Từ năm 1954 đến năm 1975, kinh tế Nam Định trải qua 2 thời kì lịch sử: 10 năm đầu xây dựng kinh tế trong thời bình (1954-1964) và 10 năm tiếp theo vừa xây dựng, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Trong một thời gian ngắn, kể từ ngày tiếp quản thành phố (7-1954) đến khi hoàn thành cải cách ruộng đất (1956), biến đổi sâu sắc nhất của kinh tế địa phương là xoá bỏ nền kinh tế thực dân Pháp đã gây dựng trong 80 năm đô hộ. Nền kinh tế thực dân (mà đặc trưng của nó là phương thức tư bản thực dân chi phối, khống chế phương thức sản xuất phong kiến) bị xoá khi cách mạng quản lí tất cả các cơ sở sản xuất của tư bản Pháp ở Thành phố và giao quyền quản lí sản xuất cho công nhân, đồng thời xoá bỏ mọi đặc quyền vô lí của Pháp ở Nam Định.
Công nghiệp dệt may - niềm tự hào của người dân thành phố Nam Định |
Tiếp đó là quá trình đánh đổ tầng lớp địa chủ, phong kiến, chia ruộng đất cho nông dân được tiến hành trong quá trình cải cách ruộng đất. Cuộc cách mạng ruộng đất này được tiến hành căn bản trong năm 1956.
Quá trình tiếp quản nhanh gọn Thành phố, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ cải cách ruộng đất, là quá trình xoá bỏ cơ cấu kinh tế thực dân - phong kiến ở địa phương. Từ đấy, kinh tế Nam Định bước vào thời kì phát triển mới.
Với chủ trương khôi phục và phát triển mọi ngành, mọi khu vực kinh tế ở địa phương nên trong thời kì này các thành phần kinh tế cùng phát triển, cùng tồn tại bình đẳng với nhau. Thành phần kinh tế quốc doanh, HTX, cá thể, tư nhân, tư bản... đều có vị trí trong cơ cấu kinh tế địa phương. Thời gian tồn tại nhiều thành phần kinh tế không dài, nhưng nó có tác dụng to lớn trong công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và nhanh chóng ổn định kinh tế - xã hội.
Từ năm 1958, phương hướng xây dựng chế độ mới chỉ có 2 thành phần kinh tế chủ đạo đã được hoạch định. Đến năm 1960, khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Nam Định căn bản hoàn thành, đã chấm dứt thời kì phát triển kinh tế nhiều thành phần.
Trong những năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), các bộ phận còn lại tiếp tục được vận động, tổ chức vào hai thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Về căn bản ở Nam Định chỉ còn kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Mô hình kinh tế này được duy trì cho đến tận thời kì đổi mới. Các bộ phận còn lại của kinh tế cá thể (được gọi là kinh tế phi chủ nghĩa xã hội) đã từ vị trí tồn tại bình đẳng với mọi thành phần (trong những năm trước 1960), trở thành một bộ phận dường như đứng ngoài lề phát triển của kinh tế xã hội địa phương.
Sau ngày tiếp quản Miền Bắc, nhà máy dệt Nam Định đã phục hồi sản xuất. Nhưng phải đến năm 1962, với sự đầu tư lớn của Trung ương, với sự viện trợ máy móc hiện đại của một số nước xã hội chủ nghĩa, Liên hợp dệt Nam Định mới thực sự trở thành trung tâm dệt lớn nhất của miền Bắc.
Ngành dệt Nam Định đã trở thành biểu tượng của thành phố và của cả tỉnh Nam Định. Từ ngành dệt là chính, thành phố Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp thuộc loại lớn nhất miền Bắc. Sau ngày thống nhất nước nhà, vị thế của ngành dệt nói riêng và thành phố Nam Định nói chung còn rất lớn: là một trung tâm dệt may của cả nước, là một trong những thành phố công nghiệp lớn ở phía Bắc. Liên hợp dệt Nam Định có đóng góp to lớn trong các bước phát triển không chỉ cho riêng thành phố, tỉnh Nam Định mà còn cho cả khu vực châu thổ sông Hồng.
Từ năm 1965, kinh tế Nam Định đã chuyển vào thời kì mới: vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Nam Định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Về kinh tế, Nam Định là một trung tâm sản xuất quan trọng của miền Bắc. Về giao thông Nam Định là đầu mối chi viện chiến trường, là tỉnh có bờ biển dài bảo vệ hải phận Tổ quốc trong cuộc chiến đấu chống Mỹ bắn phá miền Bắc. Do đó Nam Định trở thành mục tiêu quan trọng, cần huỷ diệt trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong điều kiện đó, sự bao cấp của Nhà nước, viện trợ kinh tế của Trung ương cùng với sự chuyển hướng xây dựng kinh tế thời chiến địa phương có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa non trẻ vừa mới được xây dựng ở Nam Định.
Các ngành kinh tế ở Nam Định, đặc biệt là ngành công nghiệp, vận động trong cơ chế bao cấp không chỉ ở trong thời chiến, mà ngay cả khi hoà bình lập lại.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]