Ranh giới cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông về phía bắc và đông là cảnh quan bãi bồi ngoài đê sông Hồng và sông Nam Định, về phía tây là địa giới với tỉnh Hà Nam còn về phía nam là đoạn sông Đáy cho đến lúc gặp đê sông Nam Định, như thế trừ hai đoạn ngắn ở Mỹ Hà, Mỹ Tiến và Yên Hưng, Yên Thành, Yên Thọ, tất cả đường bao quanh cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông toàn là đê và đây cũng là nguyên nhân nhân tác tạo điều kiện hình thành nên cảnh địa lý này.
Đây là cảnh quan có lịch sử hình thành cổ nhất trong tỉnh. Trước thời nhà Lý hệ thống đê còn yếu các bãi lầy ven biển còn được phù sa sông bồi lên, nhưng càng về sau hệ thống đê càng được củng cố thì cảnh quan này không được bồi nữa và vẫn thấp úng như ta thấy hiện nay.
Cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông |
Do tính chất thấp úng tạo ra bởi các bãi lầy biển cổ từ phía nam huyện Vụ Bản đến huyện Ý Yên và bãi lầy sông tại phần bắc huyện Vụ Bản cho đến huyện Mỹ Lộc là đặc điểm cơ bản nhất của cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông Mỹ Lộc - Vụ Bản - Ý Yên, trong đó có phần hữu ngạn sông Nam Định của thành phố Nam Định. Tính chất này khá ổn định và sự biến đổi chủ yếu chỉ do hoạt động tiêu úng của con người. Tuy đã nỗ lực, nhưng vẫn chưa giải quyết được nhiều vùng úng ngập sâu tại Mỹ Hà, tại vùng giáp giới giữa Mỹ Lộc và Vụ Bản, tại các xã Thành Lợi, Đại Thắng thuộc Vụ Bản, các xã Yên Trung, Yên Minh thuộc Ý Yên... Bao quanh các vùng ngập sâu ấy là những vùng úng ngập tạm thời.
Khí hậu của cảnh quan rất đồng nhất, số giờ nắng toàn năm dưới 1650 giờ vào loại thấp nhất tỉnh. Tổng nhiệt độ năm dưới 86000C, trừ tại phần phía bắc có cao hơn 86000C. Lượng mưa trung bình năm dưới 1750 mm vào loại trung bình của tỉnh, riêng phần giáp tỉnh Ninh Bình của huyện Ý Yên lượng mưa có tăng lên trên 1750 mm, có nơi trên 1800 mm do vị trí gần rìa núi phía tây đồng bằng Bắc Bộ chạy xuống tận Ninh Bình, là nơi đón gió ẩm vào mùa hạ. Lượng mưa như trên cũng đủ để cảnh quan dư thừa nước vì đã vượt quá lượng bốc hơi chỉ dưới 850 mm dư thừa 900 mm cung cấp cho toàn cảnh quan tới 0,43 tỷ m3 nước. Do đặc điểm địa hình và lượng mưa cũng như điều kiện thoát nước khó khăn vì bị đê bao quanh, mà nền thổ nhưỡng của cảnh là đất phù sa bị glây (Pg), nhiều chỗ còn bị lầy thụt (J). Những loại đất khác chỉ rải rác, thí dụ như tại một số đồi sót ở Ý Yên là đất feralit đỏ vàng trên đá biến chất (Fs), có chỗ bị xói mòn trơ sỏi đá (E) và tại một số bãi bồi cao là đất phù sa không glây (P) và trên các cồn cát cổ là đất cát - cát pha (C).
Trong tình hình nền nông nghiệp truyền thống luôn cố gắng mở rộng diện tích trồng trọt, chủ yếu là trồng lúa nước, thì phương hướng cải tạo và sử dụng cơ bản cảnh quan bãi bồi thấp úng trong đê sông là phát triển hệ thống các trạm bơm tưới tiêu. Tuy nhiên, trên quan điểm nông nghiệp sinh thái tổng hợp theo định hướng kinh tế thị trường, thì có thể không cần tiếp tục tiêu úng bằng được các dạng bãi bồi thấp úng trong cảnh, mà có thể thực hiện mô hình lúa - thủy sản hoặc mô hình lúa - thủy sản - vườn. Khi đó những vùng thấp úng có thể được đào sâu thêm thành ao hồ, vừa là nguồn nước tưới mùa khô, vừa chứa nước dư thừa vào mùa mưa, lấy đất đắp cao thành vườn, trồng trọt và chăn nuôi. Mặt khác hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, đưa xí nghiệp chế biến nông sản gần nguồn nguyên liệu, hoặc phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, thì việc xác định cơ cấu ngành nghề, vật nuôi, cây trồng có thể được xây dựng dựa trên cấu trúc ngang của cảnh quan thấp úng.
Theo: Địa chí Nam Định