Nhằm mục đích trục lợi, các công ty tư bản Pháp về căn bản vẫn duy trì phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu ở vùng nông thôn. Dù kinh tế hàng hoá có phát triển nhất định trong một số vùng, một số ngành nào đó, dù cơ cấu kinh tế có biến đổi ít nhiều, nhưng nhìn chung nông thôn, nông nghiệp Nam Định nói riêng và kinh tế cả tỉnh nói chung vẫn chìm trong trạng thái tự cung, tự cấp như thời kì tiền thuộc địa. Định hướng của kinh tế tự cấp, tự túc lúc này nhằm phục vụ trước hết cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã biến Nam Định thành một mảnh sân sau của chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Trong điều kiện giao thông phát triển hơn trước và nhất là chính sách mộ phu của Pháp, nên số lượng người li hương ở Nam Định ngày càng nhiều. Có hàng ngàn người vào sản xuất trong các cơ sở công nghiệp của Pháp ở thành phố, một số vào sản xuất trong các đồn điền ở các huyện phía nam, một số ra Hà Nội, Hải Phòng buôn bán, nhưng đông nhất là số người ra các hầm mỏ ở vùng Quảng Ninh và số cu-li vào đồn điền cao su phía Nam. Số thợ làm việc trong các hầm mỏ của Pháp đã lên hàng vạn người. Trong lịch sử địa phương, cho tới trước khi Pháp đô hộ Bắc Kì, chưa bao giờ có số người li hương đi lập nghiệp ở địa bàn mới nhiều như trong mấy chục năm cai trị của thực dân Pháp. Có thể nói từ đó đi tìm việc mới và kiếm nguồn thu nhập mới ngoài quê hương đã trở thành một bộ phận quan trong trong thu nhập của người Nam Định và của kinh tế địa phương. Thế nhưng, mỗi lần gặp khó khăn, người thợ lại quay về quê hương sống dựa vào nông nghiệp. Vòng quay đó và sự phân công lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn Nam Định luôn diễn ra ngập ngừng, không dứt khoát và vì thế đã buộc người nông dân phải cố bám giữ mảnh đất nông nghiệp truyền thống của mình.
Đời sống của người lao động và bộ phận tiểu thương, tiểu chủ, tiểu điền chủ nói chung khá bấp bênh. Gia đình người lao động ở trong các xí nghiệp ở thành phố có thu nhập cao hơn những hộ thuần nông hoặc bán thuần nông. Song trong thời kì chiến tranh hoặc tổng khủng hoảng, số công nhân thất nghiệp tăng cao và đời sống của họ trở nên chật vật.
Tính trung bình lương thực, trong những năm 1930 là 319 kg thóc mỗi nhân khẩu một năm. Số lương thực thiếu khoảng 100 kg/người/năm, nghĩa là bình thường người lao động thiếu ăn khoảng 2 tháng rưỡi. Nạn đói năm 1945 cướp đi hơn 20 vạn người ở Nam Định (hơn 1/4 dân số của cả tỉnh) đã phản ánh thực trạng đời sông nhân dân địa phương, nhất là nhân dân lao động.
Trong vùng nông thôn, thu nhập của tầng lớp tá điền, thợ thủ công nghèo so với tầng lớp đại địa chủ có sự cách biệt rất lớn. Có thể hình dung được khoảng cách đó, nếu so sánh qua sở hữu ruộng đất: có hàng trăm địa chủ sở hữu trên 100 mẫu, trong khi đó có hàng chục vạn tá điền không có ruộng, phải đi làm thuê, làm mướn.
Trong vùng đô thị, lương công nhân, đặc biệt lương của phụ nữ và trẻ em làm việc trong các nhà máy của thực dân Pháp chỉ khoảng 15 đến 20 xu một ngày. Đó là những đồng lương rẻ mạt. Nhưng so với với thu nhập của nông dân và thợ thủ công ở nông thôn thì lương công nhân ở thành phố còn cao hơn nhiều.
Theo Piere Gourou, thu nhập của thợ thủ công ở Nam Định rất thấp. Tại Đỗ Quần Xá (tổng Duyên Hưng Thượng, Nam Trực) vào những năm đầu thập kỉ 1930, thợ thủ công kiếm được 3 xu mỗi ngày. Nghề dệt của phụ nữ ở thôn Liêm (tổng Cao Đài, Mỹ Lộc) có thu nhập cao hơn, được 6 xu mỗi ngày; ở Xuân Mai (tổng Hữu Bị, Mỹ Lộc) được 8 xu. Tại Liêu Thượng (tổng Cát Xuyên, Xuân Trường) thu nhập của thợ thủ công là 3 xu. Tại Đô Quan (tổng Duyên Hưng Thượng, Nam Trực) thu nhập của thợ thủ công chỉ có 1,5 xu. Nhưng thu nhập thấp nhất vẫn là thợ ở vùng Lạc Môn (tổng Ninh Cường, Trực Ninh) chỉ có 1 xu mỗi ngày.
Thu nhập của thợ đi làm việc ở ngoài làng cao hơn bộ phận làm việc trong làng. Thợ mộc làm việc bên ngoài được khoảng 1 đến 2 hào một ngày. Thợ làm đồ mây ở Hà Nam (tổng Kiên Trung, Hải Hậu) có thể kiếm được 20 đồng mỗi năm. Thợ xây ở Nam Hưng (tổng Duyên Hưng Thượng, Nam Trực) có thể kiếm 3 đồng/tháng. Thợ đúc ở Tống Xá có thể kiếm 2 hào mỗi ngày.
Nhìn chung, thu nhập của thợ thủ công ở vùng châu thổ sông Hồng rất thấp và thợ Nam Định là thuộc diện thấp nhất, tính trung bình chỉ bằng 1/2 so với đồng nghiệp của họ ở tỉnh Bắc Ninh.
Bức tranh thu nhập của người lao động ở Nam Định là: thợ thủ công cao hơn so với sản xuất nông nghiệp; lương của công nhân trong nhà máy cao hơn thu nhập của thợ thủ công khoảng 5 đến 10 lần. Thu nhập của đại địa chủ hơn hàng trăm lần so với tá điền. Thu nhập chung của nhân dân lao động ở Nam Định thấp hơn so với các địa phương khác.
Thu nhập của các chủ tư bản ở Nam Định rất cao. Điển hình là thu nhập của Công ty Bông Bắc Kì. Năm 1939, công ty này có tiền lãi chia mỗi thành viên khoảng hơn 1 triệu francs. Mức thu nhập chênh lệch giữa các tư sản Pháp với người lao động cao hơn khoảng 50 - 60 ngàn lần.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]