Các đặc điểm địa lý tự nhiên vùng đồng bằng bãi bồi sông được quyết định bởi các mối quan hệ chặt chẽ giữa nền tảng rắn là địa chất - địa hình - thổ nhưỡng và năng lượng khí hậu - thủy văn với sự tham gia của con người khi khai phá, trồng trọt, xây dựng các điểm quần cư với những cơ sở hạ tầng cần thiết.
Nham tướng đặc trưng cho vùng đồng bằng bãi bồi sông là trầm tích aluvi (a) của sông ngòi, tập trung về phía tả ngạn sông Nam Định trong địa phận các huyện Trực Ninh, Xuân Trường và trầm tích đầm lầy - sông, tập trung về phía hữu ngạn sông Nam Định trong địa phận huyện Vụ Bản. Nhưng trong vùng vẫn thấy phân bố khá nhiều nham tướng biển, tại huyện Nam Trực và đầm lầy - biển, tại huyện Vụ Bản và nhất là huyện Ý Yên. Đó là những di tích của thời kỳ đồng bằng bãi bồi sông còn là châu thổ cửa sông. Chúng đã được con người thau chua rửa mặn cải tạo thành đất ngọt, nhưng sông thì cũng bị con người ngăn chặn không cho bồi phủ lên bằng cách đắp đê ngăn lũ. Đây là vùng châu thổ trước thế kỷ X (về phía đông đoạn đường sắt Nam Định - Ninh Bình) và trước cả Công Nguyên về phía tây đoạn đường sắt đó, vì đoạn này được xây dựng trên đường bờ biển cổ cách đây 2000 năm.
Bãi bồi cao trong đê. |
Về mặt địa hình ta sẽ thấy những đại diện cho tác động bồi tụ của sông mới đây (trước thế kỷ XV) và tác động của bờ biển cổ hơn, ngoại trừ địa hình đồi sót của nền cổ Nguyên sinh đại PR1 do nền móng sụt võng tại Ý Yên. Địa hình bãi bồi sông lan khắp ven sông Hồng, phía tả ngạn sông Nam Định và cả hai phía sông Ninh Cơ là những chi lưu của sông Hồng. Do con người đắp đê mà phân biệt rõ bãi bồi ngoài đê vẫn được bồi hằng năm và bãi bồi trong đê mà chỉ còn tác động của người. Các đầm lầy sông phổ biến tại huyện Vụ Bản. Các cồn cát cổ trước thế kỷ X được thấy dọc theo đường bờ biển cổ cách đây 1000 năm thấy ở Nam Trực và Ý Yên. Còn tại Ý Yên là các bãi lầy biển chưa được sông bồi phủ hết. Như thế giữa địa hình và nham tướng trầm tích có mối tương quan chặt, có thể coi như hai là một.
Thổ nhưỡng là đối tượng canh tác, được con người cải tạo mạnh, nên các đồng ruộng trên các địa hình nham tướng biển cổ đã không có tính chất mặn và trở thành các thổ nhưỡng phù sa sông, về thực chất chúng cũng là phù sa của hệ thống sông Hồng do biển làm nhiễm mặn. Cho nên sự phân hóa chính trong thổ nhưỡng là địa hình cao thấp do mức độ bồi đắp của sông xưa kia và thành phần cơ giới cát hay thịt - sét do tác động của tốc độ dòng chảy sông và tác động của sóng hay dòng triều. Chỗ cao, đất không bị glây, chỗ thấp là đất phù sa glây hay đất lầy thụt.
Nơi gần các lòng sông lớn thường có thành phần cơ giới nhẹ hơn do lúc sông tràn bờ, năng lượng giảm nhanh, phải bỏ lại các phần tử nặng như cát, sỏi sạn. Nơi là những cồn cát cổ do tác động của sóng thì thành phần cơ giới là cát đến cát pha. Còn nơi xa sông hoặc tại các bãi triều cổ, chỉ có bùn sét do đó thành phần cơ giới nặng hơn, thịt nặng và sét.
Tại các địa hình đầm lầy sông và đầm lầy biển phát triển đất phù sa bị glây hóa và đất lầy thụt. Địa hình đồi sót có sự thống nhất tuyệt đối giữa nham, địa hình và thổ nhưỡng, nói chung là đất feralit đỏ vàng trên đồi đá biến chất (Fs), trừ nơi do sự khai thác bất hợp lý lâu dài mà biến thành đất xói mòn trơ sỏi đá (E). Như vậy về cơ bản, tại vùng đồng bằng bãi bồi sông, nền tảng rắn địa chất - địa hình - thổ nhưỡng có mối quan hệ phát sinh tự nhiên, chịu sự cải tạo của con người như đắp đê, làm thủy lợi và canh tác. Sự phân bố của các hợp phần này phù hợp với nhau.
Khí hậu đồng bằng bãi bồi sông cũng có những nét riêng khác với tại châu thổ hiện tại. Nền nhiệt lượng thấp hơn châu thổ hiện tại, số giờ nắng trong năm dưới 1700 giờ và giảm dần về phía đồng chiêm trũng, thường dưới 1650 giờ. Do đó tổng nhiệt độ năm và lượng bốc hơi nói chung cũng thấp, tổng nhiệt độ dưới 86000C (ngoại trừ thành phố Nam Định và ngoại vi có tăng lên do hiệu ứng nhà kính) và lượng bốc hơi dưới 950 mm và giảm dần về phía giáp với Hà Nam (xuống dưới 850 mm). Đồng bằng bãi bồi sông có hai trung tâm mưa nhiều là Ý Yên ven sông Đáy và từ Nam Thắng đến Xuân Hồng ven sông Hồng. Đồng thời mùa lạnh ven sông Hồng cũng mưa tới 260 mm. Về mặt thủy văn, đây là vùng nhận nhiều nước và phù sa của sông Hồng, sông Nam Định, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Do đắp đê mà lượng nước và phù sa ấy bây giờ chỉ chảy qua địa phận của vùng, sông Hồng tải khoảng 35 tỷ m3 nước và 70 triệu tấn phù sa, sông Nam Định 25 tỷ m3 nước và 67 triệu tấn phù sa, hai sông Đáy và sông Ninh Cơ là thứ yếu, cả hai sông chỉ khoảng 10 tỷ m3 nước và 30 triệu tấn phù sa. Tuy nhiên, nếu có cách khai thác tốt lượng nước và phù sa ấy, thì đây là một nguồn tài nguyên quý giá.
Do được khai thác từ hàng nghìn năm mà rừng nhiệt đới ẩm hay rừng đầm lầy đã không còn, có chăng chỉ còn lẻ tẻ vài cây gỗ cao to quanh các đình chùa và cỏ dại trên bờ ruộng, gò đống. Thay thế vào đó là cả một tập đoàn cây trồng phong phú. Khắp vùng đâu đâu cũng thấy ruộng lúa 2 vụ. Tại nơi cao hay đất cát thì thêm các hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày tăng vụ, như ngô, khoai, đỗ tương, lạc, đay...
Vùng đồng bằng bãi bồi sông có sự phân hóa thành 3 cảnh địa lý khác nhau rõ rệt là cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông, phát triển chủ yếu dọc sông Hồng và sông Nam Định có lượng nước và lượng phù sa lớn, cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông, phát triển về phía hữu ngạn sông Nam Định và cảnh quan bãi bồi cao trong đê sông đi từ tả ngạn sông Nam Định đến ranh giới với châu thổ hiện tại.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]