Đến thăm làng Sơn Lâm, xã Hoành Sơn (Giao Thủy) vào dịp cuối năm, đi trên những con đường liên thôn, xóm khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát mới thấy sự đổi thay, khởi sắc của một vùng quê biển.
Làng Sơn Lâm, xã Hoành Sơn (Giao Thuỷ) thời đổi mới. |
Làng Sơn Lâm hiện có 265 hộ với hơn 1.000 khẩu. Từ nhiều năm nay, làng không còn hộ đói, số hộ khá, giàu chiếm hơn 40%; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước hợp vệ sinh, hơn 3km đường giao thông thôn, xóm được bê tông hoá từ nguồn đóng góp của nhân dân. So với các địa phương khác, Sơn Lâm chưa phải là địa phương mạnh về kinh tế, nhưng lại “giàu có” về truyền thống hiếu học. Gia đình ông Nguyễn Kim Luân, được cả vùng biết tiếng vì có nhiều con đỗ đạt. Thời gian hơn 10 năm nuôi các con học đại học, cơ nghiệp của gia đình ông Luân chỉ có mấy sào ruộng. Vợ chồng ông Luân động viên nhau lên thành phố bươn chải với nhiều nghề, từ giúp việc quán ăn, xe thồ, phụ xây, bán hàng rong để có kinh phí lo cho con ăn học. Đến nay, các con ông tốt nghiệp các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải, có công việc và thu nhập ổn định. Trong đó, cậu con trai Nguyễn Thành Nam đã đoạt Huy chương Bạc Vật lý quốc tế năm 2007, hiện đang du học tại Mỹ. Đưa cho chúng tôi xem những giấy khen và ảnh các con ông xúng xính mũ áo cử nhân, ông Luân tươi cười: “Ở đất này, gia đình nghèo có con cái vào đại học như nhà tôi… nhiều lắm”. Vợ chồng anh Phạm Bá Hùng, một gia đình thuần nông cũng quyết nuôi con ăn học. Anh Hùng lên Hà Nội làm “cửu vạn”, ai thuê việc gì làm việc nấy, nơi quê nhà vợ anh làm ruộng, lúc nông nhàn đi đồng nát, xoay đủ nghề để kiếm từng đồng cho con đóng học phí. Giờ đây, bù đắp lại những năm tháng khó khăn, vất vả của anh chị, là sự thành đạt của các con khi đã tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và Đại học Hàng hải. Hoặc gia đình các ông Phạm Ngọc Cừ, Đinh Văn Biên, Nguyễn Văn Khải… các con đều chăm ngoan, học giỏi và đều học đại học đến nay đã có việc làm, thu nhập ổn định. Ông Phạm Quang Đạt, trưởng xóm Sơn Lâm tâm sự: “Người Sơn Lâm, chuyện gì có thể bất đồng quan điểm, chứ chuyện khuyến học, khuyến tài thì luôn cùng tiếng nói”. Mỗi dòng họ có phương thức động viên con cháu theo cách riêng, nhưng đều hết lòng vì sự nghiệp khuyến học chung của làng; mỗi dịp giỗ tổ đều tổ chức trang trọng lễ dâng hương, tuyên dương khen thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Hội Khuyến học Sơn Lâm được thành lập, kinh khí chưa nhiều nhưng đã động viên kịp thời con em; phát động sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài đến từng hộ dân, thu hút toàn dân tham gia thực hiện. Hằng năm, Sơn Lâm có từ 15 đến 20 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Không chỉ mạnh về công tác khuyến học, khuyến tài, cán bộ và nhân dân Sơn Lâm còn tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, đồng tình thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế về nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang. Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Lâm cho biết: Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, thôn Sơn Lâm đặc biệt chú trọng tới các vấn đề như: xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Hệ thống chính trị - xã hội được củng cố vững mạnh, quy chế dân chủ được thực hiện có hiệu quả, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ và tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá. Bằng cách làm sáng tạo và sự phối kết hợp đồng bộ nên phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Sơn Lâm trong những năm qua đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều năm liền, Sơn Lâm không có các tai, tệ nạn xã hội; nhân dân trong làng đồng tình và thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế về nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang. Các hoạt động đoàn thể, tổ chức chính trị như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Người cao tuổi diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung sinh hoạt thiết thực, vận động các gia đình hội viên thực hiện các mô hình: Gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc, không có con em mắc các tai, tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế hộ, xoá đói giảm nghèo… Bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, người dân Sơn Lâm đã xây dựng nhà văn hóa trị giá hơn 200 triệu đồng phục vụ các hoạt động của cộng đồng. Thông qua hoạt động của các CLB, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao ở Sơn Lâm phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân./.
Bài và ảnh: Việt Thắng