Nam Định - Cảnh quan châu thổ ngầm

08:12, 22/12/2011

Đây thực chất là cảnh quan biển nông ven bờ, một cảnh quan nước trước khi châu thổ ngầm trở thành châu thổ nổi. Do đó đặc trưng cấu trúc thẳng đứng nằm trong các yếu tố hải văn và khí tượng biển, cùng với các sản phẩm tích tụ sông biển ngầm dưới đáy biển. Ranh giới bên trong của cảnh quan là bờ biển hiện tại và ranh giới bên ngoài là nơi mà ảnh hưởng của sông ra xa nhất, đưa nước ngọt ra làm nhạt nước biển và đưa phù sa ra bồi đắp bãi triều ngầm.

Cảnh quan châu thổ ngầm mang tính chất biển nông chí tuyến (nhiệt đới) gió mùa, nhịp điệu mùa ảnh hưởng đến mọi yếu tố tự nhiên. Nhiệt độ trung bình năm của nước biển tại trạm Văn Lý là 25,20C, tháng lạnh nhất (tháng 2) chỉ có 18,20C, còn tháng nóng nhất (tháng 7) lên tới 300C, biên độ năm là 11,80C. Tính chất chí tuyến gió mùa thể hiện rõ hơn qua trị số cực đại. Nhiệt độ nước biển cực đại lên tới 34,20C (ngày 2-7- 1980), còn nhiệt độ nước biển cực tiểu xuống tới 11,30C (ngày 26-12- 1959), biên độ tuyệt đối là 22,90C.

Cảnh quan châu thổ ngầm
Cảnh quan châu thổ ngầm

Độ mặn của nước biển trong cảnh quan châu thổ ngầm tỉnh ta chịu ảnh hưởng của nhịp điệu mùa lũ - cạn của sông Hồng. Do ảnh hưởng của nước sông mà độ mặn của nước biển tại Văn Lý chỉ thuộc vào loại hơi mặn 18- 32%o (còn từ trên 32%o mới là loại nước biển mặn). Độ mặn trung bình năm chỉ có 24,4 %o, độ mặn tháng cao nhất (tháng 1) là 28,3%o, còn tháng thấp nhất (tháng 7- 9) là 19%o, biên độ mặn năm là 9,3 %o. Độ mặn nước biển cực đại tới 33,6%o (14-6-1960), còn cực tiểu chỉ có 1,4%o (8-11-1961), biên độ cực đại tới 32,2%o, như thế có lúc nước biển cũng rất mặn, nhưng có khi lại chỉ hơi lợ (0,5 - 5,0%o). Điều đó khiến cho các sinh vật biển tại đây cũng phải rộng muối và nói chung cũng không thuộc loài biển khơi ưa nước mặn.

Ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá biển có tốc độ gió và độ cao sóng, đáng chú ý là các trị số cực đại cần phòng tránh cho các phương tiện đánh bắt hải sản. Tốc độ gió tại trạm Văn Lý đạt trị số trung bình năm là 3,8 m/s thuộc cấp III (gió nhỏ), kém ở ngoài khơi thường đạt 6- 7 m/s (cấp IV- gió vừa). Tuy nhiên trong mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4), mỗi khi gió mùa đông bắc mới tràn về, tốc độ gió mạnh nhất có thể đến 18- 20 m/s (cấp VIII, cấp IX), còn mùa bão (từ tháng 7 đến tháng 10), gió bão đạt tới 40 - 48 m/s (trên cấp XII). Đây là những hệ thống thời tiết có thể theo dõi từ xa, tin dự báo thời tiết tương đối chính xác. Do tốc độ gió trung bình nhỏ (tuy mùa đông có mạnh hơn mùa hè một chút) mà nói chung sóng ở cảnh quan châu thổ ngầm cũng nhỏ, số ngày lặng sóng chiếm 20% trong mùa hè và 10% trong mùa đông, số ngày sóng cấp II cấp III chiếm 60 - 70 % trong cả hai mùa, riêng số ngày sóng mạnh (cấp V- VI, 2- 4 m) trong mùa gió đông bắc khoảng 20- 30% và trong mùa gió tây nam khoảng 10- 20%. Nhưng khi bão to thì sóng lại rất lớn, cho nên sóng bão có thể đạt tới 4,5 m (9-9- 1963), còn sóng gió mùa đông bắc tối đa chỉ đạt 2,5 m (7-1-1963).

