Sau năm 1986, những chủ trương đổi mới kinh tế toàn diện của Đảng đã làm biến đổi căn bản diện mạo kinh tế Nam Định.
Đặc trưng căn bản nhất và nhân tố cốt lõi tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế kể từ thời đổi mới đến năm 2000 ở Nam Định là sự phục hưng của kinh tế hộ gia đình. Sự phục hưng đó khởi đầu từ ngành nông nghiệp. Với hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế hộ bắt đầu hồi phục từ những năm cuối thập kỉ 1980 và phát triển từ thập kỉ 1990.
Về tổ chức sản xuất, từ sự phát triển của kinh tế hộ, dẫn đến những nhu cầu hợp tác kinh tế. Nhiều mô hình hợp tác kinh tế trong mọi ngành kinh tế đã được nhóm lên từ yêu cầu phát triển kinh tế của các hộ. Sự ra đời của hàng ngàn trang trại ở Nam Định trong thời gian gần đây là kết quả, đồng thời cũng là xu hướng phát triển của kinh tế hộ.
Trong các ngành kinh tế khác, chủ yếu trong tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, các đơn vị sản xuất từ các hộ cá thể, tư nhân chiếm khoảng 95% tổng số các đơn vị sản xuất của ngành. Sự phục hồi của kinh tế hộ trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã kéo theo sự phục hồi của các làng thủ công truyền thống ở địa phương.
Song song với thị trường mở, nền kinh tế nhiều thành phần và đa ngành ở Nam Định ra đời. Từ đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngày càng có thêm các ngành, nghề và thành phần kinh tế tham gia vào nền kinh tế chung của tỉnh. Đến năm 2000, Nam Định có các thành phần kinh tế của quốc doanh trung ương, quốc doanh địa phương, tư nhân, cá thể, tập thể, hỗn hợp. Các thành phần đó có vai trò kinh tế khác nhau, nhưng đều là chủ thể của nền kinh tế mới.
Từ năm 1998, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Vùng kinh tế biển của Nam Định được xác định từ năm 1993, nhưng trên thực tế mới thực sự hình thành từ năm 1997. Hiện nay, kinh tế biển của Nam Định đang trở thành kinh tế mũi nhọn. Phát triển kinh tế biển vừa là yêu cầu tất yếu của phát triển kinh tế Nam Định và vừa là yêu cầu bảo vệ an ninh, chủ quyền của Tổ quốc.
Diện mạo khái quát của kinh tế Nam Định hiện nay là có 1 trung tâm trọng điểm kinh tế là khu vực thành phố và 2 vùng gồm kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Trong các vùng kinh tế lớn đó, đã hình thành và phát triển nhiều tiểu vùng kinh tế: đó là các cụm công nghiệp nông thôn, các làng thủ công nghiệp truyền thống, vùng đặc sản lúa, vùng xuất khẩu gạo, vùng chăn nuôi...
Địa bàn chủ yếu của các điểm công nghiệp, xây dựng tập trung phân bố chủ yếu ở các thị trấn, thị tứ hoặc làng nghề thủ công truyền thống. Các điểm tiểu vùng này thường nằm cạnh trục giao thông chính của tỉnh, huyện và nó kết nối trực tiếp với vùng kinh tế trọng điểm của thành phố tạo nên hệ thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương khá hoàn chỉnh. Có thể nói hệ thống này kết hợp với mạng lưới thương nghiệp mới đã tạo nên các trung tâm kinh tế của các huyện, xã và liên huyện - xã. Vùng trọng điểm công nghiệp của toàn tỉnh có các đơn vị sau:
Ngành cơ khí, luyện kim, đúc: Có 6 tiểu vùng tập trung ở các địa phương thuộc xã Cộng Hoà (Vụ Bản), thị trấn Lâm (Ý Yên), Gôi (Vụ Bản), 3 cơ sở khác thuộc xã Nam Giang, Nghĩa An và Nam Thanh (Nam Trực) và ở Xuân Tiến (Xuân Trường).
Ngành vật liệu xây dựng: Có 6 đơn vị , tập trung ở huyện Nam Trực 3 đơn vị (2 cơ sở ở xã Nghĩa An, 1 ở xã Nam Toàn); huyện Xuân Trường có 2 cơ sở thuộc xã Xuân Thành và Xuân Hồng; huyện Nghĩa Hưng có 1 cơ sở ở Nghĩa Đồng.
Chế biến sản xuất thực phẩm và đồ uống: Ngành chế biến sản xuất lương thực và đồ uống có số lượng nhiều nhất, với 12 đơn vị, trong đó có 2 tiểu vùng thụôc địa phận thành phố, 5 tiểu vùng thuộc các xã ven biển. Các khu chế biến thực phẩm và đồ uống tập trung ở vùng nông thôn tập trung ở các huyện phía nam. Riêng huyện Xuân Trường có 4 đơn vị (thuộc các xã Xuân Kiên, Xuân Hồng, Xuân Hùng, Xuân Vinh); huyện Hải Hậu có 1 tiểu khu thuộc xã Hải Hưng).
Tiểu vùng dệt, may ươm tơ: có 5 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị thuộc khu vực thành phố. Các cơ sở trung tâm ươm tơ ở vùng nông thôn Nam Định thuộc các xã Phương Định, Liêm Hải (Trực Ninh), Thành Lợi (Vụ Bản).
Tiểu vùng thủ công mĩ nghệ: toàn tỉnh có 3 tiểu vùng, trong đó 1 vùng thuộc thành phố, 2 vùng ở nông thôn tập trung tại huyện Ý Yên (tại xã Yên Tiến và xã Yên Định).
Theo: Địa chí Nam Định