Quá trình hình thành và phát triển Đô thị Nam Định

07:01, 10/01/2012

Trong thời Pháp thuộc, đặc biệt sang đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa, xây dựng một số công trình sản xuất tiêu dùng thì các đô thị mới bắt đầu được mở rộng thêm và dân số cũng tăng lên. Ở đồng bằng sông Hồng hình thành 3 đô thị lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Cho đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nam Định có 1 thành phố và 9 thị trấn:

Thành phố Nam Định là thành phố lớn thứ ba của đồng bằng sông Hồng, dân số 165.649 người (1989), 204.784 người (1999). Nam Định là một đô thị tương đối cổ, xưa kia gọi là Vị Hoàng. Thời Trần thuộc lộ Thiên Trường, thời Lê thuộc thừa tuyên Thiên Trường, rồi xứ  Sơn Nam, Sơn Nam Hạ mà dân gian quen gọi là Xứ Nam, Nam Hạ. Sử cũ ghi: năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự về quê cũ, ban tiệc cho dân chúng, đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường; cho xây 2 cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Từ đấy, Thiên Trường được coi là kinh đô thứ hai của Nhà Trần sau Thăng Long. Thành Nam Định được xây vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Theo Đại Nam nhất thống chí: Thành tỉnh Nam Định chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc, cao 1 trượng 2 thước 2 tấc, mở 4 cửa, hào rộng 6 trượng sâu 6 thước, ở địa phận 2 xã Tức Mặc và Năng Tĩnh huyện Mỹ Lộc. Năm Gia Long thứ 3 đắp bằng đất, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) xây bằng gạch.

Một góc Thành Nam.
Một góc Thành Nam.

Thành Nam Định trở thành thủ phủ của Nam Định Trấn rồi Nam Định tỉnh từ 1832. Thành đã bị phá năm 1891 chỉ còn lại Cột cờ và đoạn thành ở phía bắc.

Thành phố Nam Định hiện nay là trung tâm của phủ Thiên Trường xưa vốn là một thành phố có truyền thống văn hiến. Thời xưa, đây là một trong 6 nơi trong cả nước có trường thi Hương, là một trong 3 đô thị bao gồm Hà Nội, Huế, Nam Định được dựng cột cờ. Thành phố Nam Định là thành phố giữ được nhiều nét cổ kính, nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng có giá trị. Các phố cũ của Nam Định cũng bắt đầu bằng tên “Hàng” như khu 36 phố phường của Thăng Long- Hà Nội, như Hàng Giấy, Hàng Dầu, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Hàng Lọng hay Hàng Nâu, nơi ở của nhà thơ Tú Xương.... Là một cảng sông, Nam Định có các bến đò Quan, đò Bái, sang Thái Bình xưa có bến Tân Đệ (nay là cầu Tân Đệ). Từ Nam Định có thể đi thuyền vào Thanh Hoá, Nghệ An qua sông Nam Định, sông Đáy rồi kênh đào nhà Lê qua cửa Thần Phù .

Phía bắc thành phố là làng Tức Mặc, nơi ở của các vua Trần khi làm Thái thượng hoàng còn dấu tích hành cung của nhà Trần. Tại khu vực này còn có  tháp Phổ Minh xây dựng từ thời Lý, từng có đỉnh chùa Phổ Minh là một trong “An Nam tứ đại khí”.

Dưới thời pháp thuộc, đô thị Nam Định có nhiều thay đổi. Sông Vị Hoàng bị lấp để mở rộng đô thị. Năm 1889, nhà máy dệt Nam Định được thành lập và là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Vì thế, thành phố Nam Định được gọi là Thành phố Dệt.

Từ sau cách mạng tháng 8-1945 và nhất là sau ngày giải phóng miền Bắc 1954 rồi thống nhất đất nước năm 1975, phành phố Nam Định cũng được quan tâm phát triển. Khu phố cũ được sửa sang bên chợ Rồng, các cơ sở công nghiệp được mở rông và phát triển, nhiều công trình văn hoá xã hội được xây dựng làm đổi thay, phát triển thành phố cổ Nam Định. Trong quá trình thay đổi địa dư hành chính, thành phố Nam Định luôn luôn trở thành trung tâm chính trị - kinh tế văn hoá của các tỉnh hợp nhất như Nam Hà 1965, Hà Nam Ninh (1976), rồi tỉnh Nam Hà (1992) và tỉnh Nam Định từ 1996 đến nay.

Cùng với đô thị lớn Nam Định, quá trình hình thành các thị trấn cũng diễn ra gắn liền với sự hình thành các trung tâm hành chính. Theo ghi chép của các sử gia triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí, ở Nam Định đã có thành phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng và lỵ sở các huyện lúc bấy giờ:

  • Lỵ sở huyện Nam Chân ở xã Bách Tính.
  • Lỵ sở huyện Chân Ninh ở thôn Nội xã Cát Chử.
  • Lỵ sở huyện Thượng Nguyên ở xã Đặng Xá. Trước ở xã An Lá, năm Minh Mệnh thứ 4 dời đến đây.
  • Lỵ sở huyện Mỹ Lộc ở xã Đông Mặc, trước kia ở xã Hữu Bị.
  • Lỵ sở huyện Thiên Bản ở địa phận 2 xã  Thái La và Châu Bạc, trước là lỵ sở của phân phủ, năm Tự Đức thứ 5 đổi thành lỵ sở của huyện.
  • Lỵ sở phân phủ Nghĩa Hưng ở xã Lạc Chính huyện Ý Yên; trước kia ở xã Vạn Điểm.
  • Lỵ sở huyện Phong Doanh ở xã Thượng Động, trước kia ở xã Ngô Xá.

Cho đến hiện nay ở Nam Định các thị trấn được phân bố như sau: thị trấn Ngô Đồng (huyện lỵ huyện Giao Thuỷ); các thị trấn Yên Định (huyện lỵ), Thịnh Long, Cồn thuộc huyện Hải Hậu; thị trấn Liễu Đề (huyện lỵ), Rạng Đông thuộc huyện Nghĩa Hưng; thị trấn Cổ Lễ (huyện lỵ huyện Trực Ninh); thị trấn Xuân Trường (huyện lỵ huyện Xuân Trường); thị trấn Gôi (huyện lỵ huyện Vụ Bản); thị trấn Lâm (huyện lỵ huyện Ý Yên); thị trấn Mỹ Lộc (huyện lỵ huyện Mỹ Lộc).

Theo: Địa chí Nam Định



Mở bán Noble Crystal

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com