Nằm trong bối cảnh chung của đồng bằng Sông Hồng, từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Nam Định đã có con người cư trú. Một số nơi trên đất Nam Định, đặc biệt là ở vùng thềm phù sa cổ đã phát hiện những di tích khẳng định sự có mặt từ rất sớm của con người trên mảnh đất này từ thời Phùng Nguyên cho đến Đông Sơn. Cư dân thời bấy giờ chưa hẳn là người Kinh như hiện nay mà có nhiều bằng chứng khảo cổ học, ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật đã chứng minh rằng cư dân Nam Định nói riêng và cư dân đồng bằng sông Hồng nói chung thời bấy giờ có gốc Môn - Khơ me, Tày - Thái, Nam Đảo.
Trong thời Đông Sơn rực rỡ của văn hoá đồng, sắt, cư dân Việt cổ vẫn tiếp tục lấn biển và đến đầu công nguyên cách đây khoảng 2000 năm, bờ biển đã lùi đến Ninh Bình trên sông Đáy, Nam Định trên sông Hồng, Ninh Giang trên sông Luộc. Và trong bối cảnh đó, cư dân Việt đã tiến dần xuống vùng đất ven biển và tập trung khai thác trên các sườn đất cao, các đồi sót và các cồn cát nổi, từng bước khai thác, mở rộng đất đai canh tác.
Trong suốt thời Bắc thuộc, đất đai ven biển tiếp tục được mở rộng. Vào khoảng thế kỷ X, cư dân đã tới vùng đất cửa sông Thái Bình thuộc Hải Phòng ngày nay, còn về phía cửa sông Hồng thì đã tới sông Ninh Cơ. Chính quá trình hình thành đó đã tạo nên những vùng đất đai thuận lợi cho con người cư trú và sản xuất nông nghiệp. Với ưu thế đó, trên vùng đất Nam Định đã cuốn hút cư dân nhiều nơi ở Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ đến khai phá đất đai và lập làng ấp. Trên vùng đất Nam Định có các luồng cư dân chủ yếu vào hợp cư và tụ cư. Đó là luồng cư dân từ vùng châu thổ trung tâm xuống, từ vùng bắc Trung Bộ đi ra và luồng cư dân từ nơi khác đến theo đường biển vào trong nhiều thời điểm khác nhau.
Dưới thời Trần, các tôn thất như Trần Thủ Độ, Trần Liễu, Trần Quang Khải đều được ban thái ấp trên đất Nam Định. Ngoài ra, triều đình còn cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã... chiêu mộ dân không có sản nghiệp đến khai hoang, lấn biển... Do đó, nhiều thái ấp đã được hình thành từ Mỹ Lộc cho đến các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường... Theo điều tra thực địa của Gourou những năm 30 của thế kỷ XX tại Nam Định, thì nhiều làng xã được thành lập từ khá sớm. Tất cả các làng ở phía bắc sông Ninh Cơ đều là những làng cổ được thành lập trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV.
Có thể nói từ thời Lý - Trần cho đến thời Lê, vùng đất Nam Định đã được khai phá khá mạnh và đã có sự tụ cư khá đông đúc của cư dân người Việt ở vùng Sơn Nam Hạ giáp biển.
Trong nhiều thời điểm khác nhau, các lớp cư dân từ nhiều địa phương khác nhau tiếp tục chuyển cư tới Nam Định. Chẳng hạn trong thời Lê, dân đến khai thác vùng Hải Hậu có một bộ phận là từ Thanh Hoá, Nghệ An do tôn thất hoặc quan triều đình có công trong việc phù Lê Lợi đánh quân Minh dẫn đầu. Lê Thánh Tông đã cho lập đồn điền ở Vọng Doanh (Ý Yên) tuyển quân lính và mộ dân đến sản xuất lương thảo cung cấp cho quân đội... Cũng không loại trừ những nhóm cư dân lẻ tẻ từ biển đi vào khai thác vùng duyên hải, kết hợp vừa đánh cá, làm muối vừa làm nông nghiệp.
Sự tụ cư của cộng đồng cư dân Nam Định khá đa dạng có liên quan chặt chẽ với quá trình chinh phục vùng đồng bằng duyên hải và sự hình thành làng xã ở khu vực này. Vào thời Lê, nhà nước đã cho đắp đê từ Nghĩa Hưng chạy dọc theo ven bờ biển đến Nga Sơn (Thanh Hoá) nơi tiếp giáp với Ninh Bình. Và do vậy các làng xã ngoài đê đương nhiên là có niên đại hình thành muộn hơn. Theo tài liệu khảo sát của Gourou, làng Quần Phương (Hải Hậu) được thành lập muộn nhất từ thế kỷ XV. Và chính vì vậy ngay từ rất sớm, các giáo sĩ phương Tây đã vào vùng biển này (bao gồm cả vùng Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nghĩa Hưng) để truyền đạo.
Theo tài liệu khảo sát ở làng Hoành Nha (Giao Thuỷ), vào khoảng thế kỷ XV, một số người thuộc dòng họ Nguyễn từ làng Hoè Nha ngoại thành Nam Định ngày nay đã đến đây khai khẩn đất hoang lập ra ấp Hoè Nha. Tiếp theo đó, ấp Hoè Nha từng bước được bổ sung thêm các dòng họ khác từ nhiều địa phương như Thanh Hoá, Thái Bình và có những dòng họ có nguồn gốc từ khá xa như dòng họ Tiêu vốn từ Phúc Kiến Trung Quốc sang từ giữa thế kỷ XVIII.
Trong cuộc doanh điền của Nguyễn Công Trứ đầu thế kỷ XIX cùng với việc thành lập 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), ở Nam Định đã lập thêm được 2 tổng là Hoành Thu và Ninh Nhất.
Theo các tư liệu địa phương, trong số trên 40 làng ấp được khai hoang vào năm 1828 ở huyện Tiền Hải đã có 14 làng do dân Trà Lũ đến khẩn hoang. Người Trà Lũ mà số đông là nghĩa quân Phan Bá Vành đã chiếm 34 trong tổng số 77 người đến khai hoang lập nên 2 tổng Hoành Thu (nay là xã Giao Thịnh, Giao Tân và một phần Giao Châu huyện Giao Thuỷ) và Ninh Nhất (nay là 3 xã Hải Toàn, Hải An và Hải Phong huyện Hải Hậu) với 12 ấp trại.
Đến cuối thế kỷ XIX, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị tổ chức khai hoang lập tổng Sĩ Lâm ở huyện Đại An (nay thuộc huyện Nghĩa Hưng) và tiếp đó tiến sĩ Đỗ Tông Phát thành lập thêm tổng Quế Hải và Tân Khai (nay là các xã Hải Tân, Hải Quang và một phần xã Hải Đông) huyện Hải Hậu.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]