Cuối thế kỷ XIX, ở Nam Định bên cạnh giai cấp nông dân đã hình thành đội ngũ giai cấp công nhân làm việc trong các nhà máy Dệt, Rượu, Tơ, Xay, Chiếu, Chai... Nhà máy Sợi Nam Định được thành lập năm 1889, do một tư nhân Hoa kiều là Bá Chín Hội thành lập. Ban đầu chỉ có một xưởng sợi với 9 máy thủ công và 100 công nhân. Năm 1890, nhà tư sản Pháp là Đuypơrê, chủ Cty bông Bắc Kỳ đã hùn vốn với Bá Chín Hội cùng kinh doanh và sau đó độc quyền nhà máy. Đến năm 1940, nhà máy phát triển mạnh trên diện tích 339.000 m2 với số lượng công nhân là 14.400 người.
Dưới thời Pháp thuộc, công nhân dệt Nam Định luôn luôn đấu tranh với chủ tư bản Pháp. Riêng trong năm 1924 đã nổ ra 4 cuộc bãi công của công nhân: Tháng 2, gần 100 công nhân nhà máy Tơ bãi công bắt họ phải chụp ảnh để làm hồ sơ; tháng 7 công nhân nhà máy Xay và nhà máy Rượu bãi công phản đối chủ bắt làm thêm giờ. Đầu tháng 9, công nhân 2 nhà máy này lại bãi công chống chế độ kiểm soát vô liêm sỉ và giữa tháng 9 lại nổ ra cuộc bãi công của 250 công nhân nhà máy Dệt. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh cuả 4.000 công nhân (chiếm 3/4 công nhân nhà máy lúc bấy giờ) bắt đầu từ ngày 25-3-1930 và kéo dài trong 21 ngày và ngày 25-3 trở thành ngày truyền thống của công nhân Nam Định. Mâu thuẫn giữa công nhân và các chủ tư bản Pháp ngày càng quyết liệt. Thông qua cuộc đấu tranh này ý thức chính trị của giai cấp công nhân Nam Định ngày càng được nâng cao, và chính điều đó Nam Định nhanh chóng trở thành một trung tâm sớm tiếp thu các tư tưởng cách mạng.
Trong số 5-6 vạn dân ở thành phố lúc bấy giờ thì khoảng 1/3 là công nhân trong các nhà máy và một bộ phận Hoa kiều, Ấn kiều đến làm ăn sinh sống. Nhiều hiệu buôn đã được mở ở các phố Hàng Song, Hàng Tiện, Hàng Lọng, Hàng Thêu, Hàng Mâm, Hàng Giấy, Hàng Thao, Hàng Nâu, Bến Ngự, Văn Miếu, Trường Thi, Cửa Bắc, Vải Màn, Phố Khách ...
Sự phát triển của công nghiệp và thương mại đã thu hút một đội ngũ thợ thủ công lành nghề khá đông đảo từ nhiều địa phương, trong đó tập trung chủ yếu là nông dân thợ thủ công trong các làng xã trong tỉnh. Cùng với đội ngũ viên chức những người thợ thủ công từ khắp các làng quê Nam Định đã góp phần làm đông đảo thêm đội ngũ công nhân và tầng lớp tiểu tư sản thành thị.
Giai cấp tư sản Nam Định được hình thành rõ rệt từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tập trung ở thành phố Nam Định, chuyên kinh doanh thương nghiệp, một số ít đầu tư vào công nghiệp nhẹ và một bộ phận tư sản còn kiêm địa chủ. Tuy nhiên tư sản Nam Định có số lượng ít, cơ sở kinh tế yếu kém. Trước khi Nam Định được giải phóng, toàn tỉnh có 230 hộ tư sản, số nhân công thuê mướn là 1.984 người, trong đó có 113 hộ tư sản ở thành phố Nam Định. Tầng lớp tiểu tư sản ở Nam Định bao gồm nhiều bộ phận trong tiểu thương, viên chức, trí thức học sinh... có quá trình hình thành gắn liền với quá trình đô thị hoá dưới thời thực dân.
Cũng trong thời Pháp thuộc một số trường Pháp - Việt đã ra đời ở Nam Định, trong đó nổi tiếng là các trường Thành Chung và Cửa Bắc với mục đích đào tạo công chức phục vụ cho bộ máy thống trị của chúng. Mặc dù vậy, từ mái trường này nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đã sớm giác ngộ cách mạng. Nhiều trí thức ở Nam Định đã được đào tạo tại đây và sớm tham gia các tổ chức chính trị như Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội và Đảng Cộng sản, trở thành yếu nhân của phong trào như Đặng Xuân Khu, Nguyễn Đức Cảnh ... .
Công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tác động sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, chính, trị, xã hội ở Nam Định. Chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp cùng với nạn cường hào ở nông thôn đã đẩy người dân lao động vào con đường bần cùng hoá. Hàng vạn nông dân Nam Định đã phải rời bỏ làng quê để đi tìm kế sinh nhai tại các đồn điền, hầm mỏ. Tại các hầm mỏ Bắc Kỳ có khoảng 40.000 - 50.000 cu ly thì nơi cung cấp nhiều nhất là Thái Bình và Nam Định. Mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trở nên quyết liệt đang đòi hỏi phải được giải quyết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và nông dân Nam Định đã nhất tề đứng dậy cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám, tạo ra bước ngoặt vĩ đại nhất trong toàn bộ tiến trình lịch sử của đất nước, quê hương.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]