Thành phố Nam Định - Trung tâm kinh tế của vùng

08:02, 21/02/2012

Sau vài ba thập kỉ khi thực dân Pháp chiếm xong Nam Định, thành phố Nam Định đã trở thành trung tâm dệt hiện đại lớn nhất Đông Dương. Tên “Thành phố Dệt” ra đời từ đó. Hầu hết cơ sở sản xuất bông ở Bắc Kỳ đều phục vụ Nhà máy dệt. Cùng với bông, sợi, ngành tơ lụa của thành phố cũng phát triển và trở thành một trung tâm sản xuất tơ lụa ở vùng châu thổ sông Hồng. Các nhà máy sợi của Công ty bông vải Bắc Kỳ ở Nam Định sử dụng thường xuyên gần 14.000 công nhân và sản phẩm của họ cung cấp cho 120.000 thợ dệt ở nhiều địa phương khác nhau. Công ty Pháp -  Nam Hàng dệt xuất khẩu của Pháp ở Nam Định chuyên buôn bán tơ lụa cùng các sản phẩm liên quan đến tơ lụa cho nhiều tỉnh ở vùng châu thổ sông Hồng.

Nhà máy điện Nam Định cung cấp điện cho các tỉnh xung quanh (Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam). Trên tuyến vận tải đường sông, cảng Nam Định trở thành điểm trung gian quan trọng cho tuyến đường Hà Nội  - Nam Định - Hải Phòng - Hòn Gai. Nhà ga xe lửa Nam Định thành điểm quan trọng đầu cầu cho tuyến đường Hà Nội - Nam Định - Thanh Hoá - Vinh và ngược lại. Trong giao thông đường thuỷ, Nam Định đã thực sự trở thành một trung tâm lớn của vùng châu thổ sông Hồng. 

Nhà máy rượu ở Thành phố là một trong những cơ sở sản xuất rượu đầu tiên của Pháp ở Việt Nam và một trong những cơ sở sản xuất rượu chính của Pháp ở vùng châu thổ sông Hồng. Các nhà máy xay ở Bắc Kì chủ yếu phục vụ cho 4 nhà máy rượu của Pháp ở châu thổ sông Hồng, trong đó nhà máy rượu Nam Định thuộc loại rất lớn và được xây dựng từ rất sớm.

Với hệ thống sản xuất công nghiệp mới, mặt hàng phong phú và số lượng nhiều, lại có đường giao thông thuỷ bộ thuận tiện, nên Nam Định trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất ở vùng Đông Nam châu thổ sông Hồng.

Xét về phương diện thương mại, Hà Nội đóng vai trò trung tâm buôn bán ở xứ Bắc Kỳ; Hải Phòng đóng vai trò buôn bán với nước ngoài và với Bắc - Trung Kì; Nam Định đóng vai trò trung tâm thương mại của vùng Bắc  - trung Kỳ và Tây - Nam Kỳ, đồng thời còn là trung tâm phân phối cho cảng Hải Phòng.

Đánh giá chung về các đặc điểm, vị trí kinh tế của các trung tâm kinh tế lớn thời Pháp thuộc, một số học giả của Pháp cho rằng: Thành phố Chợ Lớn là trung tâm nổi tiếng về tài chính và giao dịch, Hà Nội dù kĩ nghệ có vị trí đáng kể nhưng cũng không phải là trung tâm kĩ nghệ loại nhất, Hà Nội là trung tâm kinh tế bởi vai trò thương mại của nó. Nam Định là trung tâm kĩ nghệ.

Thành phố Nam Định trở thành một đỉnh trong tam giác công nghiệp Hà Nội -  Nam Định -  Hải Phòng.

Hệ thống tài chính, ngân hàng, nhà băng, thuế, tiền (hai loại tiền) là những công cụ của các tập đoàn tư bản tài chính Pháp, khai thác các ngành và các vùng kinh tế ở Nam Định theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Phương thức sản xuất mới -  tư bản chủ nghĩa, biểu hiện cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các thế lực tư bản ở Nam Định.

