Quan hệ giai cấp ở Nam Định từ sau Cách mạng tháng Tám 1945

08:01, 17/01/2012

Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, và đặc biệt sau hoà bình lập lại, quan hệ giai cấp có những chuyển biến mới trên miền Bắc nước ta nói chung và Nam Định nói riêng với không ít những khó khăn, phức tạp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở Nam Định có 90% số làng xã bị địch chiếm đóng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Khi hoà bình lập lại, cả tỉnh có 9.000 mẫu ruộng hoang hoá, gần 4 vạn giáo dân bị dụ dỗ, cưỡng bức di cư vào Nam. Trong tình hình đó, các tầng lớp nhân dân Nam Định dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành khôi phục xản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất. Cuộc cải cách ruộng đất ở Nam Định được tiến hành tại 249 xã, tịch thu, trưng thu, trưng mua 22.789 mẫu ruộng đất của địa chủ và Nhà chung. Số địa chủ bị quy trong cải cách và sửa sai là 8.540 người.

Những thắng lợi căn bản của cải cách ruộng đất, đã làm thay đổi rất quan trọng mối quan hệ giai cấp. Về cơ bản, chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, khẩu hiệu "người cày có ruộng'' được thực hiện, quyền uy của giai cấp địa chủ phong kiến bị xoá bỏ, địa vị chính trị của giai cấp nông dân được nâng cao, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm cuối của thập kỷ 50, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã thu được những thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương nghiệp, kinh tế tư bản tư doanh. Cuộc vân động xây dựng hợp tác xã trong nông nghiệp đã được nông dân hưởng ứng. Cho tới cuối năm 1958, trên 60% hộ nông dân đã tham gia hợp tác xã và tổ đổi công. Cũng trong thời gian này, cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng được tiến hành đối với công nghiệp tư bản tư doanh, tiểu chủ tiểu thương theo mô hình mới. Cho đến năm 1960, quan hệ sản xuất mới đã được thiết lập, khối đoàn kết liên minh công nông được củng cố và tăng cường, trở thành động lực to lớn trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những bước phát triển mới ở Nam Định nhưng đồng thời cũng bộc lộ những vấn đề bức xúc mới liên quan đến sự đa dạng của các thành phần kinh tế và sự phân tầng xã hội. Theo Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2001, thu nhập bình quân năm của nhóm 20% cao nhất ở Nam Định là 1.949 đô la Mỹ (năm 1999) và thu nhập bình quân của nhóm 20% thấp nhất là 420 đô la Mỹ (năm 1999); khoảng cách của 2 nhóm này là 6,5 và tỷ lệ dân sống dưới ngưỡng nghèo thu nhập là 7,42% (năm 1999). Trong khi đó, ở đồng bằng sông Hồng, bình quân nhóm 20% thấp nhất là 480 và cao nhất là 2.640; khoảng cách giữa hai nhóm là 7,0. Tỉ lệ dân sống dưới ngưỡng nghèo thu nhập là 6,49. Tuy được cải thiện nhiều nhưng trong bức tranh chung ở đồng bằng sông Hồng, cuộc sống của người dân Nam Định vẫn thuộc loại trung bình.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com