Đối với sự phát triển dải bờ biển thì độ cao, biên độ thủy triều và hướng cũng như tốc độ các dòng hải lưu ven bờ (ảnh hưởng tới dòng phù sa) là quan trọng. Thủy triều ở đây là nhật triều, mỗi ngày chỉ có một lần nước lên và nước xuống. Mùa đông thủy triều lên cao nhất vào buổi sáng, còn vào mùa hè lại lên cao nhất vào buổi chiều. Độ cao thủy triều cũng có sự thay đổi trong năm, các tháng có thủy triều cao nhất là tháng 9, 10, 11, 12, các tháng có thủy triều thấp nhất vào 2, 3, 4. Độ cao thủy triều cực đại tại Văn Lý là 3,88 m (24-10-1964), còn độ cao thấp nhất là -0,11 m (14-1-1960), biên độ là 3,99 m. Do chế độ gió mùa mà các dòng biển ven bờ có sự đổi hướng theo mùa. Vào mùa gió đông bắc dòng biển có hướng đông bắc - tây nam và lạnh, tốc độ khoảng 25- 30 cm/s và là bộ phận ven bờ của hệ thống vòng tròn chạy ngược chiều kim đồng hồ trong vịnh Bắc Bộ. Sang mùa gió tây nam, thì dòng biển lại có hướng tây nam - đông bắc và nóng, tốc độ khoảng 15- 20 cm/s và là bộ phận ven bờ của hệ thống vòng tròn chạy thuận chiều kim đồng hồ trong vịnh Bắc Bộ. Như thế vào mùa đông, dòng phù sa đi từ cửa Ba Lạt xuống cửa Đáy, còn về mùa hè thì ngược lại, di chuyển từ cửa Đáy về cửa Ba Lạt. Do dòng phù sa mùa hè mạnh hơn mà cuối cùng châu thổ sông Hồng tiến nhanh hơn ở cửa Ba Lạt. Đoạn từ cửa Lạch Giang đến xã Giao Hải, huyện Giao Thủy vừa có nguồn phù sa ít ỏi từ sông Ninh Cơ và sông Sò lại bị di chuyển về phía cửa Ba Lạt, cho nên ở đoạn bờ biển này năng lượng sóng dư thừa để mài mòn công phá các bãi biển với tốc độ tới 15 m/năm ở Văn Lý và 5- 15 m/năm tại các nơi khác. Một vách xói lở trầm tích bở rời đã được quan sát thấy từ cửa Lạch Giang đến xã Giao Hải.

Xét về cấu trúc ngang cảnh quan châu thổ ngầm có 3 dạng địa lý. Dạng thứ nhất chạy từ cửa Lạch Giang đến xã Giao Hải, là dạng bãi biển cát ngầm do tác động mài mòn - tích tụ của sóng vỗ bờ và sóng nhào, tại vùng biển nông gần bờ (sâu từ 0 đến -5 m và ra cách bờ biển khoảng 3 - 4 km). Dạng thứ hai, chia làm hai cá thể: một bao quanh vùng bãi triều ở cửa Ba Lạt và một bao quanh vùng bãi triều ở cửa Đáy, là dạng bãi triều bùn - sét ngầm nguồn gốc sông - biển, cũng nằm tại vùng biển nông ven bờ (sâu từ 0 đến -5 m và cách các bãi triều nổi vào lúc triều ròng khoảng 1- 2 km). Dạng thứ ba bao quanh cả hai dạng trên, là dạng đáy biển cát bùn xa bờ, (sâu từ -5 đến -20 m và xa bờ khoảng 10-15 km).

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com