Từ năm 1945 đến năm 1954, kinh tế Nam Định trải qua một thời kì biến đổi đặc biệt. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nhân dân Nam Định cùng cả nước bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với nền kinh tế mới. Đó là nền kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa thoát khỏi gần 100 năm đô hộ của đế quốc. Nhưng nhà nước Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Trước hoạ xâm lược, nhân dân Nam Định cùng cả nước đứng lên, đem hết nhân tài, vật lực chiến đấu bảo vệ quê hương.
Nền kinh tế đang định hình của chế độ mới tồn tại và phát triển trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Vận động trong bối cảnh đó, kinh tế địa phương có những đặc điểm:
Xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ là vấn đề sống còn bởi nó là bản chất của chế độ mới, đồng thời là sức mạnh vật chất để bảo vệ thành quả cách mạng.
Công cuộc xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới ở Nam Định cũng như toàn quốc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp diễn ra trong nhiều thời kì lịch sử khác nhau và khác hẳn với bản chất nền kinh tế phụ thuộc trước đây. Tính độc lập, tự chủ của nó thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quá trình xoá bỏ những đặc quyền vô lí của thực dân Pháp ở địa phương cũng như quá trình khuyến nông, cứu đói, cung cấp lương thực cho mặt trận, chia ruộng vắng chủ... là những khâu, những bước cụ thể trong xây dựng nền kinh tế độc lập ở địa phương.
Giành được chính quyền về tay nhân dân, nhưng kinh tế địa phương lúc đó đã rơi vào trình trạng đình đốn. Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thành phố ngừng hoạt động. Các ngành tiểu thủ công nghiệp suy thoái vì chiến tranh. Tài chính trống rỗng, hàng hoá khan hiếm. Hậu quả nạn đói đầu năm 1945 làm 1/4 dân số trong tỉnh bị chết đói chưa khắc phục xong.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cách mạng địa phương đã thực hiện một loạt chính sách kinh tế mới như quốc hữu hoá một số cơ sở sản xuất như Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Bưu điện, kho bạc.. xoá bỏ một số thuế bất công do thực dân, phong kiến đặt ra như thuế thân, thuế độc quyền về rượu, giảm thuế điền thổ 25%, giao ruộng vắng chủ cho nông dân cày cấy... Trong muôn vàn khó khăn về kinh tế lúc đó, nhân dân Nam Định đã hưởng ứng phong trào hũ gạo tiết kiệm, góp hàng trăm tấn gạo gửi đồng bào bị đói, tổ chức khai hoang. Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, phương châm xây dựng kinh tế của địa phương cũng như của cả nước là kháng chiến và kiến quốc.
Các ban ngành kinh tế của tỉnh - lúc đó gọi các ty - được xây dựng nhằm tổ chức sản xuất. Sau khi Pháp quay lại xâm lược địa phương, dù chiến tranh diễn ra trên địa bàn này rất quyết liệt, nhưng nền kinh tế mới ở địa phương vẫn tồn tại và phát triển. Đó là nền kinh tế có nhiều thành phần khác nhau, cùng tồn tại nhằm phục vụ dân sinh và phục vụ công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, theo sự chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, nhân dân cả tỉnh tích cực đóng góp lương thực. Trong một thời gian ngắn, tỉnh đã dự trữ được 20 tấn gạo, 1 tấn lương khô, một tấn đường và mật.
Ngày 19-12-1946 nhân dân Nam Định cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kì. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch đã chi phối mọi biến chuyển của kinh tế địa phương.
Ngay trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố Nam Định đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, triệt phá công sở, xí nghiệp, đường xá..., tất cả những nơi địch có thể sử dụng. Thậm chí nhân dân còn tự thiêu huỷ nhà cửa của mình trước khi tản cư ra ngoài. Nhân dân nội thành cùng lực lượng vũ trang đã tháo dỡ và chuyển máy móc từ các xí nghiệp trong thành phố ra vùng hậu phương. Khi địch chiếm được thành phố, thì hầu hết các nhà máy ở đấy đã không thể hoạt động được nữa, phố xá đổ nát, trống không. Cho đến tháng 9 năm 1947, số dân trong nội thành chỉ có khoảng 1000 người.
