Gia đình và dòng họ là hai nội dung da dạng và có tính lịch sử. Gia đình của người Việt ở Nam Định, ngoài những thông số chung của cư dân người Việt, còn có những đặc trưng riêng gắn liền với quá trình hình thành cộng đồng cư dân. Xét về mặt cội nguồn, làng xã của cư dân người Việt là sư phát triển, mở rộng của gia tộc khởi đầu hay từ một họ gốc rồi từ đó tiếp nhận thêm các dòng họ khác bằng nhiều quan hệ khác nhau.
Trong mối liên hệ với gia đình, dòng họ luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng. Theo thống kê bước đầu, ở Nam Định hiện nay có trên 50 dòng họ, trong đó chiếm tỷ lệ dân số đông là các dòng họ: Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Ninh, Tống, Đinh, Mai, Ngô, Đào, Hồ, Dương, Trịnh, Cao, Bùi, Lưu, Đỗ, Mạc, Vũ, Đặng, Đoàn, Hà, Hoàng, Khuất, Lương, Đồng, Lã, Lý.... Số họ có ở Nam Định chiếm khoảng 80% số họ có trong cả nước.
Giống như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, ở Nam Định, dòng họ và gia đình có mối quan hệ hữu cơ với nhau để từ đó hình thành chế độ tông tộc, tông pháp. Dưới thời Pháp thuộc, trong các thiết chế trong làng xã đã hình thành nên Hội đồng tộc biểu. Trong những thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước, do sự tác động của chiến tranh và phong trào tập thể hoá ở nông thôn đã làm cho vai trò của dòng họ bị suy giảm nhưng sức sống của nó vẫn tồn tại âm ỉ. Từ thập kỷ 80 trở lại đây, với chính sách mở cửa trong cơ chế thị trường và những đổi thay to lớn ở nông thôn, vai trò của gia đình và dòng họ được phục hưng trở lại ở hầu khắp các vùng nông thôn Nam Định.
Ngày nay không còn một làng nào còn kiểu cư trú làng một họ mà trên thực tế tồn tại phổ biến trong một làng có nhiều dòng họ. Tuy nhiên, trong một làng, mỗi họ lại tập trung cư trú trong một khu vực nhất định. Quan hệ huyết thống được bổ sung thêm bằng quan hệ địa vực cư trú làm cho dòng họ thêm vững chắc, ổn định.
Trong một dòng họ thường có các chi, phái. Nguyên tắc huyết thống là phân biệt trưởng - thứ và thân phận từng thành viên trong mối quan hệ dòng họ cũng được phân chia và kế thừa theo ngôi thứ này. Trong mỗi dòng họ lại có trưởng tộc, trưởng chi, trưởng phái. Những người này có vai trò giữ từ đường, hương khói và tổ chức cúng giỗ, tảo mộ, xử lý các mâu thuẫn trong nội tộc. Cho đến hiện nay, nhiều dòng họ còn đề ra hình thức khen thưởng khuyến học của riêng dòng họ mình.
Trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước cùng với sự hồi sinh của các dòng họ, ở các làng xã, phong trào xây dựng từ đường của các dòng họ, chi họ diễn ra khá mạnh mẽ. Theo thống kê năm 1998, toàn tỉnh có 3.368 từ đường dòng họ (và các chi họ, kể cả các dòng họ được tách ra từ một họ gốc ban đầu).
Làng xã ở Nam Định nói riêng và ở Việt Nam nói chung là cộng đồng cư dân tự nhiên được tập hợp theo quan hệ địa vực, quan hệ nghề nghiệp và trên một khía cạnh nào đó là cộng đồng cư dân theo tổ chức hành chính.
Trong tiến trình phát triển, làng xã đã trở thành một cộng đồng kinh tế. Từ các gia tộc xét về mặt cội nguồn, cùng với quá trình tăng trưởng dân số, xáo trộn cư dân, quan hệ hôn nhân..., các làng từ quan hệ thân tộc trở thành quan hệ láng giềng là chính. Điều đó gắn liền với đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp cổ truyền, sản xuất nhỏ tiểu nông.
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cân bằng xã hội cho những người làm nghề nông, trong các làng xã đã xuất hiện các hương ước, khoán ước, trong đó quy định khá chặt chẽ về đời sống sản xuất, về tổ chức và quản lý xã hội, về sinh hoạt tinh thần và văn hoá của nhân dân các làng xã. Hương ước cũng quy định về sản xuất và bảo vệ môi trường, ngăn ngừa phá hoại ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Các làng có nghề thủ công thì có các khoán ước liên quan đến ngành nghề và tổ chức phường hội. Hương ước làng xã còn quy định quyền hạn lề lối làm việc của bộ máy chức dịch, các xóm ngõ, phe, giáp, hội, phường; những quy định về trật tự an ninh, các nguyên tắc thưởng phạt.
Trong bức tranh chung của đồng bằng sông Hồng, làng xã Nam Định đã phản ánh tính đa dạng của các loại hình làng xã. Như một thông số chung, làng xã ở Nam Định chủ yếu là làng nông nghiệp đan xen các loại hình kinh tế khác. Trong kết cấu kinh tế làng xã phổ biến có 3 thành phần: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, trong đó tuỳ từng điều kiện cụ thể mà xuất hiện các làng mang đặc trưng nghề nghiệp như làng buôn vải Báo Đáp (Nam Trực), buôn bán thuốc bắc Lương Kiệt, Cao Hương (Vụ Bản), làng nghề hay làng thủ công như làng dệt Phương Thành, làng rèn Vân Chàng, các làng nghề như tơ lụa Quần Anh, sơn mài Hổ Sơn, gò đồng Bàn Kết, chạm đá Thái La, đan lưới Võng Cổ, làng mộc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá..., các làng chài, làng làm muối ở ven biển...
Xét về kết cấu xã hội - văn hoá có thể thấy ở Nam Định có các loại hình làng Nho học - khoa bảng như Hành Thiện (Xuân Trường), Cổ Lễ (Trực Ninh), Cổ Chử, Thượng Lao (Nam Trực), Tam Đăng, La Ngạn (Ý Yên)...; Các làng công giáo ở Xuân Trường, Hải Hậu; làng giáo phường Hồng Thuận ở Giao Thuỷ; các làng tân, làng cựu liên quan đến quá trình khai hoang lấn biển và xưa kia là các làng hay phường thuỷ cơ liên quan đến đặc điểm cư trú và phương thức mưu sinh trên sông nước...
Làng xã Nam Định là cộng đồng đa chức năng, là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội. Các mối liên kết trong làng bao gồm nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng, đia vực cư trú, đơn vị hành chính, quan hệ dòng máu, trong đó có sự kết hợp khá chặt chẽ mối quan hệ láng giềng và quan hệ huyết thống. Cơ cấu tổ chức quản lý làng xã được vận hành thông qua sự kết hợp giữa pháp luật của Nhà nước và hương ước, tục lệ của làng xã mang tính tự quản tương đối cao.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]