Tính chất cạnh tranh quyết liệt - một đặc trưng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa - biểu hiện sâu sắc từ đầu và ngay trong nội bộ các công ty của thực dân Pháp ở trên địa bàn Nam Định. Sự cạnh tranh ở đây diễn ra chủ yếu trong ngành dệt.

Năm 1890, nhà máy dệt đầu tiên của “Hội hợp tư Meiffre - Cousins” được thành lập với khoảng gần 11.000 con quay và có 170 công nhân. Năm 1900, A. Dupres lập Công ty bông vải Bắc Kì tại Nam Định, sau đó Công ty này đã thôn tính Hội hợp tư Meiffre -  Cousins và cả Công ty Bông Đông Dương.

Dù các công ty tư bản của thực dân Pháp có thế lực mạnh nhất ở Nam Định, song họ không phải là lực lượng duy nhất kinh doanh theo kiểu tư bản chủ nghĩa ở địa phương. Trước khi Pháp xâm chiếm Nam Định, thương nhân người Hoa ở Nam Định khá đông. Họ chỉ bị lấn lướt khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa ở địa phương. 

Tuy không đông và thế lực không mạnh, nhưng các tư sản người Việt cũng đã có mặt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Nam Định. Hiện diện đầu tiên của họ là ở ngành vận tải đường thuỷ. Từ những năm cuối thập kỉ 1910, các xà lan chạy bằng hơi nước của Bạch Thái Bưởi đã có mặt trên sông Nam Định. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lực lượng tư sản bản xứ có điều kiện phát triển hơn trước. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của họ ở Nam Định vẫn là vận tải đường sông. Trong những năm  tiếp sau, số tư sản người địa phương nhiều thêm và nổi bật nhất vẫn là hoạt động khá nhộn nhịp của 30 tầu và  xà lan của Bạch Thái Bưởi trên tuyến đường thuỷ Hà Nội -  Nam Định, Hải Phòng -  Nam Định, Nam Định -  Nho Quan, Nam Định - Kim Sơn, Nam Định - Bến Thuỷ, Hòn Gai - Nam Định, Ngô Đồng - Nam Định - Lạc Quần, Nam Định -  Thái Bình.

Một số thợ thủ công có điều kiện vươn lên trong những năm 1914 - 1928. Năm 1926, xưởng dệt đũi của Lê Vân Nghi - một thợ thủ công địa phương được thành lập tại Nam Trực. Công ty Nam Đồng Ích Công thương hội (lập 1939 ở Thanh Hóa) có cổ phần của Nguyễn Văn Kiên, một nhà buôn ở Nam Định. Tư sản người Việt cũng góp vốn lập công ty kinh doanh. Công ty Quảng Thịnh Lâm buôn bán gỗ ở miền Bắc lập năm 1941 có cổ phần của Hoàng Thế Phiệt, một nhà công nghệ ở Nam Định.

Sự cạnh tranh giữa tư sản Việt Nam với tư sản người Hoa và Pháp cũng diễn ra quyết liệt ngay tại Nam Định. Các tàu chạy đường sông của Bach Thái Bưởi từng giảm nửa tiền vé để tranh khách hàng với tàu Pháp. Năm 1919 phong trào phản đối tư sản người Hoa do tư sản Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Nam Định và nhiều nơi khác trong phạm vi cả nước. 

Tư sản người Hoa, đặc biệt lực lượng thương nhân làm ăn khá phát đạt ở Nam Định. Họ buôn bán nhiều mặt hàng, gạo, thuốc, tơ tằm. Phố Khách của người Hoa ở thành phố Nam Định khá sầm uất.

Ngoài ra một số thương nhân người Ấn cũng mở các đại lí kinh doanh trong thành phố.

Dù có quốc tịch và nghề kinh doanh khác nhau, nhưng lực lượng tư sản ở Nam Định - tập trung chủ yếu trong thành phố - là hiện hữu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở địa phương. Trong đó, bao trùm và lấn át tất cả là các công ty độc quyền của tư sản Pháp.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com