Cuộc chiến đấu phát triển càng rộng lớn thì khu vực bị tàn phá ngày càng nhiều. Khi giặc Pháp lấn chiếm ra vùng nông thôn, toàn bộ các trục đường quan trọng trong địa bàn tỉnh như đường số 10, 12, 21, 38, 56, 57 đã bị phá để ngăn bước tiến của quân thù. Mặt khác, cuộc đấu tranh của công nhân trong các cơ sở sản xuất của Pháp ở trong thành phố ngày càng lên cao. Công nhân Nhà máy sợi Nam Định cùng lực lượng vũ trang Liên khu phá hàng chục máy dệt, hàng trăm con suốt và nhiều phương tiện sản xuất của Pháp (12 - 1948) và đã đốt cháy hàng chục vạn mét vải, kho sợi và nhiều máy móc thiết bị (1 - 10 - 1950).
Kinh tế Nam Định thời kì này không có điều kiện phát triển. Vùng thành phố trở nên tiêu điều. Vùng nông thôn - nhất là vùng vành đai – nhiều ruộng đồng bị hoang hoá. Kinh tế tự cung, tự cấp trở thành nhân tố cốt lõi nhất của kinh tế Nam Định trong 9 năm kháng chiến.
Hai vùng kinh tế khác nhau tồn tại trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Định là vùng du kích và vùng tạm chiếm.
Trong vùng địch kiểm soát, thực dân Pháp cố gắng duy trì hệ thống kinh tế như đã từng có trước chiến tranh. Bản chất của nó vẫn là nền kinh tế thuộc địa, trong đó phương thức sản xuất tư bản thực dân vẫn khống chế, chi phối phương thức sản xuất phong kiến. Tại vùng tạm chiếm, địch vơ vét thóc gạo, tăng thuế nặng nề. Thực dân Pháp còn lập tỉnh Bùi Chu rồi đặt thuế để nhân dân lương - giáo “xây dựng tỉnh mới”.
Trong vùng du kích, nền kinh tế độc lập, tự chủ đã phát huy vai trò của mình trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân. Theo báo cáo của các địa phương lúc đó, chợ búa vẫn nhộn nhịp, khi giặc càn quét, bắn phá nhiều thì chuyển sang họp đêm.
Bộ phận kinh tế quốc doanh, bao gồm các ban ngành tài chính, nội thương, thuế vụ... hoạt động ngày càng có hiệu quả. Một số HTX sản xuất, mua bán, tín dụng được thành lập. Ngành tài mậu đã chủ động lưu thông mua bán giữa 2 vùng nên đã góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng kinh tế kháng chiến và cải thiện đời sống nhân dân.
Các chính sách khuyến nông, khuyến công có tác dụng phát triển kinh tế vùng du kích. Chủ trương giảm tô, giảm tức, chia ruộng đất vắng chủ, công điền cho nông dân, cứu trợ lương thực cho vùng đói của chính quyền kháng chiến đã tạo điều kiện cho nhân dân khắc phục khó khăn do chiến tranh gây ra, và từ đó đóng góp thiết thực cho cuộc kháng chiến trường kì ở địa phương. Dù kinh tế còn thiếu thốn, nhân dân dân cả tỉnh đã tích cực đóng góp hàng vạn tấn thóc, hàng chục triệu đồng để “nuôi quân đánh giặc”. Riêng thuế nông nghiệp vào tháng 5 năm 1954, nông dân đã đóng gần 1 vạn tấn.
Chiến tranh làm cho kinh tế Nam Định trở nên tiêu điều. Cuộc chiến càng mở rộng và càng ác liệt, kinh tế càng bị tàn phá trầm trọng hơn. Trong vùng địch tạm chiếm, mọi ngành kinh tế bị ngừng trệ. Công nghiệp hoạt động cầm chừng và vào cuối cuộc kháng chiến thực dân Pháp bắt đầu phá dỡ máy móc chuyển vào Nam. Trong phạm vi cả tỉnh có gần 1 vạn héc ta ruộng bị hoang hoá, hàng ngàn trâu bò bị địch giết.
Trong điều kiện chiến tranh như vậy, ngành nông nghiệp - vốn đã có vị thế quan trọng, lại càng quan trọng hơn. Dù điều kiện hai vùng khác nhau, dù nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng nó vẫn là nhân tố kinh tế chủ đạo.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]