiệp...
Xây dựng sản xuất lớn trong ngành nông nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế nói chung là qui luật tất yếu của một nền kinh tế đi từ nông nghiệp lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Song trong điều kiện chủ quan và khách quan lúc đó chưa phù hợp, hơn nữa, trong nhiều địa phương, đã biến một số phương tiện, tổ chức (như cơ giới hoá, tập thể hóa qui mô lớn...) thành mục tiêu của phong trào, nên hiệu quả kinh tế kém. Trong thực tế, nhiều địa phương càng đẩy mạnh công cuộc xây dựng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa bao nhiêu, thì kinh tế nông nghiệp càng giảm sút bấy nhiêu, đời sống nông dân càng khó khăn và hậu quả của nó không thể khắc phục một sớm, một chiều.
Một vài năm sau ngày giải phóng miền Nam, dấu hiệu khủng hoảng kinh tế ở Nam Định cũng như của cả miền Bắc đã xuất hiện. Ngành kinh tế biểu hiện khủng hoảng rõ nhất là nông nghiệp. Ở đó, nhiều chỉ số từ năng suất, sản lượng và quan trọng nhất là thu nhập của xã viên giảm hàng năm, mức thu nhập bình quân của nông dân không cao hơn năm 1939.
Dù phong trào tập thể hoá đã thu được những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cải tạo ruộng đồng, áp dụng giống mới, đưa khoa học kĩ thuật vào sản xuất...và vì thế tạo nên cánh đồng 5 tấn, ruộng 2 - 3 vụ một năm,.., nhưng điều đó không làm cho nông nghiệp tránh khỏi khủng hoảng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ở thời kì này, chính sách bao cấp của nhà nước vẫn còn (thậm chí một số ngành, một số cơ sở sản xuất được tăng cường đầu tư, bất kể hiệu quả kinh tế). Song từ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà mọi chỉ số phát triển kinh tế xã hội ở địa phương đã bị suy giảm. Hơn ở bất cứ địa phương nào khác ở vùng châu thổ sông Hồng, khủng hoảng nông nghiệp ở một địa bàn nhạy cảm chính trị như Nam Định dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội nếu như không có giải pháp sửa chữa kịp thời.
Đầu thập kỉ 1980, những chủ trương đổi mới cục bộ của Đảng đã góp phần đẩy lùi khủng hoảng nông nghiệp ở địa phương